VDSC cho biết, do diễn biến khó lường của dịch bệnh, tăng trưởng xuất khẩu có thể suy giảm thêm về mức một con số so với cùng kỳ trong các tháng còn lại của năm.
Chứng khoán Rồng Việt mới đây đã có báo cáo cập nhật đối với ngành vĩ mô. Trong đó, VDSC đã có phân tích về những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với hoạt động suất khẩu.
Xuất khẩu tăng chậm lại trong tháng 7/2021
Theo VDSC, hoạt động xuất khẩu suy giảm trong tháng 7 do diễn biến số ca nhiễm tăng cao trong đợt bùng phát dịch mới đây. Giá trị xuất khẩu trong tháng ước đạt 27,9 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ và 2,4% so với tháng trước.
Trong khi đó, nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu, với mức tăng 31,8% so với cùng kỳ và tăng 5,3% so với tháng trước. Điều này khiến cho thâm hụt thương mại trong tháng tăng lên 1,2 tỷ USD từ mức 455 triệu USD trong tháng trước.
Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu vẫn giữ được mức tăng khá lần lượt là 26,2% và 35,8% so với cùng kỳ. Thâm hụt thương mại tính đến hết tháng 7 ước đạt 2,2 tỷ USD, trái ngược với thặng dự 8,7 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước.
Trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 của năm trước, nền kinh tế ghi nhận kim ngạch xuất khẩu bình quân khoảng 27,0 tỷ USD, đây là một mức tương đối cao nếu so với số liệu tháng 7/2021.
Bộ phận phân tích của VDSC nhận định, do diễn biến khó lường của dịch bệnh, tăng trưởng xuất khẩu có thể suy giảm thêm về mức một con số so với cùng kỳ trong các tháng còn lại của năm.
Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng
Nhìn sâu hơn vào con số tăng trưởng xuất khẩu, VDSC nhận thấy nhóm xuất khẩu dệt may, da giày và túi xách ghi nhận mức suy giảm mạnh trong đơn hàng xuất khẩu do tác động của dịch bệnh.
Trong tháng 7, xuất khẩu dệt may, giày dép và túi xách tăng không đáng kể lần lượt là 1,8%, 2,3% và 0,3% so với cùng kỳ so với mức tăng cao lần lượt là 16,2%, 37,8% và 18,9% trong tháng 6/2021. Xuất khẩu mặt hàng gỗ có vẻ khả quan hơn với mức tăng 17,1% so với cùng kỳ, mặc dù mức tăng này cũng đã thấp hơn đáng kể so với mức tăng 63,2% của tháng trước.
Xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp và kim loại dường như ít bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, ghi nhập mức tăng lần lượt là 12,8% và 85,3% so với cùng kỳ. Ngoài ra, xuất khẩu mặt hàng điện tử chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ trong tháng 7 mặc dù cụm sản xuất hàng điện tử hầu hết nằm ở khu vực phía Bắc, nơi dịch bệnh đã được kiểm soát tương đối.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có sự phân hóa trong tăng trưởng đến các thị trường xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Eu vẫn tương đối bền bỉ với mức tăng lần lượt là 15,9% và 10,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 15,6% và 3,9% trong tháng trước. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ chậm lại trong tháng 7, ghi nhận mức tăng 11,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 27,5% trong tháng 6/2021. Xuất khẩu sang các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương như ASEAN, Nhật, Hàn đều ghi nhận sự thu hẹp lại trong tăng trưởng so với tháng trước do các nước này đều đang đối diện với làn sóng lây nhiễm mới do biến chủng Delta gây ra”.
Nhập khẩu vẫn duy trì mức tăng cao do các biện pháp phòng chống dịch gây áp lực lên nguồn cung nội địa.
Báo cáo cập nhật của VDSC cũng chỉ ra, tăng trưởng nhập khẩu mặc dù suy giảm còn 31,8% so với cùng kỳ trong tháng 7 so với mức tăng 34,3% của tháng trước nhưng vẫn cao hơn so với kỳ vọng trước đó của VDSC.
Các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt đã gây ra sự đình trệ trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước, dẫn đến việc nhập khẩu tăng lên chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung và giá nhập khẩu cao hơn. Tuy nhiên, do nhập khẩu mặt hàng trung gian phục vụ cho sản xuất chiếm hơn 50% tổng nhập khẩu, VDSC cho rằng việc nhiều doanh nghiệp đóng cửa sản xuất và tắc nghẽn hàng hóa ở cảng sẽ khiến tăng trưởng nhập khẩu yếu đi trong các tháng tới.
Trong tháng 7/2021, nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng tăng 35,4% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 39,9% trong tháng trước. Nhập khẩu các mặt hàng phục vụ cho dệt may và điện tử tăng 19,1% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu máy móc thiết bị, sắt thép tăng 36,7% so với cùng kỳ, đều thấp hơn mức tăng lần lượt là 20,1% và 46,1% trong tháng 6/2021.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với chi phí tăng cao và vấn đề logistic
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động theo mô hình ba tại chỗ, chi phí hoạt động đã tăng đáng kể trong tháng 7/2021 do phải thực hiện việc xét nghiệm, trang bị đồ đạc và trả thêm lương lao động ở lại nhà máy.
Đồng thời, do các biện pháp hạn chế dịch bệnh khác biệt giữa các tỉnh, việc vận chuyển hàng hóa bằng xe tải đã gây ra hiện tượng tắc nghẽn hàng hóa tại các cảng lớn khu vực phía Nam.
VDSC cho biết, theo SEKO Logistics, việc tắc nghẽn hàng hóa tại cảng Cát Lái và Cái Mép gây ra bởi việc chậm trễ trong việc giải phóng các hàng hóa nhập khẩu sẽ dẫn đến việc thiếu hụt container rỗng cho xuất khẩu.
Trong tháng 7/2021, xuất khẩu của TP.HCM đạt 3,0 tỷ USD, giảm 20,1% trong với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu ước đạt 5,0 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu của các khu vực sản xuất lân cận như Đồng Nai và Bình Dương vẫn ghi nhận mức tăng trưởng hai con số nhưng nhiều khả năng sẽ suy giảm trong thời gian tới do kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội.
VDSC cho rằng, do giãn cách xã hội sẽ được kéo dài thêm một tháng nữa, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ cạn kiệt nguồn lực và rất khó có thể hoạt động nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ.
Nhật Minh
Theo KTDU