Sự kiện hot
13 năm trước

Uống nước đúng cách

Hằng ngày, cơ thể bạn dung nạp rất nhiều loại nước, nhất là khi thời tiết nóng bức như hiện nay, nhưng liệu chúng có thực sự giải nhiệt hoặc tốt cho sức khỏe?

Hằng ngày, cơ thể bạn dung nạp rất nhiều loại nước, nhất là khi thời tiết nóng bức như hiện nay, nhưng liệu chúng có thực sự giải nhiệt hoặc tốt cho sức khỏe?

Nước ép trái cây

Phổ biến nhất là nước cam, cho mọi lứa tuổi, được uống mọi lúc mọi nơi. Để cho các bé không ngán, các bà mẹ thường pha nước cam với mật ong hoặc sữa. Tuy nhiên, một số người mắc bệnh đau dạ dày thường thấy xót ruột khi uống nước cam lúc đói hoặc mất ngủ khi uống vào đêm khuya. Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Thị Yến Thủy - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, nước cam chứa nhiều vitamin C nên uống vào buổi sáng là tốt nhất, uống vào buổi tối thì có thể làm tỉnh táo khó ngủ. Không nên uống nước cam lúc đói nhưng trong điều kiện bình thường thì dùng trước hay sau bữa ăn đều tốt cho sức khỏe. Pha mật ong với nước cam uống ngon hơn và tăng thêm năng lượng, còn pha nước cam với sữa thì có thể làm sữa bị vón cục (canxi kết tủa) nhưng vẫn an toàn khi sử dụng.

 Ảnh: shutterstock

Đối với các loại trái cây nói chung, nên ăn cả chất xơ tốt hơn là uống nước ép và thường xuyên thay đổi để thực đơn đa dạng hơn.

Nước ngọt có gas

Đây là thức uống khoái khẩu không chỉ đối với trẻ em mà còn cả người lớn, nhất là những khi thời tiết nóng nực. Tuy nhiên, do nước ngọt có gas được sản xuất từ đường và hóa chất nên khi uống thường xuyên sẽ gây hại cho sức khỏe. Một số người thường truyền nhau mẹo chữa bệnh bằng nước ngọt có gas như nên uống khi đang bị tiêu chảy hoặc bệnh nhân sau mổ nên uống để ruột nhanh chóng co bóp trở lại do kích thích ợ hơi.

Ảnh: shutterstock

Bác sĩ Thủy phân tích, nước ngọt có gas chứa đường năng lượng rỗng vì không kèm vitamin, dùng nhiều không có lợi vì thiếu vitamin và đường lại thừa năng lượng làm tăng cân và thừa cân béo phì, tăng nguy cơ thoái hóa mạch máu, bệnh tim mạch, đái tháo đường... Quan điểm uống nước ngọt có gas để ợ giảm hơi trong bụng là không đúng vì ợ ở đây là ợ khí CO2 trong dạ dày do trong nước ngọt sản xuất ra, chứ không phải tống hơi trong ruột non, ruột già ra khi bị đầy hơi chướng bụng.

Nước khoáng tinh khiết

 

Thiếu nước gây hại như thế nào?

Nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng (chiếm 60% trong cơ thể), vì vậy con người có thể nhịn ăn trong 5 tuần, chứ không thể nhịn uống quá 5 ngày. Thiếu nước gây ảnh hưởng toàn thân chứ không riêng bộ phận nào - bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng (Phó khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115) khẳng định. Đầu tiên là hệ tiêu hóa, thiếu nước sẽ gây táo bón, nước tiểu sẫm màu; rồi tác động lên hệ thần kinh, gây nhức đầu, chóng mặt và buồn ngủ; với hệ tuần hoàn, thiếu nước khiến da thiếu độ ẩm làm cho môi khô, nhợt nhạt, da tay sần sùi, da mặt nhăn nheo. Chưa kể nếu thiếu nước kéo dài sẽ gây rối loạn điện giải (giảm kali đường huyết, chuột rút, giảm canxi...).

Vậy uống nước như thế nào để tốt cho cơ thể? Hãy uống ngay cả khi không thấy khát và uống từng ngụm nhỏ. Đối với thai phụ, uống đủ nước còn giảm nguy cơ thiểu ối. Cho nên, mỗi ngày nên cho cơ thể nạp trung bình 2 lít nước bao gồm nước tinh khiết và nước từ thức ăn (các loại canh, súp, trái cây, rau xanh...).


Hiện trên thị trường đang rất thịnh hành loại nước khoáng nhẹ do sự hưởng ứng của các gia đình và cơ quan công sở. Mọi người cứ vô tư uống nước khoáng mà không biết  có hợp với cơ thể không. Cách đây vài năm, một mỏ nước khoáng được phát hiện tại tỉnh Tiền Giang và từ đó thịnh hành loại nước khoáng Miocen. Theo các nhà sản xuất, đây là loại nước khoáng nhẹ, mọi người có thể dùng như nước tinh khiết. Thậm chí trên diễn đàn webtretho, nhiều gia đình còn khuyến khích truyền nhau phương pháp pha sữa cho trẻ bằng nước khoáng nhẹ để trẻ hấp thụ được nhiều khoáng chất.

Theo y văn, nước khoáng nhẹ là loại nước có hàm lượng khoáng thấp (dưới 500mg/l) tuy nhiên không ai kiểm chứng được thành phần này trong nước, người dùng hầu như không đọc thành phần trên nhãn chai, bởi nếu có đọc thì không chắc các thông số trên nhãn chai có chính xác với chất lượng nước hay không.

Bác sĩ Thủy định nghĩa, cần phân biệt nước tinh khiết và nước khoáng, nước tinh khiết là nước lọc, nước thủy cục đã qua khử trùng công nghiệp hoặc nấu sôi tại nhà; nước khoáng là nước uống có chứa chất khoáng như natri, kali, canxi, magiê... Nước tinh khiết là loại nước thông thường được khuyên dùng hằng ngày cho tất cả mọi người, có bệnh lý hay không có bệnh lý. Đúng như tên gọi của nó, nước tinh khiết không có kèm theo chất dinh dưỡng nào khác. Còn các loại nước khoáng do chứa thêm các chất khoáng nên phải dùng đúng trường hợp. Các loại nước khoáng thiên nhiên thường có nồng độ khoáng không quá cao nên những người trưởng thành có chức năng thận tốt có thể sử dụng được. Nước khoáng được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời bị mất nhiều mồ hôi, người bị tiêu chảy cấp để bù các ion khoáng cho cơ thể bị mất qua mồ hôi và phân trong thời hạn ngắn vài giờ sau mất nước, sau đó vẫn nên dùng nước tinh khiết để bù nước cho cơ thể.

Đối với người bình thường (không bị mất chất khoáng nhiều như những đối tượng kể trên) thì không khuyến khích dùng nước khoáng thường xuyên, mặc dù nếu thận hoạt động tốt thì những chất khoáng thừa vẫn được thải ra ngoài. Đối với trẻ em, chỉ sử dụng nước tinh khiết không có chứa chất khoáng để pha sữa cho uống hằng ngày, vì chức năng thận của trẻ em còn yếu, không nên bắt thận trẻ em làm việc quá tải để thải chất khoáng dư thừa ra ngoài. Nước khoáng chỉ nên dùng khi trẻ tiêu chảy hay nôn ói nhiều bị mất chất khoáng cần bổ sung bù lại. Người bệnh thận có chức năng thải khoáng kém cũng không nên uống nước khoáng vì những chất khoáng dư thừa sẽ tích lũy lại trong người và gây rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, phù... Vì vậy, ở mỗi gia đình nên tự nấu sôi, lọc nước sạch bằng bình lọc đạt tiêu chuẩn là tốt nhất.

Du Miên
The TNO


Từ khóa: