Sự kiện hot
7 năm trước

Vụ xe khách tông xe cứu hoả trên cao tốc: Được đi ngược chiều nhưng phải có hướng dẫn cụ thể

Trong vụ tai nạn xe khách tông xe cứu hoả, theo LS Bùi Phương Lan, quy định “Được phép đi vào đường ngược chiều” và “Được phép đi ngược chiều trên đường cao tốc” cần phải có những hướng dẫn, quy định cụ thể.

Liên quan đến vụ việc xe khách đâm vào xe cứu hỏa đang đi làm nhiệm vụ, chạy ngược chiều trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dẫn đến hậu quả nhiều người bị thương vong, có nhiều quan điểm khác nhau về lỗi của các bên liên quan.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Bùi Phương Lan - phó trưởng văn phòng luật sư Danh Chính (Đoàn Luật sư Hà Nội) về vấn đề này.

Luật sư Bùi Phương Lan

Luật sư Bùi Phương Lan nói: "Xét theo quan điểm lái xe khách có lỗi thì cho rằng căn cứ Luật giao thông đường bộ, xe cứu hỏa đang đi làm nhiệm vụ là xe ưu tiên, được phép đi vào đường ngược chiều, các phương tiện đang tham gia giao thông phải có nghĩa vụ nhường đường. Người lái xe khách đã thiếu quan sát, không nhường đường nêu đã dẫn đến vụ tai nạn.

Xét theo quan điểm lái xe cứu hỏa có lỗi thì cho rằng, mặc dù xe cứu hỏa đang đi làm nhiệm vụ là xe ưu tiên, nhưng việc lái xe cứu hỏa lựa chọn phương án chạy cắt ngang đường cao tốc để vào và chạy ngược chiều trên làn đường cao tốc là quá nguy hiểm, không đúng quy định.

Với sự xuất hiện đột ngột của chiếu xe cứu hỏa, với tốc độ đang di chuyển trên đường cao tốc, trong điều kiện trời mưa, mặt được trơn trượt, việc chiếc xe khách không thể xử lý được dẫn đến va chạm là điều không thể tránh khỏi".

Bà Lan cho rằng khi giải quyết vụ án này, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét sự việc một cách toàn diện, công bằng, khách quan, không chỉ đảm bảo quyền lợi chính đáng của những người liên quan, điều quan trọng cần hướng tới là rút kinh nghiệm, phòng, tránh được những sự việc tương tự xảy ra sau này.

Bởi trong thời gian vừa qua, chúng ta khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống đường cao tốc trong cả nước. Các quy định của pháp luật liên quan đến vận hành, sử dụng đường cao tốc còn nhiều điểm bất cập, và đó chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến vụ việc.

Mặc dù Luật giao thông đường bộ quy định xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều …

Quy định này là đúng và cần thiết, để tạo điều kiện cho các xe ưu tiên khi thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên quy định “Được phép đi vào đường ngược chiều” và “Được phép đi ngược chiều trên đường cao tốc” cần phải có những hướng dẫn, quy định cụ thể.

"Quan sát clip ghi lại hình ảnh vụ tai nạn, cách lựa chọn phương án di chuyển cắt ngang đường để vào chạy ngược chiều trên làn đường cao tốc (100 km/h) của người lái xe cứu hỏa, có quan điểm cho rằng: Nếu như chiếc xe khách không đâm vào xe cứu hỏa khi đang sang đường thì trong quá trình xe cứu hỏa di chuyển ngược chiều trên làn đường cao tốc, sẽ có xe khác đâm vào, hoặc nếu không đâm vào thì các xe sẽ phải phanh, giảm tốc độ đột ngột trên đường cao tốc, điều đó tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn liên hoàn, hậu quả có thể còn thảm khốc hơn.

Việc chạy ngược chiều trên làn đường cao tốc là quá nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ không chỉ cho xe ưu tiên mà còn cho các xe khác đang lưu thông trên được cao tốc.

Chính vì điều này, khi thiết kế đường cao tốc, người ta đã thiết kế làn đường dừng khẩn cấp.

Đây là làn đường đóng vai trò là nơi dừng, đỗ xe khẩn cấp khi xe bị hỏng hoặc là làn đường dành cho các xe công an, cấp cứu, cứu hỏa di chuyển trong trường hợp khẩn cấp, làn đường này được bố trí ở bên phải, ngoài cùng các làn đường.

Quan sát clip ghi lại hình ảnh vụ tai nạn, chúng ta thấy rằng nếu người lái xe cứu hỏa lựa chọn phương án di chuyển trên làn đường dừng khẩn cấp thì vẫn sẽ đến được nơi thực hiện nhiệm vụ mà không xảy ra vụ tai nạn", bà Lan phân tích.

Vị LS này khẳng định: "Từ vụ việc trên, bên cạnh việc xem xét lỗi, trách nhiệm của các bên liên quan, các Cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật, có những hướng dẫn cụ thể đối với việc vận hành, sử dụng đường cao tốc".

Tuệ Minh
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: