Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Vành đai 3 kết nối các cao tốc hướng tâm, mở rộng không gian phát triển cho toàn vùng TP HCM

Tuyến vành đai 3 TP HCM dài hơn 76 km sẽ tăng tính kết nối các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ, tạo tiền đề kêu gọi đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp của khu vực.

Hoàn thành toàn bộ vào năm 2027

Vành đai 3 TP HCM là một trong 5 dự án giao thông đường bộ quan trọng quốc gia đang được trình lên Quốc hội để phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 khóa XV đang diễn ra.

Vừa qua, UBND TP HCM - đơn vị được giao là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án này đã có tờ trình gửi Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 76 km, đoạn đi qua TP HCM dài 47,5 km, Đồng Nai hơn 11 km, Bình Dương 10,7 km, Long An gần 7 km. Dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe; phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện. 

 Điểm đầu vành đai 3 TP HCM tại nút giao kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành. (Ảnh: Zing).

Với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 75.000 tỷ đồng, dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2027. HĐND 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã thông qua nghị quyết bố trí vốn đầu tư cho dự án.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc xây dựng tuyến vành đai này 3 cũng như các tuyến cao tốc phía Nam là hết sức cần thiết và cấp bách.

Theo ông Thanh cũng cho biết thêm, trong 5 tuyến cao tốc cũng dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án vành đai 3 TP HCM là dự án phức tạp nhất trong công tác di dời, bố trí tái định cư do đa số dọc tuyến đã hình thành đô thị.

Kết nối các cao tốc hướng tâm và đô thị vệ tinh

Hiện nay, các tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 22, 13 đều quá tải, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm tại các cửa ngõ thành phố.

Thời gian tới, sân bay quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2025, sân bay Tân Sơn Nhất được đầu tư mở rộng,... cùng với sự gia tăng dân số hàng năm sẽ gây quá tải cho hệ thống giao thông khu vực Đông Nam Bộ khi kết cấu giao thông đường bộ chưa được nâng cấp, nguy cơ cao về ùn tắc nghiêm trọng.

Trong khi đó, tuyến vành đai 3 được thiết kế kết nối các tuyến giao thông xuyên tâm như cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP HCM - Mộc Bài, quốc lộ 13,... sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh từ các tỉnh mà không cần đi qua trung tâm TP HCM, chuyển hướng các phương triện tải trọng lớn, giảm tải cho các tuyến đường nội đô.

Khi có đường này, giao thông hướng tây bắc - đông nam của TP HCM và ngược lại có thể đi qua cao tốc Bến Lức- Long Thành để tiếp cận cao tốc TP HCM - Trung Lương. Hướng từ quốc lộ 13, quốc lộ 22 có thể tiếp cận khu vực cảng phía Đồng Nai, TP HCM qua đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn. Tuyến này cũng kết nối với đường sắt liên đô thị Thủ Thiêm - Nhơn Trạch - Long Thành và quốc lộ 1A.

Vành đai 3 TP HCM (đường màu đỏ) chạy qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, kết nối các cao tốc hướng tâm. (Nguồn: Bản đồ định hướng phát triển không gian TP HCM đến năm 2025).

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM Trần Quang Lâm nhấn mạnh tuyến đường rất quan trọng trong liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối tất cả đường cao tốc của vùng, nối 4 tuyến cao tốc hướng tâm.

"Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế cả nước khi góp 45% GDP, cũng như chiếm 43% nộp ngân sách. Nơi đây cũng là đầu mối giao thông rất lớn, kết nối với quốc tế. Đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lớn nhất cả nước và hệ thống cảng biển chiếm 1/4 cả nước, trong đó có Cảng Cát Lái là một trong 20 cảng lớn nhất thế giới", ông Lâm cho biết.

Không chỉ đóng vai trò với TP HCM, việc xây dựng công trình sẽ giải quyết ùn tắc giao thông vùng nội đô các tỉnh; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo dãn mật độ dân cư, đặc biệt là các khu chế xuất, khu công nghiệp; tăng cường kết nối giao thông các tỉnh trong vùng, đặc biệt từ đông sang tây; hoàn thành hệ thống cao tốc đi các nước bạn; cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với vùng kinh tế phía Nam, đường vành đai 3 TP HCM còn có vai trò kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á, kết nối trực tiếp cảng cạn (ICD) Long Bình với ICD Củ Chi, ICD khu công nghệ cao TP HCM với ICD An Sơn (Bình Dương), giúp giảm chi phí logistics, giảm chi phí vận tải và thời gian lưu thông của các phương tiện vận tải.

Đặc biệt, khi tuyến đường vành đai 3 TP HCM hoàn thành sẽ nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp đến các cảng, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút các nhà đầu tư.

 Vành đai 3 đoạn qua Bình Chuẩn, tỉnh Bình Dương là đoạn duy nhât đã hoàn thành. (Ảnh: Zing).

Một điểm đáng chú ý là dự án vành đai 3 cũng giúp tăng sự kết nối với những thành phố và thị xã xung quanh của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng như toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ. 

Tuyến sẽ mở ra hướng phát triển cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai); Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TP HCM); đô thị Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức (Long An); Dĩ An, Thuận An (Bình Dương)...

Dự án cũng sẽ tạo tiền đề cho các tỉnh mời gọi đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần điều tiết, phân bố dân cư giảm áp lực của khu vực nội đô TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Nhìn nhận về tương lai khi dự án vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 TP HCM đi vào hoạt động trong thời gian tới, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng có thể hình dung ra sự "bùng nổ" khá mạnh mẽ ở hai trung tâm tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam. Từ sự ách tắc lâu nay chúng ta phải chịu, khi khai thông, "bùng nổ" sẽ hiện ra.

Hồng Quân
Theo Dòng Vốn Kinh Doanh

Từ khóa: