Sự kiện hot
3 năm trước

Tuyên Quang: Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chè theo chuỗi giá trị

Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong số đó sản xuất chè - cây trồng chủ lực của tỉnh cũng không phải ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, cùng với thực hiện các giải pháp bảo đảm phát triển kinh tế trong giai đoạn phòng chống dịch, cách ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang cũng như các cơ sở sản xuất chè cũng tìm nhiều giải pháp, hướng đi mới cho ngành chè của tỉnh nhà.

Vùng chè nguyên liệu của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm - Ảnh: Báo Tuyên Quang

Vùng chè nguyên liệu của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm - Ảnh: IT

Những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng tới việc chuyển đổi cơ cấu theo hướng trồng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, bên cạnh đó, đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Nhờ đó, cây chè mang lại giá trị kinh tế cao.

Mở rộng diện tích chè sạch, chè đặc sản

Thống kê từ ngành Nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang được biết,  hiện nay toàn tỉnh Tuyên Quang có gần 8.500 ha chè (đứng thứ 5 về diện tích ở miền Bắc), trong đó, chè vùng thấp tập trung tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang, tại đây trồng các giống chè lai, chè đặc sản nhập nội, chè trung du phục vụ chế biến công nghiệp với hạt nhân là 3 Công ty CP chè Sông Lô, Mỹ Lâm, Tân Trào và trên 40 cơ sở sản xuất, diện tích trên 7.100 ha, chiếm khoảng 84 % diện tích chè toàn tỉnh; Chè vùng cao tập trung tại huyện Na Hang, Lâm Bình chủ đạo là giống chè Shan tuyết với diện tích trên 1.300 ha.

Xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh trong việc phát triển kinh tế của địa phương và tăng thu nhập cho người dân. Tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh việc trồng thay thế diện tích chè trung du đã già cỗi, cho năng suất thấp bằng các giống chè lai, chè đặc sản.

Đến năm 2020, diện tích chè lai, chè đặc sản chiếm 63,2 % tổng diện tích chè, tăng 587 ha so với năm 2015; năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 84,6 tạ/ha, tăng 6,3 tạ/ha so với năm 2015, nhiều vùng chè thâm canh cao năng suất đạt từ 18 - 20 tấn/ha như: Mỹ Bằng, Nhữ Hán, Phú Lâm, …; đã có 93 ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 24 ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, 729 ha chè của Công ty CP chè Mỹ Lâm và Công ty CP chè Tân Trào được tổ chức Rainforest cấp chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững.

Mô hình sản xuất chè năng suất - chất lượng bảo đảm "An toàn vệ sinh thực phẩm" của Công ty Cổ phần Chè Mỹ Lâm.

Ðẩy mạnh liên kết sản xuất

Trong những năm vừa qua, hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ chè phát triển mạnh, bước đầu đạt kết quả tốt, tạo được mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và kinh doanh, tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ gìn nguồn nước và bảo vệ môi trường hiệu quả.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 2 chuỗi liên kết sản xuất chè chính là chuỗi liên kết sản xuất của các Công ty sản xuất với quy mô lớn gồm: 03 Công ty Cổ phần chè Tân Trào, Mỹ Lâm, Sông Lô đều thực hiện liên kết sản xuất giữa Công ty với các hộ dân trồng chè trong vùng nguyên liệu của Công ty quản lý, sử dụng. Ngoài ra, các Công ty còn liên kết mở rộng liên kết với các hộ dân có đất đầu tư trồng, tiêu thụ chè. Tại các Công ty Cổ phần chè đều xây dựng mô hình liên kết tại các đội sản xuất. Đội trưởng điều hành chung thực hiện các công việc theo tiêu chí của Rainforest, giám sát sâu bệnh và kỹ thuật nông nghiệp, cấp phát vật tư, điều hành các công việc phòng trừ dịch hại, bón phân, đốn và thu hái chè, giao nhận sản phẩm chè búp tươi…

Điển hình như Công ty Cổ phần Chè Mỹ Lâm, thời gian qua đã phát triển chuỗi giá trị chè an toàn, bền vững, chất lượng trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp với mục tiêu là đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Trao đổi với ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Mỹ Lâm được biết: Trước đây Công ty cũng đã thực hiện liên kết với người nông dân theo hình thức ký hợp đồng với từng hộ nhưng cách làm này không hiệu quả vì quản lý khó do các hộ có diện tích ít, manh mún. Công ty thành lập Tổ sản xuất chè an toàn theo từng nhóm hộ có diện tích chè gần nhau. Các hộ tham gia liên kết này là tự nguyện, có điều lệ hoạt động được người dân tham gia cùng xây dựng. Các tổ bầu tổ trưởng, tổ phó và tổ trưởng là người thay mặt các thành viên trong tổ ký hợp đồng với Công ty. Các thành viên Tổ sản xuất chè an toàn phải thực hiện đúng quy trình kỳ thuật do Công ty đề ra, được cấp phát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hoàn trả tiền vật tư nông nghiệp thông qua sản phẩm chè búp tươi bán cho Công ty.

Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm Lê Quang Chuyền, thành viên Tổ sản xuất chè an toàn đội Quyết Thắng kiểm tra

Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm Lê Quang Chuyền cùng thành viên Tổ sản xuất chè an toàn đội Quyết Thắng kiểm tra vùng chè - Ảnh: Báo Tuyên Quang

Được biết, Công ty Cổ phần Chè Mỹ Lâm là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng riêng cho chè theo tiêu chuẩn EU. Hiện nay, công ty có 10 tổ với khoảng 500 hộ dân tham gia. Sản phẩm chè bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn EU, làm tăng giá bán chè thành phẩm, giảm giá thành sản xuất, thị trường mở rộng và ổn định. Công nghệ sản xuất đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý của các tập đoàn lớn trên thế giới. Sản lượng sản xuất của công ty đạt 2.050 đến 2.300 tấn/năm, được xuất khẩu ra nhiều thị trường lớn trên thế giới. 

Nói về lợi ích của người nông dân khi tham gia chuỗi liên kết, ông Chuyền chia sẻ: Tăng thu nhập bền vững cho người làm chè từ 30% đến 40% là lợi ích rõ nhất khi người nông dân tham gia liên kết này. Chính vì vậy, người dân yên tâm đầu tư và thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, thu hái chè. Đồng thời, người nông dân đầu tư máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ít hơn. Nếu như trước đây, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 2 lần/lứa thì đến nay chỉ cần sử dụng 1 lần/lứa cho nên vừa giảm tiền mua thuốc vừa giảm công phun thuốc. Phân bón cho chè đảm bảo chất lượng vì được Công ty cung ứng và giá thấp hơn so với giá thị trường. Người nông dân cũng giảm được chi phí đầu tư mua máy cắt cỏ, máy hái chè vì các thành viên trong tổ cùng dùng chung với nhau.

Khi tham gia tổ liên kết đã phát huy cao độ tính cộng đồng, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa những thành viên trong tổ. Họ đã có cách làm đổi công lẫn nhau mỗi khi trong tổ có người ốm đau, khó khăn đột xuất. Và các hộ cũng tự giám sát lẫn nhau trong quá trình thực hiện vì nếu 1 hộ làm không đúng quy trình, không đảm bảo chất lượng thì các hộ trong tổ đều bị ảnh hưởng.  

Cách làm như vậy đã làm tăng năng suất lao động, tăng sản lượng lên 6 - 8%/năm, đầu ra bảo đảm với giá cả ổn định hàng năm. Một điều quan trọng nữa là đảm bảo sức khỏe cho người nông dân. Vì vậy, người nông dân yên tâm khi tham gia liên kết đầu tư cùng doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang – Tuyên Quang) cũng là một trong những đơn vị điển hình về việc các hộ dân cùng liên kết phát triển và xây dựng thương hiệu chè. Đại diện HTX Sơn Trà cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có trên 64 ha chè Shan tuyết, trong đó có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có 35 ha chè trồng trên 25 năm tuổi đang được hợp tác xã liên kết với các hộ dân trên địa bàn bao tiêu sản phẩm. Chè Shan tuyết Hồng Thái đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Trong năm 2020, hợp tác xã đã thu mua và tiêu thụ trên 48 tấn chè búp tươi của các hộ dân với giá trị nông sản đạt trên 4,3 tỷ đồng. Hiện nay, hợp tác xã đã gửi mẫu chè sang thị trường Mỹ và Pháp để kiểm định chất lượng, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái sẽ có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) liên kết tiêu thụ sản phẩm chè Shan tuyết cho người dân.

HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang - Tuyên Quang) liên kết tiêu thụ sản phẩm chè Shan tuyết cho người dân - Ảnh: Báo Tuyên Quang.

Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Tuyên Quang đã đề ra một số giải pháp, định hướng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm giá trị gia tăng cao.

Trong đó, giữ ổn định diện tích cây chè; đẩy nhanh trồng thay thế chè giống Trung du đã già cỗi bằng các giống chè lai, chè đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt;

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào đầu tư thâm canh tăng năng suất chè nguyên liệu, trong đó chú trọng các khâu: Sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước chủ động, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ mở rộng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn như: VietGAP, nông nghiệp bền vững, hữu cơ,…

Cùng với đó, thành lập các HTX, Tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chè. Những địa phương có thế mạnh về cây chè xây dụng, đăng ký sản phẩm chè xếp hạng sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ chế biến chè hiện đại, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm chè, nâng cao sức cạnh tranh của chè Tuyên Quang trên thị trường tiêu thụ. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp được cấp chứng nhận các thủ tục về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật để mở rộng thị trường xuất khẩu.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: