Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới, cùng Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ, sản xuất bán dẫn cho Samsung Electronics – nhà sản xuất memory chip lớn nhất hành tinh. Lựa chọn Việt Nam thay vì các quốc gia phát triển khác cho thấy nước ta ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn.
Theo đó, Việt Nam áp dụng chiến lược giảm thiểu rủi ro với các mối đe dọa ngoại lai. Bên cạnh chính sách ngoại giao, nước ta không ngừng củng cố năng lực địa phương trong cả ba giai đoạn của chuỗi giá trị chip: thiết kế, chế tạo – lắp ráp và thử nghiệm.
Các chính sách công nghệ và công nghiệp cũng dành ưu đãi lớn đối với những dự án công nghệ cao, bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bán hàng, miễn, giảm tiền thuê đất. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương. Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.
Ưu đãi hào phóng không phải lý do duy nhất để các tập đoàn đa quốc gia đổ hàng tỷ USD vào hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam. Một lợi thế của Việt Nam so với các nước láng giềng là nhân lực kỹ thuật trẻ, tài năng. Hơn 40% cử nhân cao đẳng, đại học tốt nghiệp chuyên ngành khoa học – kỹ thuật. Việt Nam cũng nằm trong 10 nước nhiều cử nhân kỹ thuật nhất thế giới.
Trong bối cảnh chiến lược “bỏ trứng vào một giỏ” bộc lộ rủi ro, các công ty bán dẫn xem Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho chiến lược “Trung Quốc + 1”. Trung tâm sản xuất miền Bắc chỉ cách Thâm Quyến (Trung Quốc) 12 giờ lái xe, bảo đảm gián đoạn ở mức thấp nhất với những ai đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới với 15 hiệp định tự do thương mại, môi trường kinh doanh ngày một cải thiện và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội rõ ràng. Chính sách ngoại giao trung lập cũng là một điểm cộng với những doanh nghiệp công nghệ.
Bức tranh bán dẫn Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Synopsys – công ty hàng đầu về phần mềm thiết kế chip – đang chuyển dịch đầu tư và đào tạo kỹ thuật từ Trung Quốc sang Việt Nam. Amkor Technology của Hàn Quốc ký thỏa thuận năm 2021 để thiết lập nhà máy sản xuất bán dẫn 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh. Gần đây, Intel cũng “bơm” thêm 475 triệu USD cho nhà máy thử nghiệm và lắp ráp tại Việt Nam để sản xuất vi xử lý. Các tập đoàn công nghệ trong nước ra mắt dòng chip bán dẫn riêng. Các dự án như vậy đặt nền móng cho nhiều khoản đầu tư hơn nữa trong tương lai.
Sau thu hút vốn FDI, bước tiếp theo Việt Nam cần làm, theo hai tác giả, là “hội nhập các công ty đa quốc gia vào nền kinh tế”. Việt Nam cũng nên tận dụng nguồn lực và chuyên môn của các nhà đầu tư để thúc đẩy cải tiến trong hệ sinh thái bán dẫn. Thỏa thuận đào tạo thiết kế chip giữa Synopsys và Khu Công nghệ cao Sài Gòn TP Hồ Chí Minh là một bước đi đáng hoan nghênh. Một ví dụ khác là chương trình phát triển nhà cung ứng nội địa của Samsung phối hợp với Bộ Công nghiệp, giúp nhiều nhà cung ứng trở nên cạnh tranh hơn trên trường quốc tế.
Tiến Hoàng/KTDU