5 bị can bị truy tố gồm: Phan Thị Dung (SN 1962, trú tại thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, trú tại thôn Quảng Thành, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979) và Trần Ngưỡng (tên gọi khác là Trần Văn Tuấn, SN 1976, cùng trú tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).
Theo cáo trạng truy tố, bị can Phan Thị Dung (56 tuổi, trú H.Lộc Ninh, Bình Phước) lập Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung chuyên thu mua nông sản và quen biết với Lê Thị Hồng Thơ-Giám đốc Công ty TNHH MTV Tịnh Thơ Đắk Nông.
Khoảng giữa năm 2015, sau khi Dung lập công ty, Thơ biết một đối tượng mua bán hạt tiêu trộn tạp chất (gồm vỏ cà phê lẫn sỏi đá có màu đen, kích thước khoảng 2-3mm) vào hạt tiêu để bán nên lấy mẫu tạp chất đưa cho Dung xem. Sau đó, cả hai thống nhất Thơ sẽ tìm người làm tạp chất bán cho Dung để Dung trộn vào hạt tiêu. Dung trả tiền vận chuyển trực tiếp cho lái xe, tiền mua tạp chất trả cho Thơ và Thơ được hưởng chênh lệch 1.000 đồng/kg.
Bị can Nguyễn Thị Thanh Loan
Thơ liên hệ với Nguyễn Thị Thanh Loan và đặt mua 3 tấn. Sau khi Thơ đặt hàng, Loan lấy vỏ cà phê lẫn sỏi đá nhỏ được sàng, quạt ra từ 1 lô hàng cà phê rô 4 (là cà phê mẻ có lẫn vỏ) tưới nước, ủ một thời gian khi tạp chất chuyển sang màu đen, phơi khô đóng bao thuê xe tải chở đến giao cho Thơ.
Sau khi nhận được hàng từ Thơ chuyển đến, Dung đem trộn tạp chất này vào hạt tiêu khô đã mua được của người dân rồi bán ra thị trường. Do thấy lợi nhuận cao nên Dung tiếp tục nhờ Thơ mua tạp chất của Loan trộn vào hạt tiêu để bán.
Khoảng tháng 9/2015, Nguyễn Xuân Bảo đến sống chung với Loan như vợ chồng và bắt tay cùng Loan làm hàng tạp chất bán cho Thơ.
Do một số chuyến hàng không đạt về màu sắc nên Dung đã yêu cầu trả lại hàng cho Thơ. Thơ sai Trần Ngưỡng lên chở hàng về. Quá trình lên lấy hàng, Dung đưa cho Ngưỡng mẫu phế phẩm về đưa cho Thơ để làm cho đạt yêu cầu. Tiếp đó, Thơ chuyển mẫu cho Ngưỡng đưa cho Bảo và Loan để làm.
Để đáp ứng theo đúng mẫu, màu sắc phế phẩm mà Dung đưa, Loan và Bảo đã đi mua pin con Ó về, đập ra lấy bột pin cho vào thùng nước dùng máy khoan điện có gắn mũi khoan đã chế thành hình chữ T khuấy bột pin tan trong nước, dùng rổ nhựa lọc bỏ lõi pin, rồi dùng ca nhựa múc nước bột pin tưới vào tạp chất, đưa tạp chất vào máy trộn bê tông quay trộn đều, xong đưa lên lò sấy khô lấy ra tạp chất đúng theo yêu cầu của Dung.
Cơ sở trộn bột pin vào phế phẩm cà phê của bị can Loan
Quá trình trộn tạp chất vào hạt tiêu thấy trong tạp chất có lẫn nhiều mảnh nhựa là vỏ pin nên Dung yêu cầu công nhân nhặt bỏ đi và tiếp tục trộn tạp chất này vào hạt tiêu để bán. Sau đó, Dung gọi điện cho Thơ và Ngưỡng hỏi có phải Loan, Bảo nhuộm đen tạp chất bằng bột pin không thì được hai người này trả lời là nhuộm đen tạp chất bằng thuốc.
Trong thời gian chở tạp chất này cho Dung, Ngưỡng phát hiện có chênh lệch lãi cao nên chuyến hàng vào tháng 3/2018, Ngưỡng chở cho Dung 23.300kg nhưng Ngưỡng nói với Dung báo thanh toán với Thơ 15.000kg, còn 8.300kg Dung thanh toán với Ngưỡng. Ngày 10/4/2018, Ngưỡng tiếp tục mua của Loan, 9.800kg chở đến bán cho Dung.
Thời điểm bị cơ quan Công an phát hiện trộn nước bột pin vào phế phẩm thì trong kho của Dung có 9.800kg tạp chất mới nhập của Ngưỡng lấy từ kho của Loan về. Ngày 18/4/2018, Dung đã nhờ người em chồng quê ở Bình Phước đem 9.800kg tạp chất này cho người chở ra rẫy cao su trộn với lân, vôi và phân heo ủ làm phân bón nhằm tẩu tán.
Tại kho còn có khoảng 4.000kg hạt tiêu đã trộn với tạp chất thì Dung cho trộn thêm vào khoảng 5.000kg hạt tiêu để bán cho Công ty cổ phần Phalco Việt Nam, dự kiến giao hàng vào ngày 23/4/2018. Tuy nhiên, ngày 22/4/2018 cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành tạm giữ tại kho hàng của Dung số lượng hạt tiêu nêu trên có trọng lượng là 9.000kg.
Tại kết luận giám định số 2197A/C54 (P4) ngày 26/4/2018 của Viện khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an kết luận: trong mẫu tiêu hạt (ký hiệu M1) gửi giám định có thành phần chính là tiêu hạt, hàm lượng 81,66%; ngoài ra có tìm thấy các tạp chất gồm: vỏ vụn cà phê, vụn đá, bột pin (có thành phần: mangan đioxít, kẽm clorua, amoni clorua...).
Các mẫu giám định của cơ quan chức năng
Tại kết luận giám định số 2197B/C54 ngày 27/4/2018 của Viện khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an kết luận: mẫu ký hiệu M2 gửi giám định là vụn vỏ cà phê có lẫn vụn đá, ngoài ra có tìm thấy thành phần bột pin; mẫu ký hiệu M3 gửi giám định là lõi pin (than chì), nắp pin (nhựa), vỏ pin, ngoài ra có tìm thấy thành phần bột pin; mẫu ký hiệu M4 gửi giám định là bột pin, có thành phần gồm: mangan đioxít, kẽm clorua, amoni clorua; mẫu ký hiệu M5, M6 gửi giám định đều là bột pin đã được hòa nước; mẫu ký hiệu M7, M8 gửi giám định đều là chất đóng rắn được sử dụng trong xây dựng, ngoài ra không tìm thấy thành phần bột pin; các mẫu gửi giám định gồm: mẫu ký hiệu M9, M11 là hỗn hợp vụn thực vật có lẫn vụn đá, mẫu ký hiệu M10, M12 là hỗn hợp vụn vỏ cà phê có lẫn vụn đá, ngoài ra trong các mẫu này đều có tìm thấy thành phần bột pin; mẫu ký hiệu M13 là vụn đá, ngoài ra không tìm thấy thành phần bột pin.
Hồ sơ vụ án được chuyển đến TAND tỉnh Đắk Nông xem xét, đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Hào
Theo Công lý