Nuôi giấc mộng giàu sang, nhiều người dân vùng rẻo cao dù sợ hãi, ớn lạnh khi chứng kiến cái chết của bạn nhưng vẫn bất chấp.
Nuôi giấc mộng giàu sang, nhiều người dân vùng rẻo cao dù sợ hãi, ớn lạnh khi chứng kiến cái chết của bạn nhưng vẫn bất chấp.
Vụ sập hầm vàng tại bản Văng Môn, xã Nga My, Tương Dương, Nghệ An, có 3 người chết và 7 người bị thương. Đến hôm nay, vẻ thất thần vẫn còn in rõ trên khuôn mặt của một số nạn nhân sống sót.
Chị Lo Thị Nga là một trong những người chịu nhiều mất mát trong vụ sập hầm. Cả bố và chồng đều chết trong vụ sập hầm này, bản thân chị giờ vẫn còn đi tập tễnh vì bị đất vùi. Chị vừa ngẹn ngào vừa kể lại cảnh tượng không thể quên.
Bình thường vào giờ nghỉ trưa, cả nhóm sẽ dừng tay ăn cơm nhưng hôm đó ai cũng mải miết làm. Đến khoảng 12h, ông Lo Văn Hòa (bố chị Nga) và chồng chị là Lo Văn Tú phải chui xuống dưới sâu hầm khai thác để giữ vòi và nhặt đá.
|
Hiện trường sập hầm khai thác vàng sa khoáng
|
Trong lúc mọi người đứng trên bờ đang hỗ trợ vận chuyển đá từ dưới hầm lên thì bất ngờ một khối đất trên đầu ập xuống. Thời điểm này chị Nga chỉ kịp hét lên một tiếng rồi bị vùi trong đất cát và nước. Vì chị đứng trên cùng nên đất chỉ vùi đến ngang bụng.
Ngước nhìn sang xung quanh, chị thấy mẹ, còn tất cả mọi người đều bị ngập trong đất và nước. Người thì thấy đầu, người thì thấy tay, mọi người cố nhoi lên nhưng bất lực.
Khoảng mấy phút sau, những người dân khác chạy đến cào đất và kéo từng người lên, nhưng đáng buồn là 3 nạn nhân đang vĩnh viễn mang theo giấc mộng giàu sang dưới miệng hầm vàng.
|
Chị Lo Thị Nga thất thần kể lại lúc sập hầm vàng
|
Ông Lo Văn Năm là người đầu tiên chạy xuống cứu những người bị nạn trong vụ sập hầm nhớ lại: “Lúc đó tôi đang đi làm về, vì hố vàng nằm khá gần đường nên nghe rõ tiếng sập và tiếng mọi người hét kêu cứu”.
Vừa nghe thấy tiếng kêu cứu, ông Năm chạy vội xuống mép khe. Lúc xuống đến nơi tôi chen vào đám người cố kéo các nạn nhân. Tuy nhiên, do hố sâu nên việc cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.
Đến lúc này, mỗi khi nhớ lại thời khắc đau thương ấy, đôi mắt sâu hoắm của ông Năm nhỏ lệ. Ông bảo, cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh của bà con nghèo rẻo cao, vì nương rẫy chưa đến mùa thu hoạch nên tranh thủ rủ nhau đi khai thác vàng sa khoáng mưu sinh. Vậy nhưng, giấc mộng giàu sang đã chôn chặt trong nấm mồ cỏ dại.
Ông Lô Văn Thái, trưởng bản Văng Môn cho biết: “Trong những lần họp làng, ban quản lý làng cũng đã thông báo nhiều về vấn đề không được khai thác vàng trái phép, nhưng vì đời sống quá khăn, nên họ tự ý rủ nhau làm. Hố vàng này cũng mới được khai thác vài hôm nay nên chúng tôi chưa kịp can thiệp”.
|
Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người dân chấp nhận đánh đổi tính mạng
|
Thực tế là nhiều năm qua trên địa bàn xã Nga My, tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra thường xuyên. Nơi đây chính là điểm nóng của huyện Tương Dương về tình trạng người dân đổ xô đi ra suối đào đãi vàng trái phép.
Chính quyền địa phương sở tại đã nhiều lần tổ chức truy quét, tuyên truyền người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành, nhưng đến khi lực lượng chức năng vừa rút, thì lập tức hàng trăm người lại quay trở lại tiếp tục đào đãi vàng sa khoáng.
Ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương thông tin thêm việc tổ chức đào vàng tại Piêng Mai, bản Văng Môn, xã Nga My là hoạt động tự phát và trái pháp luật. Trước đó, UBND xã Nga My đã kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ 2 lần, nhưng các đối tượng này cố tình không chấp hành.
Rời khỏi Nga My khi ánh chiều treo trên đỉnh núi, phía xa xăm là tiếng khóc não lòng của người thân vụ sập hầm vàng, phía bên kia mép sông, hình bóng hàng chục người dân vẫn cặm cụi mò mẫm trong lớp đất đá đục ngàu, càng khiến chúng tôi ám ảnh.
Hồ Phương
Theo Infonet