Sự kiện hot
13 năm trước

Vạn người tranh “tấm vé đổi đời” ở xứ Hàn và hậu họa “cười ra nước mắt”

Vạn người thi tiếng Hàn, chỉ nghìn người đỗ. Vạn người mất công, mất của, mất cả hoài bão, ước mơ khi quyết bằng mọi giá để sang xứ Hàn… mọi tiêu cực cũng từ đó mà ra …

Sau 7 năm đưa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình cấp phép mới ( gọi tắt là EPS), khoảng 6,4 vạn lao động Việt Nam đã được “đổi đời” với những “xóm Hàn Quốc” mọc lên ở những miền quê nghèo khó. Tiếng Hàn trở thành ngôn ngữ phổ cập bởi theo quy định lao động muốn có “tấm vé” sang Hàn thì đầu tiên là phải qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn một cách khắt khe. Vạn người thi tiếng Hàn, chỉ nghìn người đỗ. Vạn người mất công, mất của, mất cả hoài bão, ước mơ khi quyết bằng mọi giá để sang xứ Hàn… mọi tiêu cực cũng từ đó mà ra …

Kỳ 1: Nghề “ăn trên lưng” những “giấc mộng xứ Hàn”

Cầu thấp - cung cao, những lao động ôm “giấc mộng xứ Hàn” trở thành “con mồi” béo cho những đối tượng cò mồi, môi giới. 99% lao động muốn đi Hàn Quốc đều nghèo nhưng đều sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu để nộp cho các cò mồi với suy nghĩ “không tiền không thể đỗ, đỗ rồi không thể được chủ chọn”. Ở các “điểm nóng” suốt từ Nam Định tới Nghệ An, Hà Tĩnh nhiều năm nay hình thành một lớp người giàu lên nhờ “ăn trên lưng” của những người muốn đi lao động Hàn Quốc.


Một lớp học tiếng Hàn tại TTGTVL Hà Tĩnh

Háo hức…đổi đời

Đi một dọc từ Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An đến Hà Tĩnh khi kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần thứ 9 dành cho lao động Việt Nam đang tới rất gần, đâu đâu chúng tôi cũng nghe người dân râm ran về thị trường Hàn Quốc.

Tại tỉnh Nam Định, lâu nay không có “truyền thống” đi XKLĐ nhưng giờ đây suốt con đường Giải Phóng mọc lên như nấm những thông báo đào tạo tiếng Hàn cấp tốc, thường xuyên. Người lao động rỉ tai nhau đi học ở những trung tâm có khả năng “bao đỗ” và sẵn sàng nộp 2500 USD như “lệ phí chống trượt”.

Đâu đâu chúng tôi cũng nghe người dân râm ran về thị trường Hàn Quốc...

Tại Nghệ An, có tới 13 ngàn người đăng ký dự kỳ kiểm tra còn Hà Tĩnh 5 ngàn người cũng đang chờ đợi kỳ thi này. Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh đang đông nghẹt học viên học tiếng Hàn. Trên những gương mặt dãi dầu mưa nắng giờ đây đang tươi rói bởi niềm tin sẽ được đi XKLĐ ở Hàn Quốc rồi trở về với của ăn của để. Anh Hoàng Duy Nhật (xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên) háo hức : "Thông tin về công việc và cuộc sống ở xứ bạn tôi cũng không nắm được nhiều, chỉ thấy người ở quê đi XKLĐ mấy năm về đã xây được nhà, có vốn làm ăn nên tôi đã bàn bạc với gia đình sẽ đi học tiếng và quyết tâm sang Hàn Quốc làm ăn để đổi đời.

Hi vọng nếu có cơ hội, tôi sẽ không phải sống túng thiếu, nhọc nhằn như những người lao động nghèo ở quê". Cũng đang háo hức không kém anh Nhật, anh Dương Hiệp (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) tâm sự: “Năm nay tôi đã 32, tuổi đã nhiều, nhưng chưa có gì để đảm bảo cho tương lai với đồng lương của 1 công nhân cơ khí. Thấy nhiều người trước đây cũng nghèo khó như mình nhưng giờ đã khấm khá rất nhiều nên tôi cũng đi học tiếng để thi và tìm cơ hội đổi đời”.

Ông Nguyễn Đình Phùng - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm, Sở LĐTBXH Hà Tĩnh - cho biết, mặc dù quyết tâm là có, ước mơ đổi đời là thừa, nhưng vì tiếp cận thông tin ít nên nhiều người vẫn nghĩ đi Hàn Quốc rất dễ; thậm chí còn có người vì thế mà bị các đối tượng "cò mồi" lợi dụng nên không đi học tiếng Hàn, vẫn cứ nộp hồ sơ dự thi. Còn theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Việc làm ngoài nước thì tại Nghệ An- Hà Tĩnh thậm chí còn xảy ra tình trạng lao động mù chữ cũng tới đăng ký dự kỳ thi tiếng Hàn.

“Lộ diện” những đường dây môi giới

Hiện tượng mù chữ cũng đăng ký dự thi tiếng Hàn hay hàng chục ngàn người ở Nghệ An chen nhau giành giật một suất đăng ký tham dự kỳ kiểm tra được nhận định là bất thường. Song, sự bất thường ấy còn minh chứng cho một thực tế đã tồn tại lâu nay: Có những tiêu cực trong tổ chức học, thi tiếng Hàn cũng như đưa lao động đi Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Cách đây 1 năm, gia đình lao động Trần Phú Cường (sinh năm 1978 ở 36P, ô 18, phường Hạ Long, TP Nam Định) “cắn răng” vay 6 cây vàng để đổi ra 6.000 USD nộp cho bà Vũ Thị Bích Ngọc- cán bộ Phòng Khai thác thị trường- Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định - để bà Ngọc “chạy” cho Cường thi đỗ tiếng Hàn đi làm việc ở Hàn Quốc. “Chúng tôi tin tưởng bà Ngọc vì bà ấy làm ở nơi tiếp nhận hồ sơ của lao động đăng ký đi Hàn Quốc, lại có quan hệ thông gia bề trên với gia đình chúng tôi và bà ấy cũng từng đưa nhiều người trong họ đi XKLĐ rồi” - bà Trần Thị Hiển, mẹ lao động Cường buồn bã nói.


“Lộ diện” những đường dây môi giới.

Khi ấy, bà Ngọc cam kết sẽ “chạy” được cho Cường đi sớm nhất, hướng dẫn Cường tới nhà thầy giáo Thanh để “luyện” tiếng Hàn. Bà Ngọc cũng giúp Cường nộp hồ sơ, đăng ký dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn tại Trung tâm bà làm việc. Khát khao được đi làm việc ở Hàn Quốc cộng với sức ép khoản nợ vay, Cường lao đầu vào học và sau đó đã thi đỗ với thang điểm cao nhất 200/200. Hồ sơ được đưa lên mạng nhưng chờ mãi Cường không thấy được gọi đi học giáo dục định hướng để chờ bay trong khi các bạn học cùng lần lượt xuất cảnh.

Trong một cuộc liên hoan chia tay, Cường mới được bạn cho hay bà Ngọc không có vai trò cũng như không thể tác động cho Cường “bay nhanh” được và khuyên Cường nên đòi tiền đã nộp. Nợ nần chồng chất do giá vàng khi vay chỉ 27 triệu/ cây giờ lên tới 47 triệu/ cây, số lãi từ giá vàng tăng cao đã khiến gia đình Cường mất cả trăm triệu đồng. Cực chẳng đã, ông Trần Văn Thuận- bố Cường - đến xin bà Ngọc trả lại tiền. Bà Ngọc chấp nhận trả 4.000 USD, còn 2.000 USD thì nhất định không trả với lý do số tiền đó đã chi để lo cho Cường!

Cũng qua “cửa” bà Ngọc, gia đình lao động Mai H (Lộc An, TP Nam Định) đã nộp 3500 USD, bà Ngọc cũng hướng dẫn H đi học tiếng Hàn. H may mắn thi đỗ, sớm được chủ chọn và xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Khi biết bà Ngọc không giúp được mình mà việc thi đỗ cũng như được chọn hoàn toàn là ngẫu nhiên, may mắn và tự sức mình, Mai H. cùng gia đình đòi lại bà Ngọc tiền đã nộp. Hệt như “kịch bản” đã diễn ra với gia đình Cường, bà Ngọc chỉ trả chưa tới 1000 USD (22 triệu đồng), số còn lại bà Ngọc không những không trả mà còn lớn tiếng đe dọa gia đình Mai H.

Trần Phú Cường và Mai H không phải “nạn nhân” duy nhất của bà Vũ Thị Bích Ngọc. Và ở Nam Định, cũng không phải chỉ bà Ngọc đứng ra thu tiền hứa đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Nghi vấn có những đường dây “chạy” cho lao động đi Hàn Quốc theo chương trình EPS ở Nam Định ngày càng lộ rõ khi chúng tôi được cung cấp các thông tin liên quan tới hoạt động của Trung tâm giới thiệu việc làm nơi bà Ngọc làm việc, cũng là đầu mối được Sở LĐ –TB&XH tỉnh Nam Định chỉ định thực hiện chương trình EPS tại Nam Định.

Theo Pháp luật Viêt Nam 

Từ khóa: