Nghề săn cá mập tuy đem lại cuộc sống ổn định cho ngư dân nhưng đầy rẫy hiểm nguy. Song với ngư dân, vươn khơi đánh bắt không chỉ là cuộc mưu sinh mà còn là trách nhiệm khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Nghề săn cá mập tuy đem lại cuộc sống ổn định cho ngư dân nhưng đầy rẫy hiểm nguy. Song với ngư dân, vươn khơi đánh bắt không chỉ là cuộc mưu sinh mà còn là trách nhiệm khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau nhiều ngày chuẩn bị, sáng sớm một ngày tháng 5-2012, khi trời còn giăng lớp sương mù bao phủ bến tàu nơi mép biển, một mâm cỗ nhỏ được bày ra cúng cầu an cho chuyến ra khơi. Chủ tàu kiêm thuyền trưởng Cao Tận (xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) vào khoang lái nổ máy, báo hiệu giờ xuất bến săn “cọp biển”. Sau một hồi còi dài, con tàu từ từ rẽ sóng. Trên nóc tàu, lá cờ Tổ quốc phần phật bay trong gió.
Thấm vào máu thịt
Hàng trăm năm nay, ngư dân hành nghề câu cá mập ở Nghĩa An vẫn kiên trì đạp sóng vươn khơi săn loài cá được họ ví như “chúa sơn lâm” trên biển. Nghề săn “cọp biển” đầy rẫy hiểm nguy, nhiều lúc ngư dân phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình nhưng nó đã thấm vào máu thịt.
Sau chuyến ra khơi trở về trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, tàu cá công suất 300 CV của ngư dân Cao Tận lại lên đường. “Đây là thời điểm không thể nghỉ ngơi. Mùa săn cá mập chỉ kéo dài khoảng 6 tháng, khi biển động thì cá di chuyển đến các vùng biển nông ở khu vực khác” - anh cho biết.
|
Niềm vui của một ngư dân khi tóm được một con “cọp biển” |
Để chuẩn bị cho một chuyến ra khơi săn “cọp biển”, tàu của anh Tận phải đầu tư gần 200 triệu đồng phí tổn. “Trước đây, tôi chỉ là người đi bạn, dành dụm gần 10 năm trời, cộng thêm vay mượn mới đủ tiền mua tàu này. Mua tàu rồi vẫn lo đủ thứ, đi biển lại gian nan nhưng giờ thì ghiền mất rồi” - anh tâm sự.
Ngồi bên cạnh, ngư dân trẻ Lê Văn Tuấn giơ cánh tay trái, nơi có một vết thương chưa liền da, cho biết đó là “kỷ niệm” của chuyến ra khơi vừa rồi. Mới 27 tuổi nhưng Tuấn đã có 5 năm ngang dọc đại dương săn “cọp biển”. “Khi cá mập dính câu, chỉ cần một khoảnh khắc sơ sẩy là mình có thể bỏ mạng như chơi. Nhiều bạn bè bỏ nghề hết rồi nhưng tôi thì chắc không bỏ được. Có chuyến đi không gặp được luồng cá, phải lênh đênh trên biển cả tháng trời, nhớ nhà kinh khủng nhưng về đất liền vài ngày, tôi lại muốn ra khơi” - Tuấn thổ lộ.
“Dính rồi!”
Sau hành trình dài, tàu đến khu vực câu cá mập khi trời vừa sụp tối. Thuyền trưởng Tận quyết định nghỉ ngơi một đêm. “Trăng đang vào vùng mây mù, cá mập sẽ không đi rông săn mồi theo đàn nên khó câu được nhiều. Anh em vừa ra đến nơi cũng cần ngủ lấy sức, mai săn “cọp” mới khí thế” - anh giải thích.
Rạng sáng hôm sau, các ngư dân đã lục đục dậy chuẩn bị mồi câu cá mập. “Loài này ăn rất tạp nhưng để dụ được chúng từ xa đến thì cần phải có mồi nhiều máu tanh” - anh Tận nói. Tám ngư dân phân nhau móc mồi, thả câu, điều khiển tàu, quay trục ròng rọc… Chuyến ra khơi này, tàu anh Tận mang theo 1.000 lưỡi câu nên việc bủa câu diễn ra khá lâu. “Để thả hết số lưỡi câu này xuống biển phải cho tàu chạy gần 40 km” - anh cho biết.
|
Cháu Lê Hoàng Diễm My, con gái anh Lê Văn Tám, trước bàn thờ cha. Anh Tám mất khi My mới 3 tuổi |
Các ngư dân vừa thả được một nửa số lưỡi câu thì trục quay rung lắc dữ dội. Ngư dân Dương Văn Bé hô lớn: “Dính rồi!”. Các ngư dân bắt đầu lao vào kéo cá. “Khi dính câu, cá mập trắng hay cá mập gù gì cũng quậy rất dữ. Người đi biển lâu năm mới nắm được đặc tính dính câu của từng loại. Cá mập gù khi dính câu thường chui dưới mạn tàu, còn mập trắng thì quậy tưng và xoắn dây kéo rất mạnh, nếu không cẩn thận là bị nó kéo nhào xuống biển liền” - anh Bé hào hứng.
Bốn ngư dân cùng chiếc máy tời hò nhau kéo cá. Một lúc sau, vùng nước gần thân tàu nổi sóng, lưng con cá mập lồ lộ hiện lên như cái bàn. Hai ngư dân trẻ đứng trên tàu tay lăm lăm mũi giáo. Phụp! Phụp! Một mũi giáo cắm vào vùng ức, mũi kia găm vào thân con “cọp biển”. Nước văng tung tóe, con tàu lắc lư theo từng đợt uốn mình của con cá. “Thả dây!” - thuyền trưởng Tận ra lệnh.
Bó dây cước tuột dần, chìm theo con cá mập. “Thu dây!” - anh Tận lại hô to. Các ngư dân ra sức kéo con cá vào sát mạn tàu, chiếc máy tời lại hoạt động và trong chốc lát, chú “cọp biển” hơn 300 kg đã nằm sóng soài trên khoang. Các ngư dân nhanh chóng cắt vi của nó cho vào khoang đá.
“Loài này to xác thế nhưng khi bị thương mất máu thì rất yếu. Người nhận nhiệm vụ đâm cá phải bình tĩnh, chọn đúng vị trí “hiểm” nhất mới có thể hạ nó nhanh nhất. Nếu chỉ bị thương nhẹ, “cọp biển” rất hung dữ và nguy hiểm” - anh Bé cho biết.
Tai họa chực chờ
Nghề săn “cọp biển” đã mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều gia đình ngư phủ. Vi cá mập giá rất đắt, dao động từ 1,8 đến 2,3 triệu đồng/kg, thịt cũng bán được khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với ngư dân, mỗi chuyến ra khơi chẳng khác gì một cuộc thi thố về kinh nghiệm để vừa kiếm được tiền vừa bảo toàn mạng sống.
Ngư dân Lê Cao Chính ở xã Nghĩa Phú - huyện Tư Nghĩa đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại chuyến đi biển đen đủi 5 năm trước. Lần đó, khi giăng câu, anh Chính vô tình thả mồi gần tàu, dây cước quấn quanh chân. Đang mải mê thả câu, bất ngờ Chính nghe tiếng cá quẫy mạnh và bọt nước bắn tung, sợi dây cước cuốn xuống biển kéo anh ngã nhào vào làn nước đen kịt.
“Chân trái tôi bị dây cước quấn chặt khi con cá mập đớp lưỡi câu vừa thả xuống cạnh tàu. Tôi vùng vẫy cố tháo sợi cước ra khỏi chân nhưng không tài nào được, trong khi con cá cứ lặn sâu kéo tôi theo. Tôi than thầm “đời mình thế là hết” nhưng bất ngờ, con cá ngoi lên mặt nước, tôi lấy hơi thở và dồn sức tháo được sợi cước. Khi lên được tàu, cánh tay tôi đã bị dập nát do va đập vào mạn” - anh Chính thở phào.
Dù mất cánh tay nhưng anh Chính vẫn giữ được mạng sống trở về với gia đình. Đối với anh, điều đó cũng là diễm phúc bởi ở Tư Nghĩa, người đi săn cá mập tử nạn vì nghề không phải hiếm. Ông Lê Đình Trung, ngư dân xã Nghĩa An, cho biết gần 30 năm ngang dọc đại dương nhưng trong ký ức của ông, chuyện người em trai bị cá mập tấn công 15 năm trước luôn ám ảnh.
|
Một con cá mập nặng khoảng 300 kg mà ngư dân săn được |
“Anh em tôi cùng đi một tàu săn cá mập ở vùng biển Hoàng Sa. Lúc phát hiện nhiều cá dính câu, chúng tôi bắt đầu thu dây. Lê Văn Tám, em tôi, đang mải mê thu dây câu thì bất ngờ một con cá mập trắng khổng lồ quẫy mạnh trì lại rồi kéo luôn xuống biển. Chỉ trong chốc lát, vùng nước quanh mạn tàu nổi một màu đỏ quạch, quần áo em tôi nổi lên…” - ông Trung bật khóc.
15 năm nay, căn nhà bên mép biển của anh Tám trở nên vắng lạnh. Từ ngày chồng lâm nạn, chị Hoàng Thị Hiền một tay gánh vác gia đình. Ngồi bên bàn thờ chồng nhìn xa xăm về phía biển, đôi mắt chị đỏ hoe. “Hung tin chồng gặp nạn đến như sét đánh” - chị Hiền nức nở.
Ông Trung còn cho biết 10 năm trước, khi bắt được con “cọp biển” nặng trên 400 kg, lúc mổ bụng cá, ông giật mình vì thấy một vật gì đó khá cứng và dài chừng 30 cm. “Cứ tưởng con cá ăn nhầm khúc gỗ nhưng khi lôi ra ngoài, tôi mới tá hỏa vì đó là một cánh tay còn nguyên” - ông Trung thở dài.
Ra biển như về nhà
Năm tháng bám biển, bằng kinh nghiệm truyền đời, các thế hệ ngư dân vẫn tiếp tục vươn khơi. Đó không chỉ là cuộc mưu sinh mà còn là trách nhiệm khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trở về sau chuyến ra khơi săn “cọp biển” gần 2 tháng, ngư dân Trần Thái Sơn ở xã Nghĩa An bảo hạnh phúc nhất chính là được tận hưởng không khí trong lành giữa trùng khơi và ngắm trời biển quê hương thanh bình. Ở tuổi 28, Sơn đã có 11 năm vẫy vùng sóng nước. “Năm 17 tuổi, tôi đã lên tàu ra biển. Cảm giác khi đó chẳng thể nào tả được, vui lắm” - anh tâm sự.
Cũng như anh Sơn, ngư dân Nguyễn Thanh Văn mới bước sang tuổi 22 nhưng đã theo nghề săn “cọp biển” 7 năm. “Lần đầu tiên trở thành ngư dân là chuyến em đi biển Hoàng Sa săn “cá mập”. Nghe chủ tàu rao tuyển anh em trai tráng, sẵn máu ghiền phiêu lưu, em xin đi ngay. Nghề này khổ thật nhưng cho mình nhiều cảm xúc” - Văn bộc bạch.
Với ngư dân Dương Văn Bé, bước ngoặt đến với biển của anh không giống nhiều người khác. Lớn lên ở miền biển nhưng từ nhỏ, Bé lại được gia đình gửi lên nhà người thân tít trên Tây Nguyên.
Một lần về quê thăm cha mẹ, thấy thích thú với mớ cá tôm lúng búng trên thúng, anh quyết xin đi biển. “Tôi mê biển ngay từ chuyến đi đầu tiên” - anh Bé cho biết.
“Mỗi chuyến vươn khơi với tôi như được trở về nhà mình vậy. Có ra khơi, sống với biển mới cảm nhận được hết lòng tự hào dân tộc, mới thấu hiểu được biển quan trọng đến dường nào. Biển đã trở thành quê hương thứ hai của tôi” - thuyền trưởng Tận tâm sự.
Theo NLĐ