Sự kiện hot
3 năm trước

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: Quy hoạch sông Hồng cần đánh giá kỹ lưỡng các tác động

Quy hoạch sông Hồng có tính chất phức tạp, liên quan đa ngành, cần tích hợp nhiều quy hoạch cấp cao. Vì vậy, đồ án không chỉ đảm bảo đầy đủ, vững chắc cơ sở pháp lý, khoa học mà còn phải đảm bảo tính khả thi và đánh giá kỹ lưỡng các tác động trong quá trình thực hiện.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội về vấn đề này.

Sau hàng chục năm chờ đợi, UBND TP Hà Nội đã trình Thành ủy thông qua chủ trương để phê duyệt quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng, dự kiến vào tháng 6/2021. Ông đánh giá thế nào về quyết tâm của lãnh đạo Thành ủy, UBND Hà Nội hiện nay?

- Quá trình phát triển đô thị Hà Nội đều ghi nhận vị thế của không gian sông Hồng. Qua 7 lần quy hoạch chung Hà Nội (từ 1954 đến nay) đều có đề cập đến sông Hồng với tầm vóc, vị thế riêng. Nếu các lần quy hoạch trước, không gian sông Hồng là không gian cảnh quan nhưng ở vị thế vùng biên nội đô, thì đến quy hoạch được duyệt năm 2011 đã nâng tầm thành trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô.

Do vậy, UBND TP Hà Nội đẩy mạnh quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, sớm phê duyệt quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng có thể xem là đột phá về quy hoạch và cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đáp ứng sự chờ đợi của người dân hàng chục năm qua. Việc Thành ủy quyết tâm đẩy mạnh việc thẩm tra để phê duyệt quy hoạch phân khu này, tôi cho là không chỉ thể hiện quyết liệt trong giải quyết tồn tại mà còn khai thác tiềm năng của Thủ đô, xây dựng thể chế trong quản lý phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Để quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng sớm hoàn thiện để phê duyệt, theo ông đâu là những điểm mà Hà Nội cần phải chú ý trong quy hoạch lần này?

- Theo tôi, vấn đề cần quan tâm đặc biệt là quy hoạch chỉnh trị, ổn định dòng chảy và hành lang thoát lũ. Đây là nội dung các quy hoạch, dự án trước đây đã có đề cập, phân tích các kịch bản, lựa chọn thế sông ổn định (quy luật sông Hồng có biến đổi về dòng chảy) với tác động của biến đổi khí hậu và biến động từ thượng nguồn (ở Trung Quốc). Từ lựa chọn dòng chảy ổn định thì việc đánh giá hiện trạng mặt nước, đất bãi, dân cư… mới có cơ sở và từ đó chọn các giải pháp quy hoạch hợp lý. Cùng với việc đợi ý kiến thống nhất chính thức từ Bộ NN&PTNT, Hà Nội cũng nên trao đổi lấy ý kiến của các tỉnh lân cận có dòng sông chảy qua để ổn định dòng chảy, an toàn hành lang thoát lũ, cùng phát triển bền vững.

Tiếp đó nên có khảo sát kết quả và cơ sở khoa học của các dự án, quy hoạch và đề tài nghiên cứu quy hoạch liên quan đã có trước đây. Những nghiên cứu trước đó cho thấy có những tồn tại nhưng cũng có những kết quả có thể kế thừa được. Nêu được nội dung này sẽ có sức thuyết phục khi thẩm định, phê duyệt đề án quy hoạch phân khu lần này.

Bên cạnh đó, việc khảo sát, đánh giá tác động môi trường cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bởi đây là yêu cầu bắt buộc, phù hợp với Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng. Về kinh tế, các sở, ngành của Thành phố cần phân tích, khái toán chi phí, tính toán lợi ích, phương án khả thi về tài chính, phương hướng huy động vốn, thực hiện quy hoạch. Cần đề cập đến nội dung này để thuyết phục tính khả thi của quy hoạch.

Theo ông, để thể hiện được vai trò, vị thế của quy hoạch phân khu này, trong thời gian tới trước khi trình duyệt TP Hà Nội cần tập trung chú trọng đến những vấn đề gì?

- Trước hết, Thành phố cần phối hợp mạnh mẽ, chặt chẽ với các bộ quản lý ngành, nhất là Bộ NN&PTNT để thống nhất về ổn định dòng chảy và an toàn hành lang thoát lũ. Trên cơ sở ý kiến của bộ này, thành phố sẽ đối chiếu với Quy hoạch chung được duyệt năm 2011 nhằm hoàn thiện quy trình và có đủ cơ sở pháp lý để tiến hành phê duyệt.

Đồng thời, để đồ án có tính thực tiễn cao, Thành phố nên lấy tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân, đây cũng là một bước trong quy trình hiện quy hoạch hiện nay. Riêng đối với quy hoạch phân khu sông Hồng là vấn đề tồn tại từ lâu thì càng cần phải chú trọng đến vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư.

Xin cảm ơn ông!

Vũ Cúc

Theo Kinh tế & Đô thị

Từ khóa: