Việc Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dùng máy hiện ảnh trường cộng hưởng (RFI) kiểm tra khả năng gây cháy của bé T., đo “hào quang” trong não làm dư luận hoài nghi.
Việc Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dùng máy hiện ảnh trường cộng hưởng (RFI) kiểm tra khả năng gây cháy của bé T., đo “hào quang” trong não làm dư luận hoài nghi.
Thiết bị hiện ảnh trường cộng hưởng (RFI).
Ngày 15-5, đoàn nghiên cứu của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đến nhà bé T. nghiên cứu, đo “hào quang” trong não bé T., sau đó PGS-TS sử học Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố bé T. là tài sản quý giá... Sau đó, nhà cảm xạ Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Cảm xạ địa sinh học - Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết ngày 16-5, trường đã cử một nhà cảm xạ học đưa rước cháu T. (người có khả năng gây cháy) để theo dõi khả năng của cháu bé. Nhưng từ khi có nhân viên cảm xạ theo dõi thì không có một vụ cháy nào xảy ra.
Dư luận hoài nghi những phát biểu của PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng và cả máy RFI.
RFI phát hiện “hào quang” của não (!)
Theo ông Dư Quang Châu, khi dùng thiết bị RFI đo bán cầu não của cháu bé thì phát hiện “hào quang”. Đây là biểu hiện của tuýp người thích mình đặc biệt để được nhiều người quan tâm… Do vậy không loại trừ khả năng cháu bé tự đốt cháy chứ không phải cháu có khả năng gây cháy. Ông Châu cũng cho biết về thông tin bán cầu não phải của cháu T. có vệt đỏ cho thấy não phải đang phát triển là chưa chính xác.
Theo ông Châu, thiết bị RFI (Resonant Field Imaging) được nhập từ Mỹ do hãng ITEM (Innovation Technologies Medicine) sản xuất. Các hình ảnh trong não bộ do RFI phát hiện nhằm diễn giải chi tiết về năng lượng của não tại từng vị trí cụ thể. Máy đo chung quanh, cách bề mặt cơ thể khoảng 3 cm. Từng khu vực, máy cho các chỉ số khác nhau, thể hiện bằng 15 màu sắc. Các chỉ số sẽ được đưa vào phần mềm của máy tính để diễn giải và cho ra kết quả. Trong trường hợp cháu T., máy RFI đo “trường hào quang”.
Chưa từng nghe nói về RFI
PGS-TS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, cho biết mặc dù đã có hàng chục năm làm công tác điều trị và giảng dạy về chẩn đoán hình ảnh trong y khoa nhưng ông chưa từng nghe về loại máy đo “hào quang” con người RFI. Ngay cả các tài liệu y khoa chính thống cũng chưa thấy nhắc đến loại máy này.
Hiện nay, chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiệu quả và phổ biến trên thế giới, giúp tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể nhờ sử dụng từ trường và sóng radio. Ngày nay, MRI được sử dụng để kiểm tra gần như mọi cơ quan trong cơ thể. Theo ông Thông, việc kiểm tra cơ thể phát nhiệt có thể sử dụng các loại máy đo nhiệt bằng hồng ngoại. Với trường hợp cháu T., khó tìm được loại máy móc nào có thể đo được nguồn năng lượng trong cơ thể.
Theo bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa TPHCM (Medic - một trong những cơ sở chuyên sâu về trang thiết bị kỹ thuật cao trong chẩn đoán y khoa), ông rất am hiểu về máy MRI, còn máy đo hào quang RFI thì ông rất lấy làm lạ. Cũng theo bác sĩ Hải, theo hiểu biết của ông, ở các cơ sở y tế tại Việt Nam cũng chưa từng có loại máy RFI này.
Một số bác sĩ làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh cũng rất ngạc nhiên khi nghe nói về loại máy đo “hào quang” bởi theo họ, ngay cả trong quá trình học tập và nghiên cứu về bộ môn chẩn đoán hình ảnh cũng không có tài liệu nào nói rằng cơ thể con người có thể phát ra “hào quang” một cách tự nhiên nếu như không có tác động từ bên ngoài.
Theo NLĐ