Sự kiện hot
10 năm trước

Vấn nạn nhà siêu mỏng, siêu méo bên dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm mới hồi sinh

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm (hay còn gọi là kênh nước đen) là một trong những dòng kênh ô nhiễm nặng nề nhất nằm phía Tây TP HCM, ước tính khoảng 1,2 triệu dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dòng kênh này.

Tuy nhiên, sau khi được thành phố quan tâm đầu tư cải tạo lại, đến nay người dân 4 quận (quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú) vui mừng chào đón dòng “kênh mới” được hồi sinh. Dòng kênh ô nhiễm trước kia nay đã được thay da đổi thịt mở ra một không gian đô thị mới. Cơ sở hạ tầng, điều kiện sống và môi trường được cải thiện rõ rệt.

Đường được mở rộng xây mới, kênh được nạo vét, kè 2 bên cùng hành lang đi bộ, công viên tạo ra không gian mới cho cư dân sinh sống.

Ngoài ra, mục tiêu của Dự án là mở rộng kênh, nắn dòng chảy (xây cống hộp kín), nạo vét bùn, đắp bờ kênh, xây tường ngăn lũ, cải tạo đường rộng từ 6 đến 20m, xây mới 10 cầu qua kênh, chỉnh trang 4 khu cảnh quan dọc tuyến.

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài 7,5km và các nhánh phụ dài 1,2km là một phần mạng lưới đường thủy và kênh thoát nước trong hệ thống kênh rạch TP HCM. Tháng 12/2011, công trình được khởi công và dự kiến khánh thành vào ngày 5/4/2015. Tổng vốn đầu tư Dự án là 166,6 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, chưa kể 1.714 tỷ đồng vốn ngân sách chi bồi thường, giải tỏa - tái định cư.

Ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM cho biết, Dự án đã đầu tư cơ sở hạ tầng như lắp đặt cống thoát nước, nạo vét dòng kênh giải quyết chống ngập và còn giảm thiểu sự tác động của triều cường với 45 cửa xả thoát nước được lắp đặt van ngăn triều.


Những căn nhà siêu mỏng không thiếu dọc ven 2 bên kênh Tân Hóa - Lò Gốm

Có đường mới, giá trị nhà đất ở hai bên đường tăng lên gấp 5-7 lần, chính vì vậy, những lô đất sau khi giải tỏa còn lại diện tích nhỏ, méo mó cũng được người dân tận dụng xây cất.

Do đó, nhà cửa mọc lên lôm côm, siêu mỏng, siêu méo không tương xứng với con đường và dòng kênh vừa được cải tạo. Cũng trong thời gian xây dựng cải tạo dòng kênh, nhiều ngôi nhà của dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nứt tường, nghiêng, lún nền…

Sở dĩ có tình trạng này là do nhiều nguyên nhân, trong đó có giá cả bồi thường giữa người dân với chủ đầu tư không được thống nhất, nên cứ nhì nhằng kéo dài không thể xử ý dứt điểm.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, với những thửa đất không đủ điều kiện để xây dựng, chính quyền địa phương phải có chính sách đền bù thỏa đáng cho người dân, thu hồi đất và “biến” những rẻo đất ấy thành những nơi giữ xe, nơi trồng hoa, cây xanh… Thậm chí, nếu rẻo đất nhỏ đến mức không thể sử dụng với các chức năng trên, chính quyền địa phương nên làm vỉa hè rộng ra tới rẻo đất này. Coi rẻo đất như một phần của vỉa hè để chống tái lấn chiếm. Cương quyết không để còn những rẻo đất dị dạng mới ngăn chặn hiệu quả sự xuất hiện của nhà siêu mỏng.

Thực tế, những thửa đất nhỏ lẻ, nhà siêu mỏng không do người dân tạo ra, mà do phát triển giao thông và đô thị mà thành. Chính vì vậy một bộ phân không nhỏ người dân ở dự án cũng bị ảnh hưởng và phải chịu thiệt thòi khi bị giải tỏa, và còn thiệt hơn sau khi giải tỏa là họ không đủ diện tích để được cấp phép xây dựng.

Do đó họ phải xây dựng lén lút để có chỗ ở và cũng vì vị trí những mảnh đất này ở ngay mặt tiền nên người dân cố bám với lý do “tấc đất tấc vàng”. Vì thế, cứ mỗi con đường mới mở là nhà siêu mỏng siêu méo mọc ra.

Mấu chốt để giải quyết vấn đề là ở chỗ phải bảo đảm lợi ích cho chủ của những thửa đất nhỏ đó, không nên bắt bí, bắt ép họ.


Có những căn nhà mặt tiền chưa tới 2m, được xây dựng lôm côm nhìn mất mỹ quan đô thị trên tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm

Để tìm hiểu vì sao những căn nhà không đủ điều kiện xây dựng vẫn cứ mọc ra, phóng viên Báo Xây dựng đã liên lạc với Sở Xây dựng TP HCM, nhưng do thời gian gấp rút nên Sở chưa thể có câu trả lời ngay.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin khi có được trả lời từ Sở Xây dựng.

Cao Cường
theo Xây dựng

Từ khóa: