Theo thông tin do Sở Y tế TP.HCM cung cấp, thì các sản phẩm nhãn hiệu Sắc Mộc Lan mà Báo Đời sống & Tiêu dùng đã phản ánh có dấu hiệu giả mạo sản phẩm của doanh nghiệp khác, làm dấy lên nghi vấn các sản phẩm này được sản xuất “chui” rồi bán ra ngoài thị trường.
Trong các số báo trước, Báo Đời sống & Tiêu dùng đã phản ánh về nghi vấn doanh nghiệp Sắc Mộc Lan mượn Phiếu công bố mỹ phẩm của đơn vị khác gắn ghép vào sản phẩm của mình và có dấu hiệu sai phạm khi ghi lên nhãn những từ ngữ “nhập nhèm” giữa thuốc với mỹ phẩm. Theo đó, tại 1 số tài khoản Facebook kinh doanh online, có hình ảnh sản phẩm nhãn hiệu Sắc Mộc Lan cùng 1 Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Sở Y tế TP.HCM cấp vào ngày 09/1/2018.
Bao bì các sản phẩm mà phóng viên đặt mua ghi sản xuất tại: Cơ Sở Kinh Doanh Sắc Mộc Lan. Địa chỉ: 119/43, khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương” còn quét mã vạch lại xuất hiện thông tin: “Hộ kinh doanh mỹ phẩm Sắc Mộc Lan, địa chỉ 297/28/14 Phan Huy Ích, P.14, Q.Gò Vấp, TP.HCM”.
Tuy nhiên, theo UBND Q.Gò Vấp và Tổng cục Thuế thì bà Đặng Thị Anh đã ngừng hoạt động Hộ kinh doanh và đóng mã số thuế từ cuối tháng 3 năm 2018. Sau đó, bà này thành lập Công ty TNHH Sắc Mộc Lan, tại địa chỉ 11A Hồng Hà, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM.
Khi phóng viên đến trụ sở chính của công ty này thì đây là 1 tòa nhà có dịch vụ cho thuê “Văn phòng ảo”. Nhân viên lễ tân xác nhận có Công ty TNHH Sắc Mộc Lan hoạt động nhưng không có người đại diện pháp luật tại đây và đề nghị phóng viên để lại thông tin nhưng nhiều ngày trôi qua vẫn không có hồi âm.
Do không liên hệ được người đại diện pháp luật của công ty Sắc Mộc Lan, phóng viên đã đến Sở Y tế TP.HCM đề nghị cơ quan này cung cấp thông tin nhằm làm rõ những dấu hiệu sai phạm.
Sau khi xem xét, Sở Y tế TP.HCM ban hành công văn số 4770/SYT-VP, cho biết: “Sở Y tế đã cấp số công bố 000167/18/CBMP-HCM cho sản phẩm ‘Sắc Mộc Lan – Tinh chất giúp tái tạo da’ do Chi nhánh Công ty TNHH mỹ phẩm Nhật Việt là nhà sản xuất và Công ty Cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu Dược phẩm Quốc tế Ngô Gia Phát là tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường”.
Do đó, Công ty TNHH Sắc Mộc Lan, Hộ kinh doanh mỹ phẩm Sắc Mộc Lan hay Cơ sở kinh doanh Sắc Mộc Lan đều không phải nhà sản xuất và đơn vị chịu trách nhiệm đưa ra thị trường sản phẩm này. Vậy, có phải các đơn vị này đang giả mạo sản phẩm của doanh nghiệp khác để kinh doanh?
Hay là Chi nhánh Công ty TNHH mỹ phẩm Nhật Việt và Công ty Cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu Dược phẩm Quốc tế Ngô Gia Phát không thật sự sản xuất, phân phối sản phẩm mà chỉ đứng tên trên phiếu công bố?
Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến làn da phải tốn rất nhiều chi phí điều trị nhưng cũng không khỏi hẳn, do sử dụng phải mỹ phẩm “dỏm” của những đơn vị sản xuất “chui” được quảng cáo rầm rộ, bán tràn lan trên thị trường.
Trường hợp này, người tiêu dùng phải đến đâu để khiếu kiện và doanh nghiệp nào chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Bởi, chỉ trong một sản phẩm mà bao bì, mã vạch và phiếu công bố lại thể hiện tên, địa chỉ của rất nhiều doanh nghiệp khác nhau.
Căn cứ quy định pháp luật, đối với những dấu hiệu sai phạm của sản phẩm Sắc Mộc Lan thì các đơn vị đang kinh doanh sản phẩm này có thể bị cơ quan chức năng phạt tiền và buộc tiêu hủy sản phẩm.
Do đó, để cơ quan chức năng có cơ sở xử lý, phóng viên Báo Đời sống & Tiêu dùng đã cung cấp thông tin cụ thể về sản phẩm, tên doanh nghiệp, địa chỉ, các dấu hiệu sai phạm của đơn vị kinh doanh sản phẩm Sắc Mộc Lan đến Sở Y tế TP.HCM.
Như vậy, việc còn lại là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó có Sở Y tế TP.HCM trong việc kiểm tra, xử lý sai phạm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Báo Đời sống & Tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Hồ Ninh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng