Giá bồi thường giải phóng mặt bằng gây nhiều tranh cãi, công trình có dấu hiệu vi phạm, nhà văn hóa tiền tỷ nghiệm thu nhưng chưa thể sử dụng… là những vấn đề người dân xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đang băn khoăn.
Lùm xùm giải phóng mặt bằng
Tại quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 22/01/2018, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty Khởi Nguyên (TNHH).
Tổng diện tích đấu giá là 41.488,2m2 theo quyết định giao đất số 463/QĐ-UBND ngày 07/09/2017 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Số tiền trúng đấu giá là hơn 51,4 tỷ đồng. Quyết định 36 nêu rõ, mục đích sử dụng khu đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nhà ở tại xã Lạc Vệ. Thời hạn sử dụng đất: Lâu dài.
Theo các hộ dân xã Lạc Vệ, cách đây vài năm, chính quyền địa phương đứng ra vận động họ bàn giao đất nông nghiệp để “tạo vốn” thi công một tuyến đường trục xã. Nhận thấy việc làm đường giao thông đi lại là cấp bách nên dù giá đền bù chỉ 158 triệu đồng/sào (tương ứng 360m2), người dân thuận tình chấp hành.
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu giá đền bù xảy ra sự chênh lệch nhau tại một số khu vực cùng xã Lạc Vệ khiến người dân bất bình, thậm chí gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ.
Theo đó, sau khi nhận đủ số tiền đền bù tương ứng với diện tích đất nông nghiệp của gia đình, một vài hộ dân phát hiện giá đền bù tại các khu vực trên địa bàn xã có sự khác nhau, dẫn đến những ồn ào mâu thuẫn không đáng có.
“Một số ô đất nông nghiệp trong thôn được đền bù lên đến 170 - 180 triệu đồng/sào. Riêng khu vực này chỉ được đền bù với giá 158 triệu đồng”, bà L. một người dân sống tại thôn Xuân Nội cho biết.
Theo bà L., bên cạnh việc được hưởng tiền đền bù thỏa đáng, người dân mong muốn chính quyền cấp cho họ một lô đất giãn dân nhưng cũng không được đồng ý.
Là một hộ dân có hơn 4 sào đất nông nghiệp bị thu hồi đợt này, ông N.Q.B (71 tuổi, trú thôn Xuân Nội, Lạc Vệ) bức xúc cho rằng, chính quyền xã ban đầu chỉ vận động người dân bàn giao lại đất cho cơ quan chức năng mà không nói rõ là “giao lại đất cho chính quyền để chính quyền giao lại đất cho doanh nghiệp Khởi Nguyên phân lô bán nền”.
“Do tin tưởng chính quyền địa phương nên chúng tôi mới chấp nhận bàn giao đất và đồng ý với mức giá là 158 triệu đồng. Nếu biết Công ty Khởi Nguyên đứng sau, chúng tôi chắc chắn không đồng ý. Mức giá 158 triệu đồng là đúng theo quy định giữa người dân và chính quyền. Nhưng nếu là giữa người dân và doanh nghiệp thì quá thấp, người dân thiệt thòi quá”, ông B. phân trần.
Ở một diễn biến khác, sau khi trúng đấu giá lô đất rộng hơn 41.000m2 đất, Công ty Khởi Nguyên đã nhanh chóng phân lô bán nền. Dù chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng Công ty Khởi Nguyên đã tiến hành thực hiện các giao dịch hợp đồng góp vốn đầu tư.
Không chỉ vậy, khi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, một số khách hàng mua nhà đất của Công ty Khởi Nguyên tại đây cho biết, đến nay, họ vẫn chưa được cấp sổ đỏ theo quy định. “Công ty Khởi Nguyên cam kết người mua đất sau khi nộp đủ tiền sẽ được cấp sổ đỏ. Nhưng đến nay, đã một thời gian dài, gia đình tôi vẫn chưa được cấp”, bà D., một khách hàng mua đất của Công ty Khởi Nguyên lo lắng.
Là chủ đầu tư dự án, ông Lê Đăng Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Lạc Vệ khẳng định, chính quyền địa phương đã thực hiện nghiêm túc mọi quy trình thủ tục. Tại địa phương, Công ty Khởi Nguyên đang thực hiện hai dự án ở thôn Xuân Hội và An Đông.
Giải thích sự chênh lệch về giá đền bù gây bức xúc cho người dân, ông Nghĩa cho biết, công tác đền bù giải phóng mặt bằng hiện đã hoàn thành 100%.
“Với nhà nước thu hồi thì quy định chỉ có 158 triệu đồng/sào. Còn với doanh nghiệp đứng ra thu hồi thì theo Luật đất đai cho phép được thỏa thuận. Trên địa bàn xã Lạc Vệ hiện nay đang có một số doanh nghiệp như Dabaco, người ta thu hồi đất xây dựng trường nghề đào tạo. Họ đền bù có giá 170 triệu đồng/sào. Một trường hợp doanh nghiệp khác đền bù lên đến 180 triệu đồng. Chính sự chênh lệch này đã khiến người dân thắc mắc, mâu thuẫn như đã biết. Trong các cuộc họp chúng tôi đã cố gắng giải thích cho dân nắm được”, ông Nghĩa nói.
Công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng
Ngoài sự việc nêu trên, người dân xã Lạc Vệ gần đây cũng phản ánh trên địa bàn đang tồn tại một công trình lâu đài khổng lồ, có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng. Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình tòa lâu đài này hiện đang ở giai đoạn hoàn thiện, cao tới 7 - 8 tầng chưa kể tum. Dù đang được gấp rút thi công nhưng công trình không được che chắn gây bụi bẩn, rơi vãi vật liệu.
Trả lời phóng viên, Chủ tịch UBND xã Lạc Vệ khẳng định, công trình trên hiện xây dựng đúng phép. “Công trình đó là của một cá nhân trong Công ty Khởi Nguyên, đất ở đó có nguồn gốc đất ở thổ cư, có sổ đỏ chứ không phải đất nông nghiệp. Hiện, nhà này đúng phép chứ không có gì sai cả”.
Nhà văn hóa tiền tỷ chưa thể sử dụng
Được biết, trên địa bàn xã Lạc Vệ cũng đang tồn tại một công trình nhà văn hóa thôn xây dựng nhiều năm nay nhưng chưa được đưa vào hoạt động, phục vụ người dân. “Công trình tiền tỷ, đầu tư tốn kém nhưng mãi không thấy đưa vào sử dụng. Trong khi đó, người dân và trẻ con không có chỗ sinh hoạt văn hóa”, một người dân cho biết.
Giải thích sự chậm trễ trên, Chủ tịch UBND xã Lạc Vệ khẳng định, công trình đã được bàn giao sử dụng cả năm nay, chất lượng kết cấu công trình đảm bảo và đã được nghiệm thu, tuy nhiên do nguồn nước đang gặp trục trặc nên nhà văn hóa hiện chưa thể vận hành trơn tru.
“Trong quá trình thi công, nguồn nước nhà văn hóa được khoan tới 60 mét nên đã gặp phải một số vấn đề không đảm bảo vệ sinh, có hiện tượng rỉ gét. Chúng tôi đang yêu cầu nhà thầu nâng ống khoan nước lên để đưa nhà văn hóa hoạt động bình thường”, ông Lê Đăng Nghĩa khẳng định.
Báo Đời sống và Tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin sự việc!
Biển Đông
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng