Nhóm người vào rừng hái nấm để cải thiện bữa ăn. Sau khi ăn nấm, cả 10 người đau đầu, chóng mặt, nôn ói; rất may, người tỉnh nhất kịp gọi điện cầu cứu nên tất cả thoát chết.
Sáng 27/7, nhóm 10 người đều là anh em, họ hàng với nhau trú tại bản Cắm, xã Cắm Muộm vào rừng hái quả bo bo về bán. Đến trưa, để cải thiện bữa ăn, nhóm này rủ nhau đi hái nấm về lán để luộc ăn.
Sau khi ăn xong, cả 10 người có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, nôn ói, đau bụng. Một người ăn ít nhất còn tỉnh táo đã kịp thời gọi điện về báo tin cho người thân vào cứu.
Các nạn nhân sau đó được đưa đến bệnh viện đa khoa huyện Quế Phong, Nghệ An cấp cứu, truyền dịch. Đến 22h tối cùng ngày, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ cho biết, các nạn nhân đã ăn phải loại nấm độc, rất may phát hiện kịp thời nên không có điều gì đáng tiếc xảy ra.
10 người dân xã Cắm Muộn đang điều trị tại bệnh viện.
Trước đó không lâu cũng tại Nghệ An, một gia đình 5 đã phải nhập viện sau khi ăn phải nấm độc. Các nạn nhân đều trong tình trạng ngộ độc nặng, có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi tiểu ra máu màu đen. Được biết, trước đó cả nhà lên nương, giờ nghỉ trưa có hái nấm lửa ăn nên bị ngộ độc. Sau khi được điều trị, sức khỏe của mọi người đã được phục hồi.
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì ngộ độc nấm. Cách đấy không lâu, 9 người trong một gia đình ở Cao Bằng nhập viện vì bị ngộ độc nấm, trong đó 8 người tử vong.
Theo thống kê mỗi năm, Trung tâm Chống độc tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca ngộ độc nấm, con số tử vong cũng khoảng vài chục người. Điều trị ngộ độc nấm chủ yếu bằng các biện pháp hồi sức cấp cứu, giải độc với chi phí tốn kém nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao.
Một số sai lầm khi phân biệt nấm độc
Nấm bình thường nấm có nhiều chủng loại với giá trị dinh dưỡng cao nhưng không phải đều ăn được. Có rất nhiều loại nấm độc, mọc hoang dại có thể gây tổn thương gan và tử vong rất nhanh.
Điều đáng lo ngại là có những loại nấm chứa nhiều độc tố nhưng ít người biết vẫn hay lấy để ăn do rất giống nấm thường, mọc lẫn với nấm ăn được. Đồng thời, cũng vì quan niệm không đúng về loại nấm độc như: Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, nhưng thực tế loại nấm độc hay gây chết người lại có màu trắng, vẻ lành tính, giống như nấm thường.
Có người lại nghĩ nấm đã bị côn trùng ăn thì người cũng ăn được. Họ cho động vật (chó, gà…) ăn thử trước, nếu động vật không sao thì là nấm không độc. Nhưng việc thử là không thực tế vì cần phải mất vài ngày để theo dõi đảm bảo con vật không sao, trong khi đó con người ăn vào, biểu hiện ngộ độc càng chậm mức độ nguy hiểm càng cao, thường biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau 6h, có khi sau 20h. Khi đó, chất độc đã ngấm sâu vào cơ thể, đi sâu xuống ruột và hấp thụ vào máu.
Ngoài ra, một số bà con thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền... làm bằng bạc thấy thay đổi màu xám đen thì là nấm độc. Điều này cũng hoàn toàn sai lầm vì độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu.
Cách phòng ngừa ngộ độc nấm độc
Để phòng ngừa ngộ độc nấm, theo các chuyên gia, không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc; không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non, vì lúc còn non chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt; không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa; không ăn nấm quá già, nấm có nghi ngờ, không rõ địa chỉ... Cũng có những loại nấm độc giống nấm ăn (nấm trồng), rất khó phát hiện nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy gốc có bao và có vòng cổ.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia Cục an toàn thực phẩm, ngộ độc nấm rất nguy hiểm vì có thể gây tử vong hoặc nặng thì gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh, tế bào gan..., chỉ cần vài nấm độc lẫn trong món ăn cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí làm chết người. Do đó, biện pháp phòng tránh ngộ độc nấm trở nên rất quan trọng. Mọi người khi muốn ăn nấm cần tuân theo các nguyên tắc sau đây:
Chỉ ăn nấm khi biết chắc chắn đây là loại nấm ăn được, còn không biết thì tuyệt đối không được ăn.
Theo GĐ&XH