Sự kiện hot
3 năm trước

Vay dài hạn hơn 20.000 tỷ đồng, Đèo cả muốn tăng vốn lên 4.100 tỷ đồng

HĐQT dự kiến sẽ lên phương án phát hành hơn 148,54 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền 9:5 (cổ đông sở hữu 9 cổ phiếu được quyền mua 5 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ dự kiến tăng lên là 4.159 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV - UPCoM) thông báo mời họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 được tổ chức trực tuyến vào ngày 1/11/2021.

Vay dài hạn hơn 20.000 tỷ đồng, Đèo cả muốn tăng vốn lên 4.100 tỷ đồng - Ảnh 1

Trong đại hội lần này, HĐQT dự kiến sẽ lên phương án phát hành hơn 148,54 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền 9:5 (cổ đông sở hữu 9 cổ phiếu được quyền mua 5 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ dự kiến tăng lên là 4.159 tỷ đồng.

Nghị quyết đại hội đồng cổ đông trước đây thông qua phương án vốn điều lệ năm nay chỉ tăng lên 3.533 tỷ đồng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty cho biết, sau khi xem xét chiến lược kinh doanh trung hạn và cơ hội đầu tư mới thì quyết định điều chỉnh lên cao hơn.

Trong đợt phát hành lần này, mục đích sử dụng số tiền thu về sẽ được dùng để hợp tác kinh doanh dự án xây dựng cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.  

Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng và công ty sẽ đầu tư 1.700 tỷ đồng. Phần còn lại từ đợt tăng vốn dùng để bổ sung vốn lưu động và dự phòng sản xuất kinh doanh.

Giá chào bán ủy quyền cho HĐQT quyết định và không thấp hơn mệnh giá cổ phiếu. Nguyên tắc xác định giá phát hành dựa trên cơ sở kết hợp các phương pháp giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần (BVPS) theo Báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 30/6/2021 là 11.553 đồng/CP; giá thị trường giao dịch bình quân 20 phiên gần nhất (24/8 - 22/9/2021) là 21.010 đồng/CP.

Kết quả kinh doanh tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV)
Kết quả kinh doanh tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV)

Về tình hình kinh doanh, lũy kế nửa đầu năm 2021, HHV ghi nhận doanh thu thuần đạt 793 tỷ đồng, tăng 44%, chủ yếu nhờ nguồn thu từ các trạm thu phí. Tương ứng lãi gộp tăng 47% lên 446 tỷ, biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện từ mức 55,3% lên mức 56,2%. Khấu trừ chi phí, HHV đạt lợi nhuận sau thuế gần 138 tỷ, cao gấp 5,2 lần cùng kỳ. Lãi ròng thu về 123 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản HHV tăng 464 tỷ lên mức 32.880 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu tập trung ở tài sản dài hạn là các tài sản cố định hữu hình ghi nhận 28.339 tỷ đồng bao gồm giá trị còn lại cuối năm của tài sản cố định hữu hình dùng để thế chấp, cầm có bảo đảm các khoản vay là 24.521 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền gần như đi ngang đạt mức 264 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh tại HHV đang cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng, nhất là tại thời điểm hiện nay khi dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, tỉ lệ thuận với kết quả kinh doanh thì các khoản vay tại HHV cũng ngày một tăng theo. Nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận tổng nợ phải trả ở mức 25.357 tỷ đồng chiếm 77% tổng tài sản và gấp gần 3,2 lần vốn chủ sở hữu, trong đó chủ yếu là vay nợ tài chính dài hạn ghi nhận 20.845 tỷ đồng tại VietinBank. Đây là các khoản vay dài hạn tài trợ cho các dự án BOT của HHV.

Vay dài hạn hơn 20.000 tỷ đồng, Đèo cả muốn tăng vốn lên 4.100 tỷ đồng - Ảnh 2

Cụ thể các khoản vay tại Vietinbank chi nhánh Hà Nội gồm: Hợp đồng số 01/2015-HDTDDA/NHCT106-DEOCA, ngày 28/07/2015 với hạn mức vay là 2.500 tỷ đồng để thực hiện hạng mục đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông, Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và Bình Định thuộc dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả – Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tình Khánh Hòa theo hình thức BT và BOT; thời hạn vay là 204 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân là 48 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.

Hợp đồng số 02/2013/NHCT106-DEOCA ngày 22/10/2013 với hạn mức vay 4.800 tỷ đồng, với mục đích sử dụng tiền vay là thanh toán các chi phí hợp lý để thực hiện công trình BOT thuộc dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả – Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà; thời hạn vay là 180 tháng, lãi suất theo từng lần nhận nợ.

Tiếp nữa Hợp đồng số 02/2015- HDTDDA/NHCT106-DEOCA ngày 11/12/2015 có hạn mức vay là 1.190 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp, sửa chữa, cải tạo hầm Hải Vân 1 và đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân (giai đoạn của hạng mục đầu tư mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Quốc lộ 1 tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng; thời hạn vay là 192 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân 24 tháng; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.

Và Hợp đồng số 01/2016-HDTDDA/NHCT106-DEOCA ngày 2/2/2016 với mức vay 4.182 tỷ đồng và phần lãi vay trong thời gian xây dựng được vốn hóa vào tổng mức đầu tư của dự án để thực hiện giai đoạn 2: Mở rộng hầm Hải Vân thuộc Hạng mục đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân quốc lộ 1 tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng được bổ sung vào Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả; thời hạn vay là 20 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân là 4 năm; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.

Đồng thời – Hợp đồng số 01/2017-HDTDDA/NHCT106-BOT GBLS của Vietinbank Chi nhánh TP.Hà Nội với hạn mức 1.190 tỷ đồng để thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang –  Lạng Sơn; thời hạn vay là 17 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân 24 tháng; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.

Được biết, thời điểm Vietinbank chi nhánh Hà Nội ký hợp đồng giải ngân cho Tập đoàn Đèo Cả vay hàng nghìn tỷ đồng (năm 2013), Giám đốc chi nhánh lúc đó là ông Trần Minh Bình (hiện là Chủ tịch hội đồng quản trị Vietinbank).

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: