Nghe chúng tớ bắt mạch và kê thuốc cho đây nè!
Nghe chúng tớ bắt mạch và kê thuốc cho đây nè!
Tình huống 1: Chẳng hiểu sao, cứ nơi nào đông người một tí là mình lại cứng lưỡi và im thin thít.
Bắt bệnh: Nguyên nhân dẫn đến trạng thái này là nỗi sợ hãi đám đông hoặc tự bạn thấy rằng giữa mình và mọi người có một bức tường khoảng cách nào đó. Vì thế, bạn đành một mình diễn “kịch câm” dù trong lòng có rất nhiều điều muốn bày tỏ.
Ảnh minh họa
Phao cấp cứu:
- Khi đến những nơi đông đúc hoặc một buổi party náo nhiệt, thay vì lặng lẽ một góc, bạn hãy chủ động bắt chuyện với người mà mình cho là thân thiết nhất bằng cách nở một nụ cười thật tươi. Bạn cũng có thể thẳng thắn nói với cô nàng/anh chàng/nhóm người lạ rằng: “Mình thật sự không quen biết ai ở đây cả. Cho mình nhập hội với được không?”
- Thay vì thẳng tiến và đứng ngay trước mặt họ, bạn chỉ cần nhẹ nhàng đền gần bên nhóm người mình muốn hòa nhập và căng tai lắng nghe. Sau đó, khéo léo xen vào cuộc trò chuyện bằng câu: “Xin lỗi, hình như mình vừa nghe thấy các bạn nói đến…”. Trái ngược với cảm giác bị ai đó đặt máy nghe trộm, mọi người sẽ chào đón bạn như một thành viên trong nhóm. Nghệ thuật giao tiếp gọi chiêu này là “nghe lén tích cực”.
- Bạn muốn mọi người bắt chuyện với mình trước thay vì phải chủ động? Nghe có vẻ khó nhưng bạn hoàn toàn làm được điều này nếu như biết cách tạo điểm hấp dẫn. Đó có thể chỉ là kiểu trang phục độc đáo, kiểu tóc mới hay đơn giản là một chiếc băng đô dễ thương. Điểm hấp dẫn chính là những đồ vật thu hút sự chú ý của người khác và khơi gợi họ tiếp cận bạn: “Xin lỗi hơi tò mò nhưng mình thấy ví cầm tay của bạn rất kute. Bạn mua ở đâu vậy?”
Ảnh minh họa
Tình huống 2: Mỗi lần trả bài hay dự những kỳ thi vấn đáp, mình lại mắc chứng “ca-mơ-run” và quên sạch những gì đã thuộc làu trước đó.
Bắt bệnh: Sự thiếu tự tin này là do bạn mất bình tĩnh, không tự chủ được bản thân, nên mới run và cuống cuồng lên như vậy
Phao cấp cứu:
- Thay vì nước đến chân mới nhảy, bạn nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thường xuyên tập dượt từ trước đó. Đứng trước gương quan sát từng cử động hoặc thực hành cùng cạ cứng sẽ giúp bạn dễ hình dung hơn việc “mình phải làm thế nào” trong các trường hợp tương tự.
- Tập thở sâu, chậm đều và đếm đến 10. Nhịp tim của bạn sẽ không đập thình thịnh nữa mà các bộ phận khác cũng sẽ hoạt động bình thường trở lại.
- Tranh thủ thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa và thể chất, đặc biệt là yoga ngồi thiền vì nó là một trong những cách để bạn lấy lại sự bình tĩnh một cách hiệu quả nhất.
Ảnh minh họa
Tình huống 3: Đã mấy bận mình định chuyển nơi làm việc nhưng sau đó lại thôi. Thú thực, mình không tự tin lắm khi bắt đầu một lĩnh vực mới, một môi trường mới.
Bắt bệnh: Tâm lý “ngại thay đổi” cộng với tư tưởng “cái mới chắc gì đã bằng cái cũ”, khiến chúng ta dễ chùn bước, chấp nhận hiện tại của mình.
Phao cấp cứu:
- Hãy tự hỏi bản thân rằng “mình có thật sự muốn điều đó” hay chỉ là ý thích nhất thời mà thôi. Bạn cần phải biết chắc cảm xúc của mình trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, kẻo đến lúc sự việc không như mong muốn, lại cảm thấy hối tiếc thì đã quá muộn.
- Bạn không dám bắt đầu một công việc mới vì thiếu tự tin về vốn kiến thức ít ỏi của mình. Câu trả lời rất đơn giản: Hãy mở mang và trau dồi thêm kỹ năng, sự hiểu biết trong lĩnh vực bạn muốn thử sức. Tuy nhiên, điều này cần có chiến lược, nếu không bạn sẽ sớm thất bại.
- Dù tự tin cách mấy, bạn cũng nên có phương án dự phòng. Hãy tự hỏi bản thân là giả sử một ngày mình không đi làm thì khả năng tài chính hiện tại có đảm bảo cho những ngày “nhàn rỗi” hay không? Vì thế, hãy rải nhiều hồ sơ để tăng thêm cơ hội.
Xuân Hưng