Theo MBS, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán: CTG - sàn HOSE) ghi nhận mảng cho vay SME và cho vay khách hàng cá nhân (KHCN) có sự tăng trưởng vượt trội so với mảng khách hàng doanh nghiệp (KHDN) khi đạt tỷ lệ tăng trưởng lần lượt 10,7% và 25,8% so với đầu năm. Hiện tại, tỷ trọng của 2 mảng cho vay này chiếm khoảng 63,8% tổng dư nợ cho vay của CTG, cao hơn so với mức chỉ 57,6% tại cuối quý III/2021 và 59,3% tại cuối năm 2021.
Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank – CTG), Các chuyên gia của Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thu nhập ngoài lãi là một điểm sáng. Trong bối cảnh thanh khoản toàn thị trường tiếp tục căng thẳng trong những quý tiếp theo, thu nhập ngoài lãi (NOI) sẽ là một hướng tiếp cận được các NHTM tập trung nhằm duy trì đà tăng trưởng của TOI cũng như gia tăng ROE. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, NOI hợp nhất của CTG đạt 12.253 tỷ đồng (tăng 55,7% so với cùng kỳ năm trước).
Báo cáo phân tích của MBS cũng cho biết, hiệu quả hoạt động tiếp tục được cải thiện đáng kể. CIR hợp nhất của CTG đã có sự cải thiện đáng kể từ năm 2018 đến nay. Trong năm 2018, tỷ lệ này là 49,5%, một trong những ngân hàng có tỷ lệ CIR cao nhất toàn ngành thì trong 9 tháng 2022 con số này chỉ là 27,3%, nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành (chỉ cao hơn SHB và VPB).
Cũng theo MBS, trong việc quản trị rủi ro của CTG đến từ chính sách trích lập dự phòng rất chủ động trong bối cảnh tỷ lệ nợ dưới chuẩn của ngân hàng vẫn đang trong xu hướng gia tăng. Tại cuối quý III/2021, tỷ lệ LLR của CTG đạt 118,6% khi nợ dưới chuẩn của CTG đạt 2,12%; tỷ lệ này đã tăng lên mức 222,4% tại cuối quý III/2022 (đứng thứ 2 toàn ngành, chỉ sau VCB) khi tỷ lệ nợ dưới chuẩn của CTG đạt 3,22%.
MBS cho biết, MBS duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG với mức giá mục tiêu 38.200 đồng/CP (tăng 40,2% upside).
Như Nguyệt
Theo KTĐU