Quảng cáo gây hiểu lầm cho khách hàng, giấy phép hoạt động không rõ ràng, quảng cáo sai sự thật là những gì đang diễn ra tại Công ty TNHH Trung tâm trợ thính Stella (số 171 đường Xuân Hồng, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM).
Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Phòng đăng ký kinh doanh cấp cho Công ty TNHH Trung tâm trợ thính Stella do Ông Huh Bang Bin (quốc tịch Hàn Quốc) là Tổng Giám đốc với 2 website trothinh.com và sieuthimaytrothinh.com.
Phản ánh với báo chí, nhiều độc giả cho biết, tại website sieuthimaytrothinh.com, trang chủ của Stella quảng cáo “Công ty TNHH Trung tâm trợ thính STELLA được thành lập năm 2002, bởi Tổng Giám đốc – Thạc sỹ thính học (tức ông Huh Bang Bin) được đào tạo tại nước ngoài với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thính học”. Tuy nhiên, việc quảng cáo mập mờ như vậy khiến khách hàng nhầm tưởng rằng ông Huh Bang Bin là bác sĩ đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong lĩnh vực thính học. Không chỉ vậy, qua tìm hiểu, ông Huh Bang Bin chưa được Bộ Y tế cấp giấy phép hành nghề y tại Việt Nam.
Ngoài ra, Stella còn có clip về quy trình đo thính lực và tư vấn máy trợ thính trên trang web sieuthimaytrothinh.com, những hình ảnh trong clip được cho là giống ông Huh Bang Bin đang nội soi tai đánh giá tình trạng của ống tai ngoài, màng nhĩ và đo thính lực cho khách.
Cũng tại trang web này, công ty Stella giới thiệu được thành lập năm 2002 với các dịch vụ “đo thính lực, đo thính lực trẻ em, đo nhĩ lượng, kiểm tra tai – soi tai”. Tuy nhiên, theo Sở Y tế gửi TP. Hồ Chí Minh, ngày 28/5/2018 Sở đã chỉ đạo Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra đột xuất công ty Stella, phía thanh tra đề nghị công ty này tiến hành đăng ký giấy phép hoạt động và chuyển Phòng y tế quận Tân Bình giám sát việc tạm ngừng hoạt động của cơ sở theo quy định của pháp luật.
Vấn đề đặt ra, trong suốt quá trình từ lúc thành lập đến khi có Giấy phép hoạt động ngày 4/7/2018 thì công ty Stella hoạt động dựa trên giấy phép nào?
Đáng chú ý, ngày 5/7/2018 Công ty Stella mới có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tên cơ sở là Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng thuộc Công ty TNHH Trung tâm trợ thính Stella, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Linh là người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật, ngày 29/3/2019 bác sĩ Linh mới có Chứng chỉ đào tạo liên tục Thính học cơ bản.
Phải chăng trong khoảng thời gian dài từ lúc 5/7/2018 đến ngày 29/3/2019 công ty Stella bắt tay với bác sĩ Linh có đang “lừa dối” khách hàng vì khoảng thời gian này Bs Linh chưa có chính chỉ thính học?
Bên cạnh đó, trong “giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng” của Stella, chỉ ghi bác sĩ Nguyễn Hoàng Linh phụ trách chuyên môn kỹ thuật nhưng không ghi rõ kỹ thuật nào, liên quan vấn đề, lĩnh vực nào? Ngoài ra, Giấy phép hoạt động dùng cho Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng thuộc Công ty Stella chứ không phải cấp cho Công ty Stella. Hai khái niệm, hai đơn vị hoàn toàn tách biệt. Đến nay, có Phòng khám Tai Mũi Họng nào thuộc Công ty Stella hoạt động tại số 171 đường Xuân Hồng như đăng ký hay không?
Xác nhận với phóng viên, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở chưa xác nhận quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh cho phòng khám 171 Xuân Hồng, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM. Để đảm bảo chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực Y tế, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Sở tổng hợp hồ sơ và tiến hành xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) của Công ty TNHH Trung tâm trợ thính theo đúng quy định của pháp luật.
Trả lời phóng viên, ông Hồ Đặng Lâu nhân viên Stella cho biết, 2 trang web trên Stella đã mất quyền kiểm soát vào khoảng tháng 8/2018 và phía công ty không chịu trách nhiệm nội dung đăng tải. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về những nội dung nào đang sai lệch và mất kiểm soát thì người này không chỉ ra được. Ngoài ra, tại bảng hiệu của Stella vẫn hiện hữu 2 trang wed là trothinh.com và sieuthimaytrothinh.com. Vậy những lời quảng cáo nêu trên có đúng hay không? Hay chỉ là sự “ngụy biện” mà phía công ty Stella đưa ra?
Được biết, việc quảng cáo không đúng với chức năng, theo quy định của pháp luật hiện hành, chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo trên được quy định tại điểm b khoản 5 điều 51 Nghị định 158/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Theo đó: Người nào có hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự hiện hành nếu trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì hình phạt cho tội này là: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể chịu hình phạt bổ sung như sau: bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Phan Vượng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng