Sự kiện hot
4 năm trước

VDSC: Doanh thu năm 2021 từ mảng đường của QNS ước tăng 67% so với năm ngoái

Theo số liệu từ VDSC, doanh thu từ mảng đường năm 2021 của Công ty Đường Quảng Ngãi ước đạt 1.657 tỷ đồng, tăng 67% so với năm ngoái chủ yếu do giá bán đường tăng 30%.

Theo VDSC, doanh thu từ mảng đường của Đường Quảng Ngãi ước tăng 67% trong năm 2021. (Ảnh: QNS)

Theo VDSC, doanh thu từ mảng đường của Đường Quảng Ngãi ước tăng 67% trong năm 2021. (Ảnh: QNS)

Theo báo cáo cập nhật mới đây của CTCK Rồng Việt (VDSC) được biết, trong quý I/2021, CTCP đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) đạt doanh thu 1.639 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ doanh thu mảng đường tăng mạnh 55%, đạt 408 tỷ đồng được dẫn dắt bởi mức tăng 20% của giá đường trong nước.

Nhờ giá đường tăng cao, mảng đường đạt 50 tỷ đồng tương ứng tỷ suất lợi nhuận gộp 12% trong quý I/2021, trong khi cùng kỳ ghi nhận mức lỗ gộp 3 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận gộp giảm 1% trong quý I/2020.

Mảng sữa đậu nành ghi nhận 725 tỷ đồng (hoặc 31 triệu USD, đi ngang so với cùng kỳ năm trước) trong quý I/2021 do nhu cầu sữa trong nước suy yếu dưới tác động tiêu cực của Covid-19.

Nhìn chung, QNS ghi nhận LNST khoảng 161 tỷ đồng (tương đương 7 triệu USD) tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, được thúc đẩy bởi mảng kinh doanh đường tích cực, hỗ trợ cho sự suy yếu của hoạt động kinh doanh sữa đậu nành do ảnh hưởng bởi sự bùng phát của Covid-19 trong tháng 2/2021.

Cũng theo VDSC, xu hướng tăng giá đường trong nước với mức tăng 48% so với giữa năm 2020 đến từ xu hướng tăng giá đường quốc tế nhờ sự phục hồi vững chắc của nhu cầu đường sau khi một số quốc gia nới lỏng giãn cách xã hội nhờ hiệu ứng tích cực của chương trình tiêm chủng cộng đồng. Trong khi đó, nhiều nhà xuất khẩu lớn như Brazil, Thái Lan… đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn cung do hạn hán kéo dài.

Bên cạnh đó, nguồn cung trong nước đạt mức thấp. Theo VSSA, sản lượng đường sản xuất trong nước ước tính chỉ đạt 600 nghìn tấn trong khi nhu cầu trong nước có thể lên tới 2 triệu tấn trong năm 2020.

Nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 30% tổng nhu cầu đường, các công ty thực phẩm và đồ uống và nhà bán lẻ đường của Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực duy trì hoạt động nhập khẩu đường ở mức cao, với giá đường nhập khẩu ước tính vẫn ở mức cao đáng kể vào cuối năm 2021 so với cùng kỳ. 

VDSC cho rằng giá đường trong nước trong thời gian tới sẽ duy trì ở mức cao, đồng thuận với xu hướng tăng trưởng của giá đường quốc tế.

Năm 2021, ước tính doanh thu từ mảng đường của QNS đạt 1.657 tỷ đồng, tăng 67% so với năm ngoái chủ yếu do giá bán đường tăng 30%.

LNST của QNS ước tính đạt 228 tỷ đồng, cải thiện đáng kể từ mức lỗ ròng 8 tỷ đồng trong quý 1/2020, nhờ tác động cộng hưởng từ tăng trưởng doanh thu ở mức hai chữ số và biên lợi nhuận gộp mở rộng.

Đồng thời, VDSC ước tính doanh thu từ sữa đậu nành của QNS đạt 4.069 tỷ đồng, tăng 5% trong năm 2021 nhờ tăng trưởng sản lượng 5% khi giá bán được kỳ vọng không đổi trong bối cảnh COVID-19 bùng phát trở lại.

VDSC cho biết: "Mặc dù chúng tôi kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trưởng khả quan, nhưng chúng tôi thận trọng rằng giá đường đầu vào và giá đậu nành tăng sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận của mảng sữa đậu nành trong năm 2021".

Cũng theo đơn vị này ước tính LNST sữa đậu nành năm 2021 của QNS đạt 810 tỷ đồng, giảm 7%, chủ yếu bị kéo giảm do biên lợi nhuận ròng thu hẹp gần 300 điểm.

Về dài hạn, VDSC nhận thấy tiềm năng khả quan của sản phẩm sữa đậu nành của QNS nhờ khả năng mở rộng thêm thị phần các sản phẩm sữa đậu nành có thương hiệu, hiện chiếm gần 55% tổng giá trị bán lẻ sữa đậu nành cũng như tăng dần qua các năm nhờ nhu cầu gia tăng của khách hàng.

Ngoài ra, QNS đã có vị thế thống lĩnh vững chắc trong lĩnh vực sữa đậu nành của Việt Nam với 89% thị phần.

VDSC tin rằng chiến lược tung ra các sản phẩm sữa mới của QNS sẽ hỗ trợ công ty cải thiện giá bán sản phẩm cũng như mở rộng thị phần sữa đậu nành của doanh nghiệp. 

Ánh Tuyết

Theo KTDU

Từ khóa: