Không những thực hiện tuyển sinh khi chưa được phép, hợp đồng hợp tác đào tạo giữa trường THPT Trần Đại Nghĩa với trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội cho thuê cơ sở vật chất còn không thực hiện theo phương thức đấu giá…
Báo Đời sống và Tiêu dùng số 304 có bài viết: “Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Hà Nội: “Vượt rào” tuyển sinh đầu cấp?” phản ánh về việc trường THPT Trần Đại Nghĩa không có trong danh sách được tuyển sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố nhưng nhà trường này vẫn đăng tin rầm rộ giới thiệu về trường và tuyển sinh năm học (2019 - 2020) thời hạn nhận hồ sơ tuyển sinh lớp 10 từ ngày 10/04/2019 đến 15/08/2019 với chỉ tiêu dự kiến là 800 học sinh (gồm 18 lớp 10).
Tiền trảm hậu tấu
Được biết, tại Quyết định số 478/QĐ-SGDĐT thành phố Hà Nội ngày 3/4/2019 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho các trường THPT tư thục năm học 2019 - 2020.
Đặc biệt, theo như Quyết định số 478/QĐ-SGDĐT thành phố Hà Nội danh sách cơ sở giáo dục và chỉ tiêu giao đính kèm về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho các trường THPT tư thục năm học 2019 - 2020 lại không có danh sách tên trường THPT Trần Đại Nghĩa.
Song, trường THPT Trần Đại Nghĩa lại ngang nhiên đăng “rầm rộ” giới thiệu về trường và tuyển sinh năm học (2019 - 2020) rất cụ thể. Cùng với đó, trường THPT Trần Đại Nghĩa tuyển sinh lớp 10 trên 12 khu vực của thành phố Hà Nội cũng có danh sách khu vực tuyển sinh rất cụ thể và được đăng công khai trên cổng thông tin của nhà trường.
Điều lạ lùng, theo tờ thông báo tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018 – 2019 tại trường THPT Trần Đại Nghĩa cho thấy có 3 cơ sở tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10, cụ thể: “Trụ sở chính: nằm trong trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội; cơ sở 2: trung tâm giới thiệu dạy nghề và giới thiệu việc làm tăng thiết giáp, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội; cơ sở 3: thôn Phương Hạnh, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội”.
Trao đổi với phóng viên, ngày 30/5/2019, ông Lê Phú Hiển – Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết: “Việc tuyển sinh nhà trường chưa có tuyển sinh, thực chất trường THPT Trần Đại Nghĩa chỉ thực hiện hoạt động market quảng cáo trên trang website nhà trường và với 800 chỉ tiêu cũng chỉ là dự kiến để xin Sở Giáo dục và Đào tạo cấp. Theo quyết định số 813 ngày 24/5/2019 của Sở cấp chỉ tiêu tuyển sinh là 225 học sinh. Trước đó, nhà trường chỉ có phát tờ rơi, quảng cáo về tuyển sinh năm học mới thôi, còn việc đăng thông tin tuyển sinh trên 12 khu vực thì phía trường không sai mà nhà trường có thể tuyển sinh trên toàn quốc nhưng với điều kiện phải đào tạo tại đây”.
Vừa qua, ngày 24/5/2019 theo quyết định số 813/QĐ-SGDĐT về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 – 2020 cho trường THPT Trần Đại Nghĩa thực hiện tại điều 1. Giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 – 2020, cụ thể: Tuyển mới 5 lớp với 225 học sinh; địa điểm tuyển sinh tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội).
Cho thuê cơ sở vật chất không đấu giá
Được biết, ngày 30/11/2017 tại bản hợp đồng hợp tác đào tạo giữa trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội (bên A) người đại diện là ông Nguyễn Duy Quyết, chức vụ Phó Hiệu trưởng đã ký thay Hiệu trưởng cho trường THPT Trần Đại Nghĩa (bên B) người đại diện là ông Lương Viết Tiềm, chức vụ Hiệu trưởng ký hợp đồng với các điều khoản.
Tại điều 1 nội dung của hợp đồng nêu rõ: “từ ngày 01/01/2018 đến 30/6/2018, bên B chỉ được sử dụng 02 phòng học tại nhà Thí nghiệm thể chất và 02 phòng làm việc tại Trạm Y tế. Từ 01/07/2018 đến hết thời hạn ghi trong hợp đồng, bên B sử dụng 04 phòng văn phòng và 06 phòng học…”. Điều 2. Thời hạn hợp đồng từ ngày 30/11/2017 đến hết ngày 31/12/2022. Điều 3. Giá trị và phương thức thanh toán cụ thể từ 30/11/2017 đến 31/12/2017 cơ sở vật chất và chưa tính tiền sử dụng (thời gian này dùng vào việc tu sửa cơ sở vật chất). Mức thu năm 2018 tổng cộng là 220.300.000 đồng.
Nhưng thực tế, đến ngày 26/2/2019 tại quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt đề án cơ sở vật chất dôi dư để cho thuê nhằm gắn kết hoạt động đào tạo với thực nghiệm của trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội chỉ rõ: “Phòng học và phòng làm việc tại tầng 4 nhà học lý thuyết:10 phòng (06 phòng học và 04 phòng làm việc), diện tích 460m2. Hình thức, phương thức cho thuê: Trường Đại học Sư Phạm Thể dục Thể thao Hà Nội tổ chức, thực hiện cho thuê theo phương thức đấu giá, giá cho thuê là giá trúng đấu giá quy định tại khoản 3 Điều 57 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…”.
Ông Nguyễn Duy Quyết – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội thừa nhận: “Hợp đồng là cho thuê phòng học từ năm 2017 cho đến cuối năm 2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường rà soát và chấm dứt tình trạng tự ý cho thuê. Sau khi có văn bản đó, chúng tôi đã có văn bản cho rà soát thực hiện theo từng bước của quyết định Bộ nêu rõ. Trước đó, nhà trường chỉ cho thuê được 10 phòng, còn các hợp đồng kia đều do đồng chí Hiệu trưởng cũ ký, riêng tôi là từ cuối 2017 được phụ trách lúc đó phía trường THPT Trần Đại Nghĩa đến đề nghị với trường là do cơ sở họ đang bị ngật lụt và muốn thuê một số phòng để các em học tập tại đây, thực chất cơ sở vật chất nhà trường cho thuê cũng nhiều. Hiện này, nhà trường cũng đã họp và ra thông báo chấm dứt hợp đồng để thực hiện theo đúng quy định trong quyết định Bộ yêu cầu”.
Sau đó phóng viên đến việc đề nghị cung cấp hồ sơ về việc ra văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng cho thuê cơ sở vật chất đối với trường THPT Trần Đại Nghĩa, ông Quyết từ chối và cho biết sẽ cung cấp sau.
Báo Đời sống và Tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!
Phi Long
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng