Sự kiện hot
5 năm trước

Vi phạm về buôn bán phân bón có thể bị phạt tới 200 triệu đồng

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xử phạt lên đến 200 triệu đồng đối với vi phạm về buôn bán phân bón.

Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật trồng trọt năm 2018 trong quá trình hoạt động; xếp đặt chung, để lẫn phân bón với một trong các loại hàng hóa khác như lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y; buôn bán phân bón trong giai đoạn đang nghiên cứu, khảo nghiệm, dự án sản xuất thử nghiệm khi chưa có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

vi pham ve buon ban phan bon co the bi phat toi 200 trieu dong
Hình minh họa

Phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Tự ý viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa, làm thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán phân bón trong thời gian đang bị đình chỉ hoạt động buôn bán hoặc tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Trường hợp buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón sẽ bị phạt từ 7 – 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi buôn bán phân bón có yếu tố hạn chế vượt mức giới hạn tối đa.

Hành vi vi phạm về buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón hết hạn sử dụng được đề xuất mức phạt như sau: Phạt cảnh cáo đối với trường hợp phân bón có giá trị dưới 1 triệu đồng; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 80 triệu đồng tùy giá trị lô phân bón từ 1 đến dưới 200 triệu đồng.

Dự thảo nêu rõ, đối với hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì phạt tiền từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Số tiền xử phạt trên được áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Tổ chức vi phạm bị xử phạt gấp 2 lần cá nhân.

Nguyễn My
Theo Thời báo Chứng khoán

Từ khóa: