Trước khi cưỡng chế thu hồi đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng đã hai lần cưỡng chế đối với hai chủ đầm tại xã Tây Hưng và Tiên Thắng. Tuy nhiên, một trong hai lần đó bất thành.
Trước khi cưỡng chế thu hồi đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng đã hai lần cưỡng chế đối với hai chủ đầm tại xã Tây Hưng và Tiên Thắng. Tuy nhiên, một trong hai lần đó bất thành.
Cưỡng chế bất thành!
Chủ đầm bị cưỡng chế bất thành là ông Nguyễn Thế Đọc, thường trú tại xã Nam Hưng. Ngày 20/3/1998, UBND huyện Tiên Lãng ký quyết định cho hộ ông Đọc thuê 30ha đất đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại khu vực xã Đông – Tây Hưng.
Quyết định cho thuê đất do ông Ngô Quốc Chãi (khi đó là trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiên Lãng ký).
Thời hạn cho thuê đất của ông Đọc là ngày 31/12/2005. Thế nhưng, huyện đã thu hồi trước thời hạn.
Trước khi cưỡng chế thu hồi đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng đã hai lần cưỡng chế đối với hai chủ đầm tại xã Tây Hưng và Tiên Thắng.
Ngày 25/6/2004, UBND huyện Tiên Lãng ban hành QĐ số 213 về việc thu hồi toàn bộ diện tích đầm bãi này của gia đình ông. Thời hạn thuê đất chưa hết hạn, quyết định thu hồi không được đền bù, ông Đọc kiên quyết không bàn giao.
Ngay sau đó, ông Đọc viết đơn kiến nghị đề nghị huyện tiếp tục cho thuê đất khi chưa hết hạn sử dụng, đơn xin được nộp thuế để được giao đất... Tuy nhiên, UBND huyện vẫn không đồng tình.
Thời điểm gia đình ông Nguyễn Thế Đọc nhận quyết định thu hồi, hàng chục chủ đầm khác có đầm bãi tại xã Đông Hưng, Tây Hưng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Thông tin với VietNamNet, ông Đọc cho biết: thời điểm đó (khoảng giai đoạn 2004 – 2007), các chủ đầm bãi tại hai xã Đông Hưng, Tây Hưng lúc nào cũng ở hoàn cảnh hoang mang, lo lắng.
Việc duy nhất mà họ biết làm khi đó, là viết đơn kiến nghị tập thể gửi lên huyện, để xin huyện gia hạn cho thuê đầm bãi. Khi UBND huyện không đồng tình, các chủ đầm viết đơn kiện vụ án hành chính ra TAND huyện Tiên Lãng.
Ông Đọc nhớ lại: khi đó, khu đầm bãi nuôi trồng thủy sản của chúng tôi tại hai xã Đông Hưng, Tây Hưng bị thu hồi có tổng diện tích là 130ha, rơi vào hơn chục hộ, gồm có: hộ Nguyễn Văn Quyết – 9ha; Phạm Văn Tý - 9ha; Nguyễn Thế Sao - 5,3ha; Hoàng Văn Trương - 09ha; Hoàng Văn Thực - 10ha; Nguyễn Thế Đọc - 30ha; Phạm Hữu Thảo – 10ha; Phạm Hữu Sáng - 10ha; Dương Văn Nhất - 10ha; Vũ Văn Tân - 7ha; Phạm Văn Lẻn (xã Đông Hưng - 7ha; Phạm Văn Trung, Nguyễn Trọng Tính mỗi hộ 03ha; Nguyễn Trọng Viên - 4,3ha…
Quyết định thu hồi đầm bãi của huyện, ông Đọc nhận được từ năm 2004. Tuy nhiên, sau rất nhiều đơn thư kiến nghị ông gửi lên nhưng không được huyện giải quyết. Đến ngày 18/7/2008, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ông Lê Văn Hiền mời ông Đọc lên trụ sở huyện làm việc.
“Ông Hiền cho biết, nếu chúng tôi không bàn giao đầm bãi, sau bốn ngày (27/8/2008) huyện sẽ cho lực lượng cưỡng chế”.
Vẫn câu chuyện của ông Nguyễn Thế Đọc: sáng 22/8/2008, tôi thấy đài truyền thanh của xã đọc ra rả nội dung thông báo huyện sắp cưỡng chế thu hồi đất của gia đình mình. Sáng ngày hôm sau, 23/8/2008, hàng trăm dân quân, tự vệ, công an viên, lực lượng liên ngành của bốn xã và từ huyện xuống kéo xuống đầm nhà tôi.
Khi đó, ông Thụ (trưởng Ban dự án nuôi tôm xuất khẩu) đưa cẩu (máy xúc) ra phá đầm nhà tôi. Nhà tôi đông lực lượng, anh em trong nhà tính theo đầu đinh đã lên tới bốn, năm chục người. Mà anh thấy, dân lao động vác đất như chúng tôi khỏe lắm.
Tôi quyết làm căng, yêu cầu lập biên bản về việc tại sao lại phá đầm nhà tôi. Biên bản lập xong, có chữ ký của đầy đủ các ban ngành… Hôm đó, dân các xã kéo đến đầm nhà tôi đông lắm!
Sau khi biên bản được ký, lực lượng thực hiện cưỡng chế cũng tự rút. Từ đó đến nay, 30ha diện tích đầm bãi của gia đình ông Đọc vẫn ở dạng “lừng khừng”: huyện không thu hồi được, và người dân cũng không dám đầu tư nuôi trồng thủy sản như trước.
Đối với hơn chục chủ đầm cũng trong hoàn cảnh bị thu hồi như gia đình ông Đọc (tại xã Đông Hưng và Tây Hưng), thời điểm hiện tại cũng không khác gì.
“Chúng tôi xin thuê tiếp, xin được nộp thuế nhưng không được huyện giải quyết. Huyện thu hồi nhưng không đền bù, anh em tôi đời nào chấp nhận được” – vẻ rầu rĩ không giấu trên gương mặt khắc khổ của chủ đầm Nguyễn Thế Đọc.
Ông Đọc nhận định: trước tết, họ (UBND huyện Tiên Lãng) định cưỡng chế đầm của Vươn xong sẽ đến lượt đầm của Luân (Vũ Văn Luân, xã Hùng Thắng) và đầm của tôi. Nhưng, may mà…
Vụ cưỡng chế thứ hai: “thành công”
Những câu chuyện người thực, việc thực mà chúng tôi tìm hiểu được trong suốt những ngày “nằm vùng” ở Tiên Lãng, được nghe từ chính trong lòng dân đã vẽ lên một thực trạng: không riêng xã Vinh Quang, chủ trương giao đất ngắn hạn, thu hồi không bồi thường là thực trạng chung trên toàn huyện Tiên Lãng.
Vì được áp dụng chung nên chính quyền địa phương mặc định hiểu rằng, đó là chính sách đúng pháp luật, đúng với kế hoạch, quy hoạch quản lý, sử dụng đất đầm bãi của họ.
Người dân Tiên lãng kỳ vọng vào một chính sách quản lý, sử dụng đất đầm bãi hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đó cũng là lý do, họ đã bác tất cả các đơn từ kiến nghị của người dân, trong một thời gian rất dài…
Một câu chuyện khác mà chúng tôi được người dân kể chuyện, đó là trường hợp của ông Lê Đình Thảo (xã Tiên Thắng) – trường hợp bị cưỡng chế thu hồi 70ha đầm bãi từ năm 2008.
Vẫn chung một “số phận” về thời hạn giao đất, thời điểm thu hồi và cơ chế khi thu hồi; vẫn một “kịch bản” giằng co giữa người thuê đầm và cơ quan đi thu hồi… Tuy nhiên, câu chuyện của ông Thảo dài hơn, nhiều tình tiết hơn và cũng đắng đót hơn rất nhiều.
Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 02/2/2012, người phát ngôn của UBND huyện Tiên Lãng, ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng vẫn nhắc đến câu chuyện về việc thu hồi đất nuôi trồng thuỷ sản và trồng lúa của ông Lê Đình Thảo.
Ông Khánh cho rằng, đó là một chính sách đúng đắn, mang lại hiệu quả, vì sau khi thu hồi diện tích đất trên của ông Thảo, xã đã tổ chức đấu giá cho các hộ dân, thu được nguồn thu ngân sách rất lớn cho xã.
Từ thành công này, Tiên Lãng đã quyết định “áp dụng” thực hiện ở các xã lân cận, trong đó có Vinh Quang.
Nội dung này cũng đã được Cổng thông tin Điện tử huyện Tiên Lãng đăng tải trong một thời gian dài qua.
Tuy nhiên, sau kết luận của Thủ tướng vào chiều ngày 10/2 vừa qua, câu chuyện đã hoàn toàn được lật lại. Và, mới đây, ngày 14/2, Hải Phòng đã chỉ đạo rà soát lại tình hình quản lý, sử dụng đất đầm bãi tại Tiên Lãng trong thời gian qua, trong đó có vụ cưỡng chế thành công đối với 70ha đầm bãi của ông Lê Đình Thảo.
Đó cũng là khi, ông Lê Đình Thảo - người kiên trì theo kiện QĐ thu hồi của UBND huyện Tiên Lãng mà hơn chục năm trước ông đã cho rằng đó là QĐ trái pháp luật, cũng đã mất được vài năm. Và, con trai của ông, anh Lê Đình Tân, đã quyết định lên tiếng…
Kiên Trung
Theo Vietnamnet