Theo ông Nguyễn Xuân Hồng – Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ thường có giá cao gấp 2 – 4 lần bình thường. (Việt Nam, nông nghiệp, rau hữu cơ, người tiêu dùng, thị trường)
Vì sao rau hữu cơ lại có giá cao 'ngất ngưởng'? (Ảnh minh hoạ)
Nhu cầu tiêu thụ rau hữu cơ ngày càng lên cao
Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ đang được xem là xu hướng của toàn thế giới. Theo Viện nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL) và Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (2016), đến cuối năm 2014 đã có 172 nước sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với tổng diện tích 43,7 triệu ha, chiếm 0,99 diện tích đất nông nghiệp toàn cầu, trong đó 40% ở châu Đại Dương, 27% ở châu Âu, 15% ở Mỹ La Tinh, 8% ở châu Á, 7% ở Bắc Mỹ và 3% ở châu Phi.
Tại Việt Nam, nền nông nghiệp hữu cơ cũng đang được chú trọng khi nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất.
Đưa ra những nhận định về thị trường nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, ông Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, hiện nay các cửa hàng thực phẩm hữu cơ đang tăng nhanh (đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…). Một phần do thực trạng hiện nay, trong hoạt động cung cấp thực phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe con người, kéo nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn lên cao.
Cũng theo ông Mịch, Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng với các quốc gia trên thế giới đồng thời tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do do khu vực và quốc tế như WTO. FTA, TPP…, đã tạo ra cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam.
Rau hữu cơ đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Ảnh minh họa
Đồng tình với quan điểm này, bà Đỗ Ngọc Trâm – Giám đốc Công ty TNHH Green Life Việt Nam cũng cho rằng, hiện nhu cầu tiêu dùng hữu cơ tại Việt Nam đang gia tăng. Nhiều người bắt đầu tìm hiểu sâu về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sự khác biệt giữa sản phẩm hữu cơ và sản phẩm an toàn, phương thức canh tác sản phẩm…
“Một bộ phận khách hàng sẵn sàng trả tiền cao hơn cho các sản phẩm hữu cơ. Thậm chí, khác hàng còn tìm đến các sản phẩm hữu cơ quốc tế có chứng nhận được nhập về Việt Nam bán hoặc các sản phẩm trong nước có chứng nhận hữu cơ quốc tế và sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ có độ tin cậy cao”, bà Trâm nói.
Giá cả khá cao so với các loại rau thông thường
Cũng liên quan đến rau hữu cơ, ông Nguyễn Xuân Hồng – Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, bên cạnh những thuận lợi có được thì cũng không ít khó khăn và thách thức được đặt ra đối với nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Theo ông Hồng, trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng, đặc biệt ở nước ta khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát triển và gây hại. Với những vùng thâm canh cao, trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ trong những năm đầu, năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh do áp lực sâu bệnh còn cao, cân bằng sinh thái bị phá vỡ trước đây cần thời gian để thiết lập lại.
"Phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật, nên nguồn dinh dưỡng khoáng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ dễ dẫn đến rủi ro bùng phát dịch hại và năng suất giảm nhiều. Ngoài ra, do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ thường có giá cao gấp 2 – 4 lần bình thường. Trong nhiều trưởng hợp sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt (ví dụ vẫn có một số đốm bệnh, vết sâu ăn trên sản phẩm…", ông Hồng đưa ra những khó khăn trong sản xuất rau hữu cơ tại Việt Nam.
Đáng chú ý, theo Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, hiện phần lớn các hộ nông dân Việt Nam sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún nên khó khăn trong việc tập trung diện tích để cùng sản xuất hữu cơ. Nhận thức của người sản xuất về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế, vì vậy việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ là một thách thức lớn.
Không những thế, mức sống của người tiêu dùng Việt Nam còn thấp và nhận thức về nông nghiệp chưa cao, nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều năm qua đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng, do đó việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cung cấp thực phẩm cho thị trường nội địa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn không nhỏ về vấn đề tiêu thụ.
Một vấn đề nữa cũng được Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, hiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy, hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ phát triển ở nước ta còn thiếu. Đặc biệt, hiện nay ở nước ta vẫn chưa có chiến lược rõ ràng về phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Yến Nhi
Theo Vnmedia