Sự kiện hot
4 năm trước

VDSC: Cập nhật tăng trưởng tín dụng trong quý I/2021

VDSC cho biết, tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc trở lại. Tín dụng hỗ trợ các ngành ưu tiên tăng trưởng tương đối chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng trung. Bên cạnh đó, NHNN ban hành chính sách hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.

Ảnh minh họa

Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã có báo cáo cập nhật đối với ngành vĩ mô cập nhật về tăng trưởng tín dụng trong quý I/2021. 

Tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc trở lại

Theo phân tích của VDSC, quý I/2021, tăng trưởng các khoản vay mới tăng cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước và gần chạm mức tăng thời điểm trước đại dịch xảy ra. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tổng tín dụng tăng 2,9% so với cuối năm 2020, cao hơn mức tăng 1,3% trong quý I/2020 và xấp xỉ mức tăng 3,1% trong quý I/2019. Theo nhóm ngành, dư nợ cho vay trong ngành thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao ở mức 63,3%, tăng 2,8% so với cuối năm 2020. Trong khi dư nợ cho vay của ngành xây dựng & công nghiệp tăng 3,4%, chiếm 28,3% tổng dư nợ, tín dụng ngành nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 8,4%, ước tính tăng 2,4% so với cuối năm 2020. Trong hai tuần đầu tháng 4, tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng 0,4% điểm cơ bản lên 3,3%, cho thấy nhu cầu tín dụng tư nhân tiếp tục phục hồi tích cực.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Tín dụng hỗ trợ các ngành ưu tiên tăng trưởng tương đối chậm hơn so với tốc độ tăng tưởng chung

Các khoản cho vay lĩnh vực ưu tiên tập trung chủ yếu vào ngành nông nghiệp & khu vực nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), lần lượt chiếm 24,6% và 19,5% tổng dư nợ.

Trong quý I/2021 vừa qua, dư nợ cho vay của khu vực nông nghiệp & nông thôn tăng 2,4% so với cuối năm 2020, trong khi dư nợ cho vay của DNNVV tăng 1,5%.

Vay vốn của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã tăng 2,5% so với cuối năm 2020, trong khi ở các ngành công nghiệp hỗ trợ có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 3,0%.

Cho vay đối với các doanh nghiệp ứng dụng công nghiệ cao chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng dư nợ, chỉ tăng 0,3% so với cuối năm 2020.

Tổng dư nợ cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên tăng 2,1% trong quý đầu năm 2021, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống ngân hàng.

Nguồn: Báo cáo VDSC

NHNN tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch

Tháng 4/2021, NHNN ban hành Thông tư số 03/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Thông tư mới sẽ cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến hết năm 2021. Bên cạnh việc gia hạn và phân loại nợ, thông tư mới cũng đề cập đến vấn đề an toàn của hệ thống ngân hàng bằng cách yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ có khả năng không thu hồi được trong vòng ba năm. Cụ thể, tỷ lệ trích lập dự phòng sẽ tăng từ 30% vào cuối năm 2021 lên 60% vào cuối năm 2022 và 100% vào cuối năm 2023.

Tính đến ngày 05/04/2021, các ngân hàng đã cơ cấu lại lịch trả nợ cho 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch với dư nợ trị giá 353 nghìn tỷ đồng (~ 3,7% tổng dư nợ). Hệ thống ngân hàng đã giảm lãi suất cho gần 1,3 triệu khách hàng (với dư nợ ba triệu tỷ đồng). Ngoài ra, các ngân hàng cũng hỗ trợ 660.000 khách hàng (với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng) bằng cách miễn/giảm lãi đối với các khoản nợ hiện có và khoanh/ miễn trả nợ.

Tín dụng tại các lĩnh vực rủi ro sẽ được kiểm soát chặt chẽ

Môi trường lãi suất thấp như hiện nay đã hỗ trợ dòng vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay thị trường chứng khoán. Năm 2020, tín dụng chảy vào lĩnh vực chứng khoán ước tính đạt 45.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ nhưng tăng mạnh 49,4% so với cùng kỳ. Theo NHNN, trong quý 1/2021, tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán giảm nhẹ 1,0% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, số liệu thu thập từ 20 công ty chứng khoán niêm yết cho thấy tổng giá trị cho vay ký quỹ tại thời điểm 31/3/2021 ở mức cao kỷ lục là 98.397 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cuối năm 2020.

Đối với lĩnh vực bất động sản, tín dụng chảy vào lĩnh vực này tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020 và tiếp tục tăng ở mức 3,0% so với cuối năm 2020 trong quý 1/2021. Hiện tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chiếm 19,6% tổng dư nợ. Người Việt đang đổ tiền vào bất động sản do lãi suất huy động giảm trong năm qua, tạo nên cơn “sốt đất” tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong diễn biến mới nhất, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát lại công tác quản lý về giá đất và tình trạng “sốt đất” tại 26 địa phương.

Theo NHNN, tín dụng cho các lĩnh vực rủi ro chiếm 40,9% tổng cho vay tính đến đầu tháng 4 năm 2021, tăng 2,0% so với cuối năm 2021, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, cả thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đã có những bước tăng mạnh trong thời gian gần đây. Do đó, các nhà hoạch định chính sách nhiều khả năng sẽ siết chặt kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro trong thời gian tới.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: