Sự kiện hot
4 năm trước

Tuyên Quang: Nâng cao giá trị cây chè gắn với mục tiêu người Việt Nam dùng hàng Việt Nam

Xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực trong việc phát triển kinh tế của tỉnh Tuyên Quang và tăng thu nhập cho người dân. Với diện tích gần 8.500 ha chè, tỉnh Tuyên Quang được đánh giá là tỉnh đứng thứ 5 về diện tích và sản lượng chè trong khu vực miền núi phía Bắc. Để nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực này, ngành nông nghiệp đang tập trung đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó bắt đầu từ sản xuất sạch, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường gắn với mục tiêu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Sản xuất chè sạch - “chìa khóa” nâng cao giá trị cây chè

Tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của cây chè Shan tuyết. Với diện tích hơn 1,1 nghìn ha, những cây chè ở vùng chè Shan tuyết, ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang mọc tự nhiên, hoặc được người dân tộc trồng theo phương thức quảng canh. Nhiều xã có những cây chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm. Chè Shan tuyết có vị thơm sâu đặc trưng, đậm đà, đặc biệt là vị ngọt hậu khác với chè trung du.

Các cô gái dân tộc dao đỏ thu hoạch chè Shan tuyết cổ thụ tại huyện Na Hang.

Các cô gái dân tộc dao đỏ thu hoạch chè Shan tuyết cổ thụ tại huyện Na Hang.

Năm 2000, để phát huy tiềm năng, đồng thời thực hiện phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dự án trồng rừng bằng chè Shan tuyết. Để đảm bảo chất lượng, tất cả sản phẩm chè Shan tuyết ở Na Hang đều được trồng ở độ cao từ 800-1.000m so với mặt nước biển. Đặc biệt, toàn bộ các khâu sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều đảm bảo chất lượng chè sạch.  

Cùng với việc vận động người dân trồng chè sạch, huyện Na Hang còn vận động các hợp tác xã đứng ra bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Được sự vận động của địa phương, cùng với việc nhận thấy giá trị và tiềm năng của vùng chè Shan tuyết nơi đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết.

Toàn huyện Na Hang hiện có công ty TNHH Việt Dũng, Công ty cổ phần Chè núi Kia Tăng, 3 Hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và 15 hộ dân đầu tư vào chế biến, sản xuất chè. Vùng nguyên liệu chè phục vụ cho các cơ sở chế biến đạt trên 300 ha. Các công ty, HTX, tổ hợp tác vẫn đang hoạt động có hiệu quả, giá nguyên liệu chè búp tươi bình quân trên địa bàn huyện là 20 - 50 nghìn đồng/kg, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình trồng chè. Hiện nay chính sách phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện đã được quan tâm nhiều hơn, khuyến khích nhân dân tham gia trồng, chế biến sản phẩm chè theo đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, thu nhập cho hộ gia đình.

Đến nay, sản phẩm chè shan tuyết Na Hang đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ đó, cây chè shan từ cây rừng hoang nay đã cho người dân nơi đây thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/ha/năm, trở thành một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.

Mới đây, chè Shan tuyết Na Hang của tỉnh Tuyên Quang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ hai của tỉnh Tuyên Quang được bảo hộ sau chỉ dẫn địa lý cam sành “Hàm Yên”. UBND huyện Na Hang là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Khu vực địa lý được bảo hộ là các xã: Sinh Long, Thượng Giáp, Thượng Nông, Hồng Thái, Khâu Tinh, Sơn Phú thuộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do đó, nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã chè trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè theo hướng an toàn. Đây là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và hướng tới một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (Yên Sơn – Tuyên Quang) là một trong số ít chủ thể có sản phẩm của tỉnh đạt 4 sao OCOP. Mới đây, HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vì có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018-2020. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong mục tiêu phát triển nông nghiệp tử tế và vươn tầm chất lượng chè đặc sản xứ Tuyên của HTX này.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh cho biết: Nền tảng tốt của HTX chè Sử Anh đó là có vùng nguyên liệu sạch, tổng diện tích nguyên liệu của HTX là 60 ha chè được trồng bằng các giống chè Ngọc Thúy, Bát tiên, LDP1; sản lượng đạt 125 tấn nguyên liệu. Toàn bộ diện tích được áp dụng theo quy trình nông nghiệp tốt, trong đó có 25 ha đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Do quán triệt hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất nên dư lượng nguồn đất chè khá sạch.

Anh Nguyễn Công Sử bên các sản phẩm chè đạt sao OCOP của HTX.

Anh Nguyễn Công Sử bên các sản phẩm chè đạt sao OCOP của HTX.

Sản phẩm chè với mục tiêu “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”

Để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cây chè Tuyên Quang, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang tham mưu với Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách để tập trung khai thác mọi nguồn lực có hiệu quả, bền vững về tiềm năng và lợi thế của chè Tuyên Quang, trên cơ sở phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến, thị trường tiêu thụ chè gắn với việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, sản phẩm đa dạng, an toàn và chất lượng cao, đưa sản phẩm chè Tuyên Quang thành sản phẩm có thương hiệu, vị thế trên thị trường trong nước và trên thế giới.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trao đổi với ông Trần Hải Tuyên – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết: Định hướng sản xuất chè của Tuyên Quang trước tiên là phải nâng cao sức canh tranh của sản phẩm bằng việc nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, tích cực cải tiến mẫu mã để tạo lòng tin về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, để đạt được như vậy, với vai trò của mình, ngành nông nghiệp tích cực phối hợp với các địa phương hướng dẫn người sản xuất, doanh nghiệp chế biến mở rộng vùng sản xuất áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; làm tốt quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất.

Sản phẩm chè của HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh được trưng bày tại sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang - Ảnh: Đào Thanh.  

Bên cạnh đó, triểu khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và xúc tiến thị trường sản phẩm chè; tích cực đưa các sản phẩm chè chất lượng cao tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm.

Tích cực giới thiệu tiềm năng, lợi thế về cây chè của Tuyên Quang để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, công nghệ chế biến, thị trường trong nước và ngoài nước đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.  

Tuy là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ; mở rộng các kênh phân phối hàng Việt Nam thuận tiện, linh hoạt; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn; thiết lập các điểm bán hàng Việt Nam bền vững tại các chợ, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có lợi thế; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại; tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng...

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: