Sự kiện hot
12 năm trước

Vị giám đốc chuyên nhặt phế thải kiếm tiền

Anh gom tất cả các thứ “bỏ đi” như xỉ than lò gốm ở các xã Bát Tràng, Kim Lan... rồi nhào nặn thành những viên gạch “siêu nhẹ”, bền, đẹp, giá cả phải chăng.

Anh gom tất cả các thứ “bỏ đi” như xỉ than lò gốm ở các xã Bát Tràng, Kim Lan... rồi nhào nặn thành những viên gạch “siêu nhẹ”, bền, đẹp, giá cả phải chăng.

Đó là việc làm của giám đốc trẻ Nguyễn Minh Phương ở thôn Đoàn Kết, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Lời giải cho bài toán ô nhiễm

Tôi tình cờ biết anh Phương trong một dịp ghé thăm làng gốm Bát Tràng. Ông Lê Xuân Phổ - Chủ tịch Hội Gốm sứ Bát Bảo cho biết, bây giờ người làm gốm ít dùng lò than hơn trước, nhiều người đã chuyển sang lò gas, nên đỡ ô nhiễm hơn.

Anh Phạm Minh Phương đang giới thiệu những sản phẩm gạch lát vỉa hè và gạch giả cổ làm từ “phế thải” của công ty.

Cách đây vài năm mỗi ngày các lò gốm thải ra hàng chục tấn phế thải, rồi đổ bừa bãi ra đầu đường, cuối xóm, hễ chỗ nào đổ được là đổ, nên môi trường ở đây ô nhiễm, đường sá nhớp nháp, bụi bặm. Bằng chứng là những “quả đồi” phế thải ở bờ sông, ven làng của những năm trước vẫn còn “đắp chiếu”.

“Mấy năm gần đây, Công ty TNHH Phương Hà của anh Phương thành lập đã tiêu thụ một lượng đáng kể phế thải của làng gốm, nên vấn đề ô nhiềm chất thải rắn, chúng tôi cũng đỡ lo” – ông Phổ cho hay.

Năm nay, Phương vừa tròn 30 tuổi, nhưng trông chín chắn hơn tuổi của mình rất nhiều. Nhâm nhi chén trà trong ngôi biệt thự to đẹp, Phương kể cho tôi “mối lương duyên” với phế thải của mình. Phần vì gia đình khó khăn, phần vì nghịch, nên anh nghỉ học khi đang học dở lớp 10.

Để “trị” cái tính nghịch ngợm của anh, gia đình đã “gò” anh vào làm gốm. Rồi Phương đi bộ đội, sau 2 năm rèn luyện trong quân ngũ, năm 2003 Phương trở về quê tiếp tục bám lấy cái nghề nặn gốm, đốt lò để sinh sống. Phương nói: “Làng gốm Bát Tràng đã có hàng trăm năm nay, nên xỉ than, xỉ gốm chất thành gò mà chẳng biết đổ đi đâu, vừa ô nhiễm, vừa lãng phí. Thấy vậy, mình nghĩ sao không thử nhào xỉ than với xi măng, đất sét làm gạch xem thế nào”.

Nghĩ rồi Phương bắt tay vào làm, không ngờ gạch xỉ than vừa chắc, đẹp, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với gạch đất, gạch vồ.

Những ngày đầu, mỗi ngày anh phải đẩy hàng chục xe xỉ từ các lò gốm về. Thấy anh gom phế thải, nhiều người bảo anh là “hâm”. Gạt đi những lời đàm tiếu, anh vay hơn 200 triệu đồng mua máy ép gạch. Niềm vui như vỡ oà, khi mẻ gạch đầu tiên ra lò, viên nào viên ấy nhẵn nhụi, cứng cáp.

Anh chủ yếu sản xuất các loại gạch lát nền hè phố và gạch giả cổ lát ở các khu di tích với nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau. Ưu điểm gạch xỉ rất cứng, nhẹ, mùa hè mát, mùa đông ấm và không bị đổ mồ hôi khi trời nồm. Trước xỉ than bán với giá 300.000 đồng/tấn, nhưng nay anh phải mua tới 450.000 đống/tấn.

Mỗi ngày Công ty Phương Hà tiêu thụ khoảng 10 tấn xỉ than. Để chủ động nguồn nguyên liệu, vừa qua anh đã liên hệ với Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương) để mua xỉ than, với giá 700.000 đồng/tấn. Theo Phương, gạch làm từ xỉ nhà máy nhiệt điện cũng khá chắc, bền...

Thành tỷ phú nhờ phế thải

Năm 2005, Phương thành lập Công ty TNHH Phương Hà và thuê hơn 4.000m2 đất để làm nhà xưởng. Từ một máy ép gạch, đến nay công ty đã có 6 máy ép thuỷ lực hiện đại với tổng đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Để tiện cho việc vận chuyển, anh đã mua 2 ô tô tải loại 5 và 8 tấn.

Tuy nhiên, do gạch xỉ là sản phẩm mới, nên khi tung ra thị trường anh gặp không ít khó khăn, Phương chia sẻ: “Mới đầu, khách hàng chưa hiểu, nên không mua. Cứ thấy ở đâu làm đường, khu đô thị nào đang xây dựng là mình phải “xông” vào chào hàng. Tôi chấp nhận “đánh bài ngửa” như giảm giá, thu nửa tiền và cho họ dùng thử rồi trả tiền sau”.

Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết thành công và những dự định trong tương lai, giám đốc trẻ Phạm Minh Phương cho hay: “Để thành công, ngoài yếu tố sáng tạo, nhạy cảm thị trường, còn phải có độ “gan lì”, dám nghĩ, dám làm. Thời gian tới, mình sẽ mở rộng sản xuất ra các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phú… để tạo thêm việc làm cho bà con!”.

Phương cho biết: “Hiện công ty có tất cả 8 mẫu gạch lát nền, với giá từ 60.000– 76.000 đồng/m2, “mềm” hơn các loại gạch khác khoảng 20 – 25%. Trung bình, mỗi năm công ty bán khoảng 150.000m2 gạch, tương đương hơn 10 triệu viên, thu về khoảng 8 tỷ đồng.

Công ty đang tạo công ăn việc làm cho 30 lao động và khoảng 50 lao động thời vụ, với mức lương từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng”. Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm gạch Phương Hà đã có mặt ở nhiều công trình lớn.

Để quản lý, phát triển sản xuất, kinh doanh tốt, năm 2006, Phương đã đi học thêm và tốt nghiệp THPT, hiện đang học năm thứ 3 tại chức ngành luật. Với sự vươn lên không ngừng, Phương đã giành nhiều danh hiệu như: “Tài năng trẻ làng nghề”; “Điển hình thanh niên vượt khó” và được Thành đoàn Hà Nội tặng nhiều bằng khen…

Anh vui vẻ bảo: “Bằng khen, danh hiệu là danh dự. Nhưng điều mình vui nhất là đã “biến” những đống phế thải bỏ đi thành thứ có ích cho xã hội, giảm được phần nào ô nhiễm môi trường và đã tạo được việc làm cho các bạn trẻ trên chính quê hương mình”.

Theo Dân Việt

Từ khóa: