Khi những dư chấn từ vụ vỡ nợ “khủng” 400 tỷ gần hai năm trước của vợ chồng Quang, Quyên còn chưa kịp lắng dịu, người dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) lại mất ăn mất ngủ với một “cơn bão” mới dự báo có “cường độ” không hề kém cạnh.
Khi những dư chấn từ vụ vỡ nợ “khủng” 400 tỷ gần hai năm trước của vợ chồng Quang, Quyên còn chưa kịp lắng dịu, người dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) lại mất ăn mất ngủ với một “cơn bão” mới dự báo có “cường độ” không hề kém cạnh.
Lần này, sau khi Quách Duy Tuấn (SN 1981) và Hà Thị Kim Huệ (SN 1980) bỏ trốn khỏi địa phương vì không còn khả năng trả nợ, dư luận đồn thổi số lượng tiền (định giá trên cả tài sản lẫn tiền mặt – PV) mà cặp vợ chồng này đã “ngậm” cũng phải lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo tìm hiểu của PV báo GĐ&XH Cuối tuần thì trong vụ vỡ nợ khủng khiếp này, phần lớn nạn nhân đang phải ngậm đắng nuốt cay không ai khác chính là những người anh em họ hàng nội tộc thân cận của con nợ.
Cả họ nhà chồng thành nạn nhân
Từ xa xa nhìn lại, thôn Thúy Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội vẫn nằm đó yên bình, chẳng khác gì những làng quê khác. Nhưng phía bên trong làng, không khí những ngày qua căng thẳng như thể…đang có chiến tranh. Ở bất kỳ quán nước hay góc đường nào, người dân cũng túm năm, tụm ba xì xào về chuyện vợ chồng Tuấn, Huệ bỏ trốn khỏi địa phương vì vỡ nợ. Phần lớn dư luận nơi đây đều sốc nặng, bởi trước khi xảy ra vụ việc tày trời này, người ta từng coi cặp đôi Tuấn – Huệ là hình mẫu hạnh phúc của làng. Không những “giàu có”, lại xuất thân gia giáo, cả hai còn đang là giáo viên đứng trên bục giảng của trường THPT Hồng Thái (huyện Đan Phượng), bản thân Tuấn thậm chí vừa học xong cao học.
Ngôi biệt thự của vợ chồng Tuấn Huệ giờ cũng về tay người khác. Ảnh: N.L
Tìm đến ngôi biệt thự sang trọng của gia đình Tuấn, chúng tôi thấy phía trước cổng đã có hàng chục người đứng ngẩn ngơ, khuôn mặt hốc hác, thất thần. Thoáng thấy PV, một người đàn ông trạc tuổi trung niên, dáng vẻ mệt mỏi cất tiếng hỏi liên hồi: “Chú người ở đâu (?), dính với nó mấy tỷ (?) mà sao bây giờ mới đến. Tôi tưởng nó chỉ lừa anh em người nhà thôi, ai ngờ có cả dân tứ xứ nữa kia à (?)”. Thì ra, người đàn ông này và cả chục chủ nợ đang đứng đây nghe ngóng thông tin, nếu không là chú, cháu, anh, chị thì cũng là người nằm trong nội tộc của vợ chồng Tuấn, Huệ. Vì trót tin lời đường mật của kẻ lừa đảo, họ đã dốc hết tài sản, thậm chí vay mượn bên ngoài hoặc giao cả sổ đỏ cho vợ chồng Tuấn, Huệ. Để đến giờ, khi mọi chuyện vỡ lở, họ mất ăn mất ngủ, bỏ hết công việc đến đây ăn chực, nằm chờ.
Anh Nguyễn Hữu Hòa (SN 1974), anh họ của Tuấn và cũng là nạn nhân cho biết: “Mọi người đều biết nó vỡ nợ từ tháng 11/2012, nhưng không ai làm căng, dẫu sao đều là anh em gia tộc cả. Chúng tôi cũng biết đứng sau giật dây vụ này đều là cái Huệ. Mấy tháng nay, nó trốn đi đâu không rõ nữa”. Hỏi về chuyện vợ chồng Tuấn lừa vay tiền mình, anh Hòa bức xúc kể lại: “Đầu năm 2011, thằng Tuấn với cái Huệ rủ mấy anh em về quê vợ nó ở trên Vĩnh Phúc chơi. Đi qua khu dự án ở Yên Lập, vợ chồng nó bảo: “Chúng em đang đầu tư vào mấy lô đất trên này, kiếm được lắm. Anh chị góp vốn với em lấy vài trăm triệu, sinh lời ngon như bỡn”. Mấy anh em nghe nó nói vậy thì tin theo. Bản thân tôi cũng vay mượn, cắm sổ đỏ lấy gần 1 tỷ, kêu bốn anh chị em bên vợ góp thêm 3 tỷ nữa đưa cho Huệ mua đất”.
Cũng giống như anh Hòa, chị Nguyễn Thị Lan (SN 1970) cũng góp 3,7 tỷ đồng và một sổ đỏ 92 m2 để Huệ mua lô “đất hơi” trên Yên Lập. “Đến nhà tôi chơi, cái Huệ dỗ ngon dỗ ngọt rằng: “Em thấy anh chị làm ăn vất vả mà chẳng được bao nhiêu. Chi bằng anh chị góp vốn với em, mỗi tháng có khi được mấy trăm triệu”. Tin lời, vợ chồng tôi vay hết bên nội, lại chạy sang bên ngoại lấy tiền cho nó đầu tư. Thỉnh thoảng, nó về báo là được lãi bao nhiêu, nhưng chưa một lần nào vợ chồng tôi nhận được 1 đồng. Thậm chí, cả hình thù mảnh đất hùn vốn mua cùng vợ chồng Huệ, chúng tôi cũng chưa từng được biết”.
Cũng theo các chủ nợ, thì khi được Huệ kêu gọi góp vốn đầu tư bất động sản, họ đều tin tưởng tuyệt đối “đại gia” lừa đảo này. Không những giao hết tài sản, tiền bạc, họ còn để cho Huệ được toàn quyền kinh doanh. Thi thoảng, để tạo niềm tin, Huệ có thông báo tình hình tài chính, rồi dùng số vốn đó xoay vòng phục vụ mục đích cá nhân. Toàn bộ các giao kèo vay mượn, góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản, Huệ đều thực hiện với các nạn nhân thông qua giấy tờ viết tay, nội dung thể hiện hết sức sơ sài. Bên cạnh đó, theo chúng tôi tìm hiểu, ngoài kêu gọi anh chị em bên gia đình chồng góp vốn đầu tư mua bất động sản, Hà Thị Kim Huệ còn vay mượn đáo hạn ngân hàng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Anh Hùng mất nhà vì cho Tuấn mượn sổ đỏ đáo hạn ngân hàng. Ảnh: N.L
Anh Đông Văn Hùng (42 tuổi), người cho vợ chồng Tuấn Huệ mượn sổ đỏ cắm lấy tiền đáo hạn ngân hàng để đến giờ mất luôn cả đất, cho biết: “Hai vợ chồng nhà này (Tuấn và Huệ - PV) kêu mọi người góp vốn làm ăn hay vay mượn tiền đều chỉ một kịch bản: “Em đang đầu tư vào mấy dự án, giờ thiếu mất một ít, anh chị góp vốn làm với em. Việc này chỉ mấy anh chị em mình biết thôi”. Nghe thế nên mọi người tin tưởng, không ai nói với ai, cứ âm thầm góp vốn kinh doanh bất động sản với Tuấn Huệ. Việc làm ăn với nhau chỉ có thỏa thuận bằng “giấy cam kết”, “giấy chung tiền”, còn giấy tờ lô đất như thế nào, chúng tôi không ai được biết. Thỉnh thoảng Huệ thông báo, bán mảnh này và mua mảnh kia”.
Việc làm ăn với nhau được thoả thuận bằng “giấy cam kết”, “giấy chung tiền”. Ảnh: N.L
Anh Quách Duy Tài (SN 1975, Thúy Hội), anh họ của Tuấn bức xúc nói: “Anh em nội ngoại dòng họ Quách cũng phải đến nửa làng Thúy Hội. Chuyện vỡ lở mới biết, gia đình nào cũng bị “dính”, nhà ít thì 1 tỷ, nhà nhiều thì 4 đến 5 tỷ. Dân quê đều làm nông nghiệp, số tiền cho vợ chồng Tuấn Huệ vay, góp vốn đầu tư đất đai một phần là tài sản mọi người tích cóp bao năm, còn lại đều đi vay mượn. Giờ vợ chồng nó “vỡ”, cả họ khốn đốn theo”.
Chiêu trò của nàng dâu
|
Nỗi đau sau cú sốc
Nói về chuyện nợ nần của con trai, con dâu, ông Quách Duy Phấn tủi thân tâm sự: “Việc chúng nó mua đất mua cát, mãi đến cuối năm 2011 tôi mới biết. Tôi cũng khuyên chúng nó làm ăn cẩn thận. Giờ mọi chuyện vỡ ra rồi, tôi đau lắm bởi ngoài nợ dân xã hội, thì vợ chồng nó toàn vay mượn anh em bên nội, bên ngoại nhà tôi”. Cú sốc quá lớn khiến sức khỏe ông Phấn hiện rất suy sụp. Dù thế, khi chuyện nhà đến nông nỗi này, ông cũng ráng đến từng nhà anh em, họ hàng để thay con xin lỗi mọi người. Ông bảo: “Vợ chồng nó nợ mọi người tiền bạc. Còn tôi, tôi nợ anh em họ hàng cái tình, cái nghĩa. Chắc cả đời này, tôi cũng không trả hết món nợ ấy được”.
|
|
Ba tháng trước, chị Trần Thị Tú Lệ (SN 1975, thôn Thúy Hội) có đơn tố cáo lên cơ quan công an huyện Đan Phượng về việc góp vốn với Hà Thị Kim Huệ mua đất, nay rút vốn nhưng Huệ không có khả năng thanh toán. Chính từ trường hợp này, vụ vỡ nợ số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng của vợ chồng Tuấn, Huệ mới bung bét. Khi chuyện đã “hai năm rõ mười”, anh em gia tộc họ Quách chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm với nhau, bởi họ hóa ra đều cùng “sắm vai” nạn nhân trong “vở kịch” được dàn dựng sẵn của vợ chồng Tuấn, Huệ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao mới hai năm trước, hàng loạt vụ vỡ nợ số tiền lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ trên địa bàn Hà Nội đã được các cơ quan truyền thông đăng tải mà nhiều nạn nhân vẫn dễ dàng biến mình thành “cừu non” trong tấn bi kịch này (?). Theo một số chủ nợ (hay nạn nhân – PV) đắng đót tâm sự, thì họ đều tin tưởng vợ chồng Huệ, Tuấn là anh em nội tộc nên sẽ không “nỡ lòng nào lừa mình”. Bên cạnh đó, trong suốt khoảng thời gian trước khi vỡ nợ, Tuấn tỏ ra là người sống phóng khoáng, thường xuyên chi “rộng tay” giúp đỡ anh em lúc khó khăn. “Bản thân Tuấn lại xuất thân gia giáo, bố làm y sĩ, em theo ngành kiến trúc. Hai vợ chồng “đại gia” này đều là giáo viên cấp 3, trong khi Tuấn còn có bằng Thạc sĩ và nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi môn hóa học”, anh Đông Văn Hùng lý giải.
Để mọi người tuyệt đối tin tưởng, ngoài việc lợi dụng xuất thân, nghề nghiệp, thì năm 2011, vợ chồng Tuấn, Huệ còn đầu tư mua liền một lúc 4 miếng đất trong xã Tân Hội với giá trị hơn 8 tỷ đồng. Đến năm 2012, dù không còn khả năng thanh toán nợ nần, Tuấn vẫn chi 40 triệu đồng mua bộ hồ sơ đấu thầu mảnh đất giãn dân phía sau UBND xã và thắng thầu với 17 triệu/1m2. Nhưng sau khi thắng thầu, hai vợ chồng “đại gia” lừa đảo đã bỏ không mua nữa”.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 20 lá đơn tố cáo với nội dung cho vợ chồng Tuấn, Huệ vay tiền, mượn sổ đỏ và chung vốn làm ăn đến nay không có khả năng thanh toán với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Anh Hùng cho biết: “Số tiền thực tế có thể lên tới 100 tỷ, bởi có rất nhiều người chưa gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng vì nể tình anh em họ hàng. Ngoài tiền vay mượn, nhà nó cũng mất hết mà”.
Không có chuyện cơ quan điều tra bắt vợ chồng Tuấn, Huệ
Chiều 13/7, PV báo GĐ&XH Cuối tuần nhận được một số thông tin từ người dân thôn Thúy Hội cho biết cơ quan điều tra đã về địa phương đọc lệnh bắt giữ đối với vợ chồng thầy giáo Quách Duy Tuấn và Hà Thị Kim Huệ. Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại, Đại tá Bùi Xuân Trường (Trưởng Công an huyện Đan Phượng) đã phủ nhận thông tin này. “CQĐT đang tiến hành thu thập thông tin, điều tra xác minh xem đây là một vụ lợi dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tranh chấp có thoả thuận về lãi suất”, ông Trường nói.
|
Lê Nguyễn
theo GĐ&XH