Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư tăng 0,14% so với tháng Ba và tăng 0,99% so cùng kỳ năm 2014 đồng thời tăng 0,04% so với tháng 12 năm trước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Như vậy, CPI bình quân bốn tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,8%.
Trong tháng Tư, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI có 7 nhóm tăng chỉ số giá. Nhóm có chỉ số tăng giá mạnh nhất là giao thông (+2,47%) và tăng thấp nhất là nhóm giáo dục (+0,01%).
Đáng chú ý, trong tháng có 3 nhóm có chỉ số giá giảm, là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,42), đồ uống và thuốc lá (-0,01%) và bưu chính viễn thông (-0,09%).
Nguyên nhân khiến cho CPI tháng Tư tăng giá, theo Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê là do giá xăng, dầu chịu ảnh hưởng của đợt tăng giá ngày 11 tháng 3 năm 2015 (ảnh hưởng vào CPI chung khoảng 0,2%).
Bà Ngọc phân tích, nguyên nhân khách quan giá dầu thô thế giới đã xác lập mức cao nhất từ đầu năm đến nay, ở mức 56,39USD/thùng, giá dầu Brent Biển Bắc ở mức 60,39USD/thùng (ngày 16/4).
“Như vậy khi giá dầu tăng trở lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức tăng của CPI trong năm nay,” bà Ngọc dự báo.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác cũng tác động không nhỏ đến chỉ số CPI là việc tăng giá điện 7,5% (từ ngày 16/3 năm).
Bà Ngọc cho biết, với mức tăng này dự kiến sẽ tác động trực tiếp vào CPI chung khoảng 0,19%.
“Tuy nhiên, giá điện là mặt hàng đặc biệt trong điều tra giá CPI, mặt hàng này được tính dựa vào sản lượng tiêu thụ điện của hộ gia đình, do đó thời gian tính giá điện trễ hơn thời gian tính CPI.
Giá điện trong tháng Ba ở mức khá cao do ảnh hưởng bởi lượng tiêu thụ điện của tháng Tết Nguyên đán, nên giá điện tháng Tư mặc dù đã ảnh hưởng bởi mức giá mới nhưng cũng chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến CPI chung khoảng 0,07% và việc tăng giá điện sẽ còn tác động đến CPI tháng Năm và các tháng tiếp theo năm 2015,” bà Ngọc nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại của Tổng cục Thống kê cũng đưa và một số yếu tố có tác động giảm đà tăng của CPI trong tháng là các mặt hàng lương thực-thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào và nhu cầu giảm sau Tết Nguyên đán đã góp phần làm cho CPI chung giảm khoảng 0,16%.
Thêm vào đó, giá gas thế giới giảm khiến giá gas trong nước điều chỉnh giảm 4.500 đồng/bình 12kg (ngày 1 /4), giá dầu hỏa trong nước được điều chỉnh giảm mỗi lít dầu giảm 250 đồng/lít (ngày 26/3) đã góp phần giữ mức CPI tháng Tư không tăng cao.
Theo Báo cáo phân tích từ Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng Tư tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 2,2% so với cùng kỳ. (Chỉ số CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục), như vậy lạm phát cơ bản tháng Tư so cùng kỳ tăng 2,2% cao hơn mức 0,99% của lạm phát chung.
Trong tháng, giá vàng trong nước cũng biến động theo giá vàng thế giới, những ngày đầu tháng giá vàng tăng và đứng ở mức trên 1.200 USD/ounce, tuy nhiên sau vài phiên giá vàng đã giảm và đứng ở mức mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1.190 USD/ounce (ngày 15/4).
Theo bà Ngọc, giá vàng giảm chủ yếu do USD tăng giá bắt nguồn từ việc lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh.
Bình quân giá vàng trong nước dao động quanh mức 3.520.000 đồng/chỉ vàng SJC (ngày 15/4).
Trong nước, tỷ giá ngoại tệ cũng tăng do yếu tố tâm lý trước xu hướng tăng giá mạnh của đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới.
Mặc dù, các yếu tố cung-cầu ngoại tệ về cơ bản không có biến động lớn, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam vẫn tiếp tục thặng dư khoảng 2,8 tỉ đô la Mỹ trong quý 1 và dự báo tiếp tục thặng dư trong cả năm 2015.
Trong tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của đồng Việt Nam với USD áp dụng cho ngày 15/4 là 21.458 đồng/USD và đưa ra thông điệp chưa điều chỉnh tỷ giá ở thời điểm này.
Trên thị trường tự do tỷ giá dao động quanh mức 21.620 đồng/USD tăng 0,74% so với tháng Ba.
Hạnh Nguyễn
theo Vietnam+