Sự kiện hot
13 năm trước

“Xóm chạy thận” và niềm đam mê trái bóng

Bao nhọc nhằn mưu sinh, chống chọi với tử thần không làm những người dân “xóm chạy thận” (ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) quên đi niềm đam mê trái bóng.

Bao nhọc nhằn mưu sinh, chống chọi với tử thần không làm những người dân “xóm chạy thận” (ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) quên đi niềm đam mê trái bóng.

Những CĐV vô tư nhất… thế giới

Nếu không nhìn vào hai cánh tay sưng phù của anh Đỗ Nhân Quý (TP.Lạng Sơn) mà chỉ tiếp xúc qua cách nói chuyện niềm nở, thân tình thì người đối diện không thể tưởng tượng được anh đã phải trải qua gần 20 năm chạy thận:

Sự đồng cảm đã giúp đôi bạn Hoàng Văn Thường - Tô Thị Hiền có thêm niềm tin chống chọi với bệnh tật.

“Mỗi tuần tôi vào Bệnh viện Bạch Mai chạy thận 3 lần, tiền bảo hiểm y tế chi trả 80% nên một tháng mất khoảng 1,6-1,7 triệu đồng điều trị. Tính cả tiền thuê nhà, điện nước… thì 1 tháng cũng phải có khoảng 4 triệu đồng mới tạm đủ. So với trên 100 người thuê trọ trong xóm, tôi thuộc số ít người may mắn vì luôn có vợ và con gái đang là sinh viên ở bên chăm sóc” - anh Quý chậm rãi tâm sự.

Và nếu có ai đó nghĩ “xóm chạy thận” với vô vàn nỗi thống khổ là nơi nằm “ngoài vùng phủ sóng” của EURO thì hoàn toàn sai lầm. Chính sức hút mãnh liệt của trái bóng đã lan tỏa, xua tan bầu không khí ảm đạm thường nhật bao trùm cả xóm. Những ngày diễn ra EURO, từng mảnh đời bất hạnh ấy có dịp gần nhau nhiều hơn để cộng hưởng niềm đam mê.

“Chúng tôi thường tập trung ở quán nước nhà anh Hiền đầu ngõ xem các trận đấu lúc 23 giờ. Ước tính cũng có hơn chục người ngồi xem, bàn tán rôm rả, vui đáo để. Lẽ thường, CĐV nào cũng có đội bóng mà mình yêu thích và chỉ cổ vũ cho đội ấy. Nhưng chúng tôi xem bóng đá đơn thuần là giải trí nên cứ đội nào lên bóng tấn công là sướng rồi” - anh Chiến (35 tuổi, quê Nam Định) kể.

Làm nghề cắt tóc mưu sinh và ở ngay cạnh nhà anh Quý, anh Chiến đã lên đây chạy thận được 5 năm. Anh nói rằng mê bóng đá lắm, nhiều hôm muốn thức xem hết cho thỏa nhưng chỉ sợ tụt hồng cầu thì nguy hiểm lắm. “Ngồi trước màn hình xem bóng đá, tôi cảm giác như bao mệt mỏi đều tan biến hết”.

Tình yêu tới từ sự đồng cảm

Trong “xóm chạy thận” một trong những người già nhất là ông Hới (Thanh Hóa) đã ngoài 70. Người trẻ độ tuổi 20-30 cũng khá nhiều, và câu chuyện tình yêu của Hoàng Văn Thường (32 tuổi, Hà Nam) - Tô Thị Hiền (23 tuổi, Hà Tĩnh) được nhiều người nhắc đến.

Anh Thường cho hay: “6 năm trước, tôi lên Hà Nội bắt đầu chạy thận và quen Hiền trong bệnh viện. Đồng bệnh thương nhau, hai đứa xin phép gia đình cho thuê trọ, “góp gạo thổi cơm chung”. Gia đình hai bên đều neo người, không có điều kiện chăm sóc nên chúng tôi phải hoàn toàn tự lập. Mùa đông thì đi đánh giày, mùa hè thì bán nước, chăm chỉ làm việc thì cũng đủ để lo chi phí chữa bệnh, sinh sống qua ngày”.

Chỉ vào chiếc tivi bên cạnh, anh Thường vui vẻ nói thêm: “Trước dịp EURO, chúng tôi cũng tiết kiệm được ít tiền mua chiếc tivi này để có thể cùng xem bóng đá trong những trận đấu mà cả hai đứa cùng yêu thích. Đi làm vất vả cả ngày nên không thể thức quá khuya xem trực tiếp mà chỉ dậy sớm xem lại. Đó cũng là một “bài thuốc tinh thần” hữu hiệu, giúp tôi lạc quan hơn để bắt đầu một ngày mới”.

Lê Đức
theo Dân Việt

Từ khóa: