Tình yêu cũng có lúc cần đến một "cơ quan" trung gian hòa giải chứ nhỉ?
Tình yêu cũng có lúc cần đến một "cơ quan" trung gian hòa giải chứ nhỉ?
Nỗi lòng người hòa giải
Kể từ khi cậu em họ có người yêu, Phương Anh (ĐH KD&CN) cũng kiêm luôn chức "quân sư quạt mo". Nhờ thế, cô có thêm một cô em mới là người yêu của em mình. Cặp đôi này bằng tuổi, tính tình trẻ con, cãi nhau như cơm bữa, nên thường tìm đến Phương Anh nhờ tư vấn. "Cả hai đều muốn làm lành nhưng chẳng đứa nào chịu mở miệng trước. Thế là, lúc nào tớ cũng phải "ra mặt" trợ giúp. Nào thì hỏi han, động viên, khuyên nhủ... mãi hai đứa nó mới chịu làm lành. Nhiều lúc cũng phát mệt vì những trò làm kiêu trẻ con của hai đứa. Cũng may là sau những lần như thế, tớ lại được “lĩnh lương” bằng một chầu kem hoặc chè ăn mệt nghỉ”, Phương Anh chia sẻ.
Kém may mắn hơn Phương Anh, Mạnh Quân (lớp 11, THPT Nguyễn Du) lại bị bạn giận chỉ vì... dám hùa theo người yêu nó. “Tớ thấy nó sai đùng đùng ra khi bắt cậu bạn kia dùng những món đồ đỏ chói hoặc hồng tươi "sặc mùi" con gái. Ai chẳng thích được tặng quà nhưng những món đồ màu ấy sao phù hợp với con trai. Chuyện bé tí vậy mà nó không hiểu, rồi giận dỗi với người yêu. Tớ đồng tình với cậu bạn kia và... bị bạn thân giận luôn. Thế đấy!”
Trong tình yêu, không thể tránh những lúc giận dỗi, bất đồng
(Ảnh minh họa)
Khi "trọng tài"... lật mặt
Thông thường, phần lớn "trọng tài" đều là những người thân thiết, đáng tin để bạn tâm sự, xin tư vấn. Nhưng đôi lúc, vì một lý do nào đó mà "người hòa giải" cũng không được "công liêm chính trực" như thường nữa.
“Tớ và người yêu luôn tin tưởng Linh, cô bạn thân của cả hai đứa. Có chuyện, hai đứa đều kể với Linh và mong nó đứng ra “làm chủ”. Thế nhưng, mọi chuyện cũng không khá khẩm lên nhiều. Chủ yếu, tớ với anh ấy vẫn phải tự mình giảng hòa với nhau. Sau này, trong một cuộc nói chuyện, tớ và anh ấy cùng ngỡ ngàng nhận ra rằng Linh đã cố “bơm” vào hai đứa tớ những chuyện hiểu lầm. Chuyện vỡ lở khi chúng tớ nghe tụi bạn đồn Linh cũng đã thầm thương trộm nhớ người yêu của tớ từ lâu và cô nàng trở thành trung gian chỉ là bất đắc dĩ. Sau bận ấy, tớ cũng không còn tâm sự với Linh nhiều như trước nữa”, Trang (18 tuổi, Hà Nội) tâm sự.
Việc tìm đến "trọng tài" chỉ nên dừng ở mức độ nhất định
(Ảnh minh họa)
Có nên tìm đến "trọng tài"?
Nếu như "ông mai, bà mối" giúp bạn tìm được người ấy của mình thì "trọng tài" cũng giúp bạn giữ gìn tình yêu hiện tại. Trong tình yêu, có người đứng ra làm trung gian hòa giải, là cầu nối cũng tốt nhưng hãy chỉ nên duy trì ở mức độ nhất định. Nếu như từ chuyện nhỏ xíu như giận dỗi đến chuyện hai đứa chia tay... bạn đều mong trọng tài "phán quyết" thì có phải bạn đang phụ thuộc vào người khác quá nhiều không? Có khi trọng tài ấy cũng đang phát mệt vì bạn đấy.
Chưa hết, nếu như không may bạn trọng tài của bạn hay bị lung lay, thích buôn chuyện hoặc đang có ý đồ gì đó... thì khả năng gặp sự cố ngoài ý muốn rất cao. Hãy cố gắng tự thân vận động, có chuyện thì "trong nhà đóng cửa bảo nhau", mở cửa giận dỗi um xùm chỉ biến thành trò cười cho người khác mà thôi!
Ngoài ra, trong tình yêu, chuyện bất đồng ý kiến, giận nhau cũng khó có thể tránh được. Hãy chấp nhận rằng những xung đột như thế là một phần không thể thiếu để giúp hai bạn hiểu hơn về nhau.
Gà Zim