Dịp Tết nguyên đán và Lễ hội Xuân là thời điểm tình hình trật tự an toàn giao thông thường diễn biến phức tạp. Phóng viên Báo Đời sống và Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về vấn đề này!
Phóng viên: Xin ông cho biết khái quát về tình hình ATGT năm 2019? So với năm 2018, vấn đề ATGT nước ta có những chuyển biến như thế nào?
Ông Khuất Việt Hùng: Tại Việt Nam, trong những năm qua, tai nạn giao thông đã liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn đã từng bước được khắc phục.
Nếu cách đây 10 năm, mỗi năm có tới 12.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông thì đến nay đã giảm xuống còn 8.000 người; đặc biệt trong năm 2019, theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, toàn quốc xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) giảm 939 vụ (giảm 5,06%), số người chết giảm 587 người (giảm 7,15%), số người bị thương giảm 934 người (giảm 6,42%). Như vậy là năm 2019, lần đầu tiên số người chết TNGT có thể giảm xuống dưới con số 8.000 sau gần 20 năm qua. Đây có thể nói là thành quả rất đáng ghi nhận của cả hệ thống chính trị trong việc kéo giảm TNGT.
Để đạt được kết quả này, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, còn có những thay đổi rất lớn về thể chế (sửa đổi hàng loạt các quy định pháp luật: Luật, Nghị định, Thông tư), các giải pháp nâng cao an toàn cho người đi xe máy đặc biệt là trẻ em và cao điểm về tuần tra kiểm soát với các trọng tâm là các vi phạm quy định về nồng độ cồn và ma túy khi lái xe đã phát huy tác dụng rất tốt.
Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, vẫn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân, thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng văn hoá giao thông để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hướng tới một hệ thống giao thông an toàn và thân thiện.
Phóng viên: Ủy ban ATGT Quốc gia đã thực hiện những giải pháp trọng tâm nào để kiểm soát tình trạng TNGT, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Ủy ban ATGT Quốc gia đã tham mưu cho Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm TTATGT chống ùn tắc giao thông.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTAGT, trật tự đô thị.
Ba là nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải đặc biệt là hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm hành lang an toàn giao thông.
Năm là, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải.
Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Bảy là, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị.
Tám là, quản lý xây dựng và phát triển đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
Về hành vi trực tiếp ảnh hưởng tới an toàn giao thông, chúng ta đã và đang làm tốt quản lý tốc độ, mũ bảo hiểm, vừa qua đã làm rất tốt vấn đề xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn và ma túy khi lái xe, sắp tới sẽ tập trung thêm vào các hành vi sử dụng điện thoại và không thắt dây bảo hiểm khi điều khiển phương tiện.
Đây được coi là những giải pháp chi phí rất thấp nhưng hiệu quả rất cao, có tác dụng giáo dục, kiềm chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm ATGT, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất các vụ va chạm do yếu tố con người vốn là nguyên nhân lớn nhất gây nên các vụ TNGT hiện nay.
Phóng viên: Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân là thời điểm mật độ người tham gia giao thông tăng đột biến. Ủy ban ATGT Quốc gia đã có kế hoạch, chương trình hành động như thế nào để đảm bảo ATGT trong dịp này, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: Các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất rõ Công điện số 1658/CĐ-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2019 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội xuân 2020, đặc biệt là bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải khách; điều tiết, chống ùn tắc giao thông, đường dây nóng và kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông có tính phổ biến trong dịp Lễ tết...
Tôi cho rằng cần tập trung tuyên truyền người dân thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt là thực hiện “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “tuân thủ tốc độ”, “đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy”, “tập trung quan sát”, “chở đúng tải trọng”, “dừng đỗ đúng quy định” vì vi phạm những nguyên tắc này là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT và ùn tắc giao thông trong dịp Tết. Tất nhiên công tác này chỉ có hiệu quả nếu kết hợp chặt chẽ với việc xử lý nghiêm minh các vi phạm và truyền thông tốt. Tôi rất mong báo chí vào cuộc cùng các nhà quản lý để tăng cường truyền thông về lĩnh vực này.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Thanh Thúy
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng