Sự kiện hot
13 năm trước

Vì sao HP "bỏ của chạy lấy người"?

Ngành sản xuất máy tính vốn đem lại cho HP gần 40 tỉ USD mỗi năm hóa ra lại là 1 miếng "gân gà" rất khó nhằn. Thật là tiến thoái lưỡng nan, bỏ thì thương, vương thì tội mà bán không ai thèm mua!

Ngành sản xuất máy tính vốn đem lại cho HP gần 40 tỉ USD mỗi năm hóa ra lại là 1 miếng "gân gà" rất khó nhằn. Thật là tiến thoái lưỡng nan, bỏ thì thương, vương thì tội mà bán không ai thèm mua!

2 tuần trở lại đây dường như là khoảng thời gian mà các ông lớn trong làng công nghệ đặc biệt chú ý để tung ra những tin tức động trời. Nếu như tuần trước nữa chúng ta được nghe về việc Google mua lại Motorola, chấm dứt 80 năm hoạt động độc lập của hãng sản xuất điện thoại di động lâu đời nhất thế giới, thì trong tuần vừa rồi, thông tin về việc HP ngừng sản xuất các thiết bị chạy WebOS như TouchPad, Veer đồng thời bày tỏ quan điểm của hãng về việc muốn rút lui khỏi thị trường PC lại dấy lên trong cộng đồng những cuộc tranh luận rất khác.

HP, từ 4,5 năm trở lại đây, luôn nắm giữ ngôi vị là nhà sản xuất laptop số 1 thế giới về sản lượng. Giờ đây, vị vua của ngành công nghiệp PC đang để ngỏ khả năng bán đi "ngai vàng" của mình để tập trung ngành kinh doanh vào sản xuất phần mềm và cung cấp dịch vụ.

Nếu như bạn biết rằng riêng quý 3 vừa rồi, mảng kinh doanh PC của HP đã đóng góp gần 30% thu nhập của hãng, khoảng hơn 9,6 tỉ USD trên tổng doanh thu 31,2 tỉ USD bạn sẽ hiểu được việc HP vứt bỏ một mảng kinh doanh quan trọng như vậy là 1 quyết định lớn đến đâu.

Bài viết sau đây sẽ cố gắng giúp bạn đọc có được những cái nhìn tổng quan và chi tiết hơn về các vấn đề xoay quanh bước chuyển này của HP.
Tại sao?

Như thường lệ, câu hỏi của chúng ta bắt đầu bằng "Tại sao?". Tại sao HP quyết định cắt bỏ 1 ngành đóng góp cho mình tới 30% doanh thu và vẫn đang trong đà tăng trưởng, dù chậm? Vì sao HP quyết định bỏ đi ngôi vị số 1 mà mình đang nắm giữ ở thị trường PC trong khi các hãng khác như Dell, Acer, Lenovo đang phải đánh nhau "sứt đầu mẻ trán" để tìm cách chen chân vào cái ghế mà HP đang ngồi?

Câu trả lời khá đơn giản: "Có tiếng mà không có miếng". Sự thực là như vậy, hãy nhìn kỹ hơn 1 chút về báo cáo tài chính của HP quý 3 vừa qua chúng ta sẽ thấy 1 điều hiển nhiên: Ngành sản xuất PC của HP tuy là ngành đem lại thu nhập lớn nhất, nhưng lại có lợi nhuận nhỏ nhất. Mặc dù đem về  9,6 tỉ USD từ việc bán các sản phẩm như máy tính để bàn, laptop... nhưng sau khi trừ chi phí nghiên cứu, sản xuất, tiếp thị và hàng trăm loại chi phí khác, HP chỉ còn 567 triệu USD tiền lãi như vậy tỉ lệ lãi/thu nhập chỉ còn xấp xỉ 6%, thấp đến thê thảm. 

Báo cáo tài chính quý 3 năm 2011 của HP.

Trong khi đó, một ngành khác của HP là cung cấp dịch vụ, mặc dù đem lại thu nhập ít hơn, chỉ 9 tỉ USD, nhưng lại đem đến 1,23 tỉ USD lợi nhuận dẫn tới tỉ lệ trên đạt tới 13,7%.

Không phủ nhận rằng 567 triệu USD vẫn là 1 con số lớn, tuy nhiên rõ ràng đối với ban lãnh đạo của HP, như thế là chưa đủ. HP không hài lòng với mức lợi nhuận này của mảng sản xuất PC. Giải pháp? Bỏ hẳn việc sản xuất PC đi để tập trung vào những ngành mang lại nhiều lợi nhuân hơn. Ngôi vua trong ngành công nghiệp PC rõ ràng là 1 chức danh rất "khó nhằn", "có tiếng mà không có miếng". HP sẵn sàng bỏ đi hư danh để chuyển hướng kinh doanh của mình sang những mảnh đất màu mỡ hơn.

Nguồn cơn sự việc?

Như vậy, chúng ta đã bước đầu có thể hiểu sơ bộ về lý do mà HP muốn "đá đít" bộ phận sản xuất PC của mình. Nhưng từ vấn đề này, lại 1 câu hỏi khác nảy sinh: Việc sản xuất phần cứng từ trước đến nay vẫn là 1 công việc có tiếng là "ít màu mỡ". Lợi nhuận của các công ty hoạt động trong lĩnh vực phần cứng thường chỉ "loanh quanh" ở mức 7-10% (Apple là 1 trường hợp ngoại lệ với tỉ suất lợi nhuận thường xuyên đạt 24-25%). Trong khi đó, các công ty phần mềm như Microsoft hoặc quảng cáo, dịch vụ như Google lại luôn chiễm trệ ở mức lợi nhuận trên 30%. Thế nhưng nếu như việc kinh doanh PC ít lợi nhuận như vậy, vì sao đến tận ngày hôm nay HP mới quyết định "bỏ của chạy lấy người" trong khi hãng sản xuất bắc Mỹ đã dẫn đầu thị trường này suốt mấy năm qua?

Để hiểu được vấn đề này, trước hết hãy nhìn lại 1 chút vào quá khứ của ngành công nghiệp PC. Quý 1 năm 2007, HP kiếm được 8,9 tỉ USD từ mảng sản xuất Laptop, desktop... Đồng thời lợi nhuận từ mảng kinh doanh PC của HP thời điểm đó đạt 877 triệu USD. Không khó để nhận ra rằng, đã từng có thời điểm HP kiếm được 10% từ hoạt động sản xuất phần cứng PC của mình.

 

Báo cáo tài chính quý 1 năm 2007 của HP.

Nói cách khác, sản xuất phần cứng chưa bao giờ là 1 ngành mang lại lợi nhuận cao, nhưng cách đây mới chỉ 4,5 năm mảnh đất PC cũng không đến nỗi cằn cỗi như bây giờ. Các nhà sản xuất chịu khó "cày cuốc" cũng vẫn sẽ "đủ sống". Nhất là với vị trí số 1 trong ngành sản xuất PC như HP, việc bám trụ lại ở chiến trường PC dường như vẫn là 1 điều đáng làm.

Thế nhưng lợi nhuận ấy đã và đang sụt giảm 1 cách thê thảm, và tới quý 3 năm nay, con số ấy chỉ còn là 6%. Vậy lý do nào đã khiến 4% lợi nhuận kia "bốc hơi"? Có thể trả lời câu hỏi ấy 1 cách ngắn gọn chỉ với 3 từ: "Smartphone, tablet, Apple".

Một chiếc laptop đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ khâu nghiên cứu, sản xuất cho tới quảng cáo và tiêu thụ. Tất cả các công đoạn trên đều tiêu tốn tiền, nhưng còn 1 thứ chi phí nữa mà sản phẩm phải gánh khi đến tay người sử dụng, đó là "chi phí ế hàng". Nói nôm na, nếu 1 model laptop của HP bị "ế hàng", không bán được sản phẩm, thì phần tiền mà HP phải chi ra cho khâu sản xuất, marketing sẽ không thể thu hồi được. Và cứ 1 chiếc laptop "nằm kho" là phần chi phí để sản xuất nó sẽ bị trừ thẳng vào lợi nhuận của HP.

Kỷ nguyên hậu PC đang đến?

Tất cả các công ty muốn có lợi nhuận cao thì phải "đè nén" được phần rủi ro này. Nói cách khác, nếu sản phẩm không bán được thì tỉ suất lợi nhuận cũng phải giảm theo.

Và đây chính là điều đang xảy tới cho ngành công nghiệp PC nói chung và HP nói riêng. Khi mà kỉ nguyên "hậu-PC" bắt đầu manh nha, smartphone và tablet trở thành 2 nhân tố chính lôi kéo sự chú ý của người sử dụng ra khỏi phân khúc PC truyền thống. Nói 1 cách dễ hiểu, khi 1 người mua smartphone hoặc tablet, họ sẽ có ít nhu cầu cần tìm mua 1 chiếc desktop hoặc laptop hơn.

Thị trường PC hầu như được phân chia thành 3 phân khúc chính: Bình dân, trung cấp và cao cấp.

Và cũng như các sản phẩm khác, cứ cái gì bán được với giá càng cao thì lợi nhuận càng lớn. Khi tablet và smartphone gia nhập cuộc chơi, càng ngày chúng càng đảm nhiệm tốt các chức năng cơ bản như duyệt web, nghe nhạc, xem phim, xử lý công việc văn phòng. Và chính vì đặc điểm ấy, smartphone và tablet đã khiến phân khúc PC giá rẻ bị đe dọa. Thay vì mua 1 chiếc laptop với giá 10 triệu đồng, bây giờ nhiều người có thể bỏ ra ngần ấy tiền để mua 1 chiếc smartphone hoặc tablet cũng đủ khả năng để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhưng lại nhẹ nhàng và tiện lợi hơn.

Như vậy các PC giá rẻ mà HP sản xuất mất đi một mảng thị phần vào tay smartphone, tablet dẫn tới việc nhiều máy phải nằm "hứng bụi" trên kệ hơn và chi phí ế hàng sẽ tăng lên. Những người có nhu cầu mua PC giá rẻ ít đi, còn những ai muốn tìm mua 1 chiếc PC cao cấp lại đang phải đứng trước 1 sự lựa chọn rất hấp dẫn : Apple. 

Với ưu thế về mặt thiết kế, thương hiệu và độ ổn định, các máy tính chạy Mac OS X như Macbook Pro, Macbook Air, iMac... đang dần lọt vào tầm ngắm của những người đang có nhu cầu tìm mua máy tính với ngân sách trên 30 triệu. Áp lực từ các sản phẩm của Apple khiến các laptop phân khúc cao cấp của HP, Dell và phần còn lại của ngành công nghiệp PC nói chung phải cạnh tranh rất vất vả. Như 1 qui luật tất yếu, doanh số giảm thì quảng cáo phải tăng. Điều này lại đẩy cao thêm chi phí quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.

Phải gánh ngần ấy chi phí, lợi nhuận của ngành công nghiệp PC sụt giảm là điều không thể tránh khỏi. Và HP cũng chỉ là 1 trong số những nạn nhân của tablet, smartphone và Apple như bao hãng sản xuất phần cứng khác.

Đến thời gian này thì HP không thể chịu được sự chèn ép này nữa và quyết định phải đi tìm 1 "miền đất hứa" khác, tránh xa mảnh đất PC nơi đang có những cuộc đụng độ ngày càng ác liệt.

Tương lai nào cho HP?

Trước khi tìm câu trả lời cho tương lai của HP, chúng ta lại phải 1 lần nữa nhìn vào quá khứ. Cách đây 10 năm, HP ít được biết đến với tư cách 1 hãng sản xuất PC. Những năm cuối thập niên 90, HP vẫn còn kiếm tiền bằng các sản phẩm như máy tính bỏ túi, máy ảnh, máy quay, máy quét, máy in... nói tóm lại là các công cụ văn phòng. Mảng sản xuất PC của HP chỉ thực sự khởi sắc sau vụ sát nhập Compaq trị giá 25 tỉ USD năm 2002. Các dòng laptop "đinh" của HP như dv, probook cũng chỉ ra đời trong thời kỳ sau này.

Nói như vậy để hiểu rằng, HP đã mua lại Compaq và hãng này cũng có thể bán lại nó cho bất kỳ công ty nào có hứng thú mua lại. Mảng sản xuất PC, mặc dù đóng góp 1 phần rất lớn trong thu nhập của HP, lại không phải là ngành kinh doanh "gốc rễ" của hãng và có thể được sang tay bất cứ lúc nào.

Việc bán lại mảng sản xuất quan trọng để rời bỏ thị trường không phải điều gì mới. Năm 2005, IBM từng bán lại cả mảng sản xuất PC của mình cho Lenovo để chuyển hướng sang kinh doanh phần mềm nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Những ai "có tuổi"1 chút chắc chắn sẽ biết đến cụm từ IBM ThinkPad, vì dòng laptop này trước khi được chuyển thành "Lenovo ThinkPad" đã ra đời dưới bàn tay phát triển của IBM.

Hoặc đơn giản hơn, HP có thể tách riêng mảng sản xuất PC của mình ra thành 1 công ty nhỏ hoạt động độc lập. Cách làm này cũng không phải quá xa lạ với HP khi mà vào năm 1999, HP từng gom góp tất cả các ngành sản xuất "tạp kỹ" không thuộc các lĩnh vực công nghệ và in ấn của mình lại, tách nó ra thành 1 công ty riêng tên gọi là Agilent với giá trị lên tới 8 tỉ USD. Không có gì đảm bảo lần này HP không "bổn cũ soạn lại".

Tuy nhiên việc HP rời bỏ ngành công nghiệp PC hiện tại vẫn chỉ là 1 phương án còn đang được để ngỏ. Sẽ có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyết định này của HP. Mà điều đầu tiên trong số đó là "tiền đâu". HP muốn tái cấu trúc lại ngành sản xuất của mình, chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ và phần mềm. Nhưng 1 công ty với kích cỡ như HP không chỉ đơn giản nói chuyển là chuyển.

Như ước tính, hiện HP đang có 12,7 tỉ USD tiền mặt, và thương vụ mua lại Autonomy, 1 công ty phần mềm với giá 10,2 tỉ USD tiền mặt chắc chắn sẽ là 1 cú đánh rất mạnh vào hầu bao của hãng này. Để bước chân vào 1 thị trường mới, HP sẽ cần đầu tư rất nhiều vào khâu nghiên cứu và phát triển. Mua lại Autonomy chỉ là bước đầu trong kế hoạch chuyển hướng hoạt động của HP và thời gian tới sẽ còn rất nhiều việc cần tiền. 2,5 tỉ USD còn lại chắc chắn là không đủ. Và càng không đủ hơn nữa nếu HP tách mảng sản xuất PC ra thành 1 công ty độc lập.

Vì thế phương án khả thi nhất là HP sẽ bán lại mảng PC cho 1 công ty muốn mua, lấy tiền để phát triển ngành kinh doanh mới. Tuy nhiên ở đây lại nảy sinh 1 vấn đề, ai sẽ là người muốn mua lại HP? Với trị giá mảng PC của HP ước tính là trên 20 tỉ USD, số lượng ứng viên đủ tư cách để mua lại không nhiều. Microsoft và Apple là 2 ứng viên sáng giá nhất vì có ngành sản xuất khá tương đồng và đủ tiềm lực tài chính. Tuy nhiên cả 2 công ty trên đều có vẻ không mấy hứng thú với 1 ngành kinh doanh chỉ đem lại trên dưới 7% lợi nhuận khi mà cả 2 hãng đều đang chiễm chệ với trên 25% lời lãi.

Và vì thế, số phận của mảng PC thuộc về HP đang phải chịu 1 cảnh khá trớ trêu, bỏ thì thương, vương thì tội, bán không ai mua.

Kết

Với động thái mua lại Autonomy và bỏ ra gần hết vốn liếng tích trữ, rõ ràng HP đã và đang muốn tung ra những con bài quyết định với khẩu hiệu: Thay đổi hay là chết! Nếu thương vụ mua lại Autonomy được thông qua, HP sẽ không còn đường nào khác là đâm lao phải theo lao. Sản xuất phần mềm đem lại lợi nhuận lớn nhưng đòi hỏi đầu tư nghiên cứu và thời gian không hề nhỏ, không phải công việc ngày một ngày hai.

Nếu HP muốn làm lãi từ sản xuất phần mềm, chắc chắn những đồng lãi đầu tiên sẽ chỉ đến sau 1,2 năm hoặc thậm chí là còn lâu hơn nữa.

Trong lúc đó, hãng này sẽ phải tập trung cắt giảm tất cả những gì có thể để dồn sức cho phát triển phần mềm. Hiện tại, cái đầu tiên có thể cắt được chính là sản xuất PC.

Thế nhưng câu hỏi về việc ai sẽ là người "rước" hộ mảng sản xuất PC của HP và nếu như không thể bán được nó thì HP sẽ ứng xử như thế nào vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Chúng ta hãy cùng chờ xem sao.

Theo GenK

Từ khóa: