Không chịu nổi cảnh lao động trong môi trường khắc nghiệt, anh Sơn Bồ Rót (25 tuổi, quê Sóc Trăng) và một người bạn cùng làm quê ở Cà Mau rủ nhau trốn thoát “địa ngục trần gian” của ông Trần Tấn Phong...
Không chịu nổi cảnh lao động trong môi trường khắc nghiệt, anh Sơn Bồ Rót (25 tuổi, quê Sóc Trăng) và một người bạn cùng làm quê ở Cà Mau rủ nhau trốn thoát “địa ngục trần gian” của ông Trần Tấn Phong (51 tuổi, chủ cơ sở xẻ gỗ ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) bằng cách bơi qua hồ Cần Nôm.
Hậu quả, anh Rót bị chết đuối. Đứng thắp nén hương bên bờ hồ cho con, người mẹ đau khổ khóc nghẹn không thành lời…
Từ trái qua: Mẹ, em trai và bà ngoại của anh Rót bức xúc về cái chết của con mình. Ảnh: DN
Cuộc “vượt ngục” định mệnh
Cách TP HCM gần 100 km, cơ sở cưa xẻ gỗ của ông Trần Tấn Phong nằm cạnh hồ Cần Nôm, xã Thanh An, tồn tại hơn 10 năm qua. Với thủ đoạn bóc lột công nhân theo kiểu cường hào ác bá thời phong kiến, ông Phong bắt tay với “cò” môi giới lao động ở 2 Bến xe Miền Tây, Miền Đông TP HCM đưa những người lao động về cơ sở của mình. Đối tượng ông Phong tuyển vào phần lớn là người dân tộc Khơme, có trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế.
Sau khi công nhân vào cơ sở, ông Phong lấy hết giấy tờ tùy thân, điện thoại đi động để họ không thể liên lạc được với “thế giới” bên ngoài. Chỗ ở của các công nhân là khu nhà ọp ẹp, được hàn kín bởi những khung sắt kiên cố, không có nhà vệ sinh. Buổi tối, khi mọi người chui vào ngủ, ông Phong khóa cửa bên ngoài và đưa mỗi người một cái bô nhựa để đi vệ sinh trong đêm.
Theo điều tra của PV Báo GĐ&XH, lực lượng công nhân làm cho ông Phong còn rất trẻ, có em chưa đến 18 tuổi. Hằng ngày, những “nô lệ” nơi đây phải thức dậy từ 4 giờ để dọn dẹp phòng ngủ. Họ được cho ăn sáng bằng mì gói nhưng cuối tháng bị trừ vào lương. Công nhân vào xưởng làm việc từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa và 13 giờ lại tiếp tục làm việc đến 17 giờ, có hôm công nhân phải tăng ca đến 19 giờ mới được phép nghỉ ngơi. Nhất cử nhất động của công nhân lúc làm việc đều được giám sát bằng 8 camera.
Chính vì làm việc trong môi khắc nghiệt như vậy nên nhiều công nhân làm ở cơ sở này không quá 1 tháng là tìm cách bỏ trốn. Anh Rót và người bạn cũng vậy, trưa ngày 26/5 vừa qua, trong lúc ăn cơm trưa, hai người lên kế hoạch thoát khỏi cơ sở này bằng cách bơi qua hồ. Khi bơi gần tới bờ bên kia, anh Rót đuối sức nên bị chết đuối, sau đó được người dân vớt được xác. Điều mà dư luận phẫn nộ là ngay sau khi cái chết của anh Rót xảy ra, người dân và cơ quan chức năng không cách nào liên lạc được gia đình nạn nhân. Vì trong danh bạ, ông Phong đã xóa hết số liên lạc của anh Rót, phải đến một ngày sau gia đình anh Rót mới nhận được hung tin. Ngày 4/7, Công an huyện Dầu Tiếng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông chủ cơ sở cưa xẻ gỗ này với hành vi “giữ người trái pháp luật”.
Trần Tấn Phong tại cơ quan công an.
Mẹ bệnh tật, em mù lòa
|
Như GĐ&XH đưa tin, chiều 4/7, Công an huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp báo công khai quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và đã tiến hành bắt khẩn cấp ông Trần Tấn Phong (51 tuổi, chủ cơ sở gỗ, ngụ tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) về hành vi “Giữ người trái pháp luật” và “Ngược đãi người lao động”. Thiếu tá Hồ Văn Dũng, Phó Công an huyện Dầu Tiếng cho biết, ông Phong bị tạm giam ba tháng để phục vụ điều tra.
|
|
Chúng tôi có mặt tại bờ hồ nơi nạn nhân Rót chết đuối, từng cơn mưa nặng hạt đầu mùa luôn táp vào da thịt. Tiếng khóc của người thân gia đình anh Rót hòa cùng tiếng mưa như làm không khí khu vực thêm ảm đạm. Từ khi nghe hung tin đứa cháu mất, bà Trần Thị Ca (64 tuổi, bà ngoại anh Rót) vội vã hối thúc con gái Lâm Thị Lệ (48 tuổi, mẹ của anh Rót) và cháu trai mù lòa Sơn Xê Nát (19 tuổi) đi mượn tiền hàng xóm để cả 3 mẹ con, bà cháu từ ấp Xung Thum A, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đón xe đò lên huyện Dầu Tiếng, Bình Dương để nhận xác của anh Rót. Tới nơi, cả ba người được một hộ dân ở ấp Cà Tong, xã Thanh An cho tá túc để làm thủ tục các buổi cầu siêu cho linh hồn của anh Rót.
Đoạn hồ nơi anh Rót tử vong vốn dĩ yên ả hàng chục năm qua bỗng nhiên dậy sóng. Hàng trăm người dân đến thắp nén hương để mong linh hồn anh Rót được siêu thoát. Chứng kiến cảnh bà cụ ở cái tuổi bên kia sườn dốc cùng người phụ nữ gầy gò đang ôm đứa con trai mù lòa khóc lóc và luôn miệng gọi tên “Rót ơi!” khiến chúng tôi không khỏi nhói lòng.
Giàn giụa nước mắt, bà Ca nói: “Lệ có 3 đứa con, ngày đứa em gái út của Rót chưa kịp bỏ bú thì cha nó đã đi về thế giới bên kia, giờ con bé cũng đã có chồng rồi. Mấy năm nay Lệ bị viêm gan, loét dạ dày nên mất sức lao động. Còn thằng Xê Nát 5 năm trước đi hái dừa mướn cho người ta rồi bị té, sau tai nạn Nát bị chấn thương thần kinh dẫn đến mù cả hai mắt. Thằng Rót là lao động chính trong nhà, mỗi tháng thằng nhỏ ở thành phố tằn tiện gởi về quê 2 triệu đồng để phụ giúp cho gia đình. Thằng Rót hiền lành, có hiếu lắm, nhưng không ngờ số nó lại đoản mệnh như vậy”.
Chị Lệ ngồi thờ thẫn bên bờ hồ như người mất hồn, có lẽ đến giờ chị không tin đứa con trai của mình bị chủ làm chèn ép đến mức phải bơi sông để trốn thoát. Mấy ngày qua, chị Lệ không chợp được mắt, đôi mắt quầng thâm của chị cũng không còn lệ để tuôn trào. Nói lơ lớ tiếng Kinh, chị Lệ bức xúc: “Là mẹ tôi biết tính của con, nó siêng năng, chịu cực lắm! Cái chết của thằng nhỏ là do bị ông Phong bóc lột sức lao động quá mức nên nó mới tìm cách bơi qua cái hồ này để trốn thoát. Nó làm công chứ là nô lệ đâu mà ban ngày dùng camera theo dõi, ban đêm nhốt vào căn phòng ọp ẹp như phạm nhân trong tù vậy? Căm phẫn hơn là ông Phong còn tịch thu điện thoại của Rót, để nó không liên lạc được với gia đình nữa chứ”. Nói đến đây, chị Lệ ôm mặt khóc nghẹn không thành tiếng.
Hồ Cần Nôm, nơi anh Rót cố gắng bơi qua bờ bên kia và tử vong. Ảnh: ĐB.
Dân sợ “thế lực ngầm”
Từ khi ông Phong bị Công an huyện Dầu Tiếng tạm giam, người dân 2 ấp Cà Tong và Thanh Tân mới dám đứng ra tố cáo hành vi “ác bá” của ông chủ xưởng cưa gỗ này. Nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, người dân vẫn dè chừng, vì họ sợ “thế lực ngầm” nào đó của ông Phong sẽ tìm đến nhà trả thù.
Anh H, ngụ ấp Thanh Tân nói: “Nhiều năm qua, người dân ở đây cứu rất nhiều công nhân tìm cách trốn thoát khỏi cơ sở cưa gỗ của ông Phong. Mỗi khi phát hiện có người làm công trốn thoát, ông Phong thường cùng người nhà dắt chó và gậy gộc đi lùng trong vườn cao su để tìm. Thường họ bị tịch thu tiền bạc, điện thoại nên không liên lạc được với người thân. Có lần người dân ở ấp này bắt gặp một phụ nữ trốn thoát khỏi cơ sở ông Phong và cố gắng lết vào nhà dân để xin chén cơm nuốt khỏi cơn đói”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong các vụ tìm kiếm công nhân trốn thoát, để qua mắt người dân, gia đình ông Phong gán cho công nhân tội trộm tiền, vàng… Lúc đầu, người dân tưởng thật, nhưng sau đó họ nhận ra đấy chỉ là trò mèo của gia đình ông Phong, tuy vậy họ vẫn không dám can thiệp, vì sợ bị vạ lây. Nhiều người cho rằng, sự lộng hành của ông chủ xưởng cưa này có sự tiếp tay của ai đó ở địa phương(?). Vì trước đó, người dân có báo cáo cho chính quyền về mối nghi ngờ “cưỡng bức lao động” bên trong xưởng cưa gỗ này, nhưng họ chỉ nhận lại sự lặng thinh. Sau cái chết của anh Rót, họ không cầm lòng được nữa, họ muốn lên tiếng để kẻ ác phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Du Nguyễn
theo GĐ&XH