Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8/3 cảnh báo cộng đồng quốc tế cần lựa chọn hành động khẩn cấp để chống lại nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc đang ngày càng nghiêm trọng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8/3 cảnh báo cộng đồng quốc tế cần lựa chọn hành động khẩn cấp để chống lại nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc đang ngày càng nghiêm trọng.
Ảnh minh họa.
Nghiên cứu của WHO về hiểm họa vi khuẩn kháng thuốc nhấn mạnh tất cả các loại thuốc kháng sinh mạnh được phát triển trong vài thập kỷ qua để điều trị các bệnh lây nhiễm có nguy cơ lan rộng toàn cầu như lao, sốt rét, HIV/AIDS, cúm và nhiều bệnh khác hiện đều có nguy cơ không còn hiệu lực do vi khuẩn đã nhờn hoặc kháng thuốc.
Hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc (AMR) đã phát triển thành mối đe dọa y tế toàn cầu và hầu như mọi loại thuốc kháng sinh mới được phát triển đều có nguy cơ bị AMR vô hiệu hóa nhanh. Điều này đã gây khó khăn lớn và chi phí cao cho việc điều trị nhiều bệnh lây nhiễm thông thường, làm chậm hiệu quả điều trị khiến bệnh nghiêm trọng hơn, phải điều trị kéo dài và gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí không còn khả năng điều trị, khiến tỷ lệ tử vong tăng cao.
Lây nhiễm vi khuẩn kháng thuốc hiện cũng là hiểm họa toàn cầu, tạo gánh nặng y tế rất lớn cho các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển.
Tổng Giám đốc WHO, bà Margaret Chan, cảnh báo nguồn cung cấp các loại thuốc kháng sinh mới thực sự đã cạn kiệt. Cộng đồng thế giới cần thống nhất hành động để làm chậm lại sự kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh và duy trì hiệu lực điều trị của các loại thuốc kháng sinh hiện hành đối với nhiều loại bệnh lây nhiễm thông thường, theo chiến lược toàn cầu được WHO thúc đẩy năm 2001 về kiềm chế khả năng kháng thuốc của vi khuẩn.
Các lựa chọn hành động này bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh một cách thích hợp và chỉ khi cần thiết, sử dụng kháng sinh phù hợp sau điều trị, hạn chế sử dụng kháng sinh trong sản xuất lương thực thực phẩm và giải quyết triệt để vấn đề thuốc giả cũng như thuốc dưới chuẩn.
WHO nêu bật những chiến lược và biện pháp chống vi khuẩn kháng thuốc thành công ở nhiều nước. Chương trình sử dụng thông minh thuốc kháng sinh ở Thái Lan đã giảm 18-46% lượng thuốc kháng sinh được sử dụng mà hiệu quả điều trị đạt tới 97%.
Chương trình sử dụng vắcxin hiệu quả cùng với việc tăng cường quản lý sức khỏe của cá hồi ở các trại nuôi cá ở Na Uy đã làm giảm tới 98% lượng kháng sinh được sử dụng từ năm 1987 đến 2004.
Năm 2010, Trường Đại học Y khoa Zambia đã cải tiến chương trình giảng dạy trong đó đặc biệt nhấn mạnh các chủ đề AMR và việc sử dụng hợp lý thuốc kháng sinh nhằm đào tạo cho sinh viên các kỹ năng và quan điểm đúng về sử dụng thuốc kháng sinh và cam kết kiềm chế hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc.
Theo TTXVN