Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Xu hướng thay đổi và giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái ngân hàng số

Các ngân hàng cần khai thác cơ hội mới có sẵn trong mọi lĩnh vực, tạo ra hệ sinh thái cung ứng dịch vụ mà ngành tài chính, ngân hàng đóng vai trò điều phối và thúc đẩy phát triển.

Bùng nổ chuyển đổi số ngân hàng

Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian qua đã được đánh giá là bước vào giai đoạn bùng nổ. Hoạt động này không chỉ diễn ra ở khối các ngân hàng TMCP tư nhân, mà còn cả trong khối ngân hàng có vốn Nhà nước.

Các ngân hàng cần khai thác các cơ hội mới có sẵn trong các lĩnh vực lân cận như mua sắm, giáo dục, du lịch, ăn uống, giải trí... tạo ra một hệ sinh thái cung ứng dịch vụ “all in one” (ảnh minh hoạ)

Theo các số liệu khảo sát của NHNN, có đến 95% tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 39% tổ chức tín dụng phê duyệt chiến lược chuyển đổi số riêng biệt hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển CNTT.

Ứng dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số tại Việt Nam hiện đã đuổi kịp các thị trường phát triển. Tỷ lệ khách hàng cá nhân tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương tích cực sử dụng dịch vụ ngân hàng số đã tăng từ 55% vào năm 2017 lên 88% vào năm 2021. Đối với thị trường Việt Nam, mức tăng trưởng này là 41% vào năm 2017 lên 82% vào năm 2021. Đại đa số khách hàng cá nhân Việt Nam (73%) sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau. Điều này có nghĩa là họ sử dụng kết hợp ngân hàng số và các chi nhánh vật lý.

Hiện tại, một số ngân hàng đi nhanh trong phát triển công nghệ như Vietcombank, TPBank, Techcombank, MBBank,... đã bước vào giai đoạn thứ hai của chuyển đổi số là sáng tạo số. Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ áp dụng các công nghệ mới, cập nhật hơn, với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), ứng dụng Blockchain, làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh của Big Data ngày càng nhiều hơn. Đi kèm với đó là tăng cường sử dụng robot tự động hoá để gia tăng năng suất, hiệu quả làm việc trong nội bộ ngân hàng và trải nghiệm khách hàng.

10 xu hướng thay đổi

Trong thập kỷ sắp tới, ngành Ngân hàng sẽ thay đổi nhiều hơn tất cả những gì đã diễn ra ở ngành công nghiệp này trong 100 năm qua. Điều này hoàn toàn không chỉ do các công nghệ tiên tiến, mà là sự kết hợp của các yếu tố nhân khẩu học, những thay đổi về kinh tế - xã hội và môi trường.

Mạng lưới ngân hàng sẽ phải trải qua một quá trình thay đổi, tái cơ cấu và sắp xếp lại để thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số toàn diện (Nguồn: Nam Á Bank)

 Các mô hình hoạt động lấy sản phẩm làm trung tâm trong quá khứ sẽ chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên việc lấy khách hàng làm trung tâm tạo nền tảng phát triển. Các ngân hàng cần khai thác các cơ hội mới có sẵn trong các lĩnh vực lân cận như mua sắm, giáo dục, du lịch, ăn uống, giải trí... tạo ra một hệ sinh thái cung ứng dịch vụ “all in one” mà lĩnh vực tài chính, ngân hàng đóng vai trò điều phối và thúc đẩy mọi sự phát triển.

Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ thay đổi theo 10 xu hướng sau: Một là, thay đổi mô hình kinh doanh dịch vụ. Nhiều hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng sẽ được tập trung hóa. Các sản phẩm mới ra đời cho phép ngân hàng (thiết kế, thử nghiệm, hoàn thiện) sẽ trực tiếp giao dịch với khách hàng mà không qua chi nhánh; Mạng lưới ngân hàng sẽ phải trải qua một quá trình thay đổi, tái cơ cấu và sắp xếp lại để thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số toàn diện và sâu sắc.

Hai là, thay đổi phương thức cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ. Cạnh tranh giữa các ngân hàng không còn được xác định bằng sự hiện diện của mạng lưới chi nhánh mà bằng hệ thống công nghệ của từng ngân hàng và bằng hình ảnh cũng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Ba là, giảm giá thành sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Các ngân hàng nếu muốn tồn tại sẽ phải tiết kiệm chi phí, với hầu hết các sản phẩm phải có lợi nhuận trên cơ sở độc lập. Việc gia tăng đầu tư khi ứng dụng công nghệ là yếu tố đẩy chi phí giá thành gia tăng, nhưng ngân hàng buộc phải tính toán giảm giá dựa trên bài toán kinh doanh theo mô hình số lớn, nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường.

Bốn là, phát triển mạnh kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng qua các thiết bị thông minh như smart phone, máy tính bảng, laptop phát triển song song cùng với thẻ, với vai trò là phương tiện chủ yếu để khách hàng tiếp nhận sản phẩm dịch vụ và thực hiện giao dịch qua ngân hàng, đặc biệt là giao dịch thanh toán.

Năm là, ứng dụng rộng rãi sinh trắc học trong phê chuẩn và xác thực giao dịch. Công nghệ sinh trắc học sẽ trở thành phổ biến trong việc xác thực khách hàng, nhưng chúng vẫn sẽ được sử dụng kèm theo một thiết bị vật lý khác cầm tay, ví dụ như điện thoại thông minh.

Sáu là, ứng dụng kinh tế chia sẻ cho hạ tầng dịch vụ. Mô hình kinh doanh sử dụng nền tảng trực tuyến để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay mà không cần qua trung gian – vốn dĩ là vai trò truyền thống của ngân hàng. Hệ sinh thái da dạng dịch vụ ngân hàng kết hợp với bên và ngân hàng có thể lui về phía sau để thiết kế, cung ứng dịch vụ sản phẩm, tiện ích thông qua đại lý, bên đối tác của ngân hàng và chia sẻ về thu nhập.

By là, sản phẩm dịch vụ tùy biến hơn theo khách hàng. Khách hàng đã có sự trải nghiệm và thấy rằng thương mại số cho phép gia tăng tốc độ giao dịch và mức độ cá nhân hóa, do vậy khách hàng có kỳ vọng tương tự đối với các dịch vụ tài chính.

Tám là, dịch vụ thông minh hơn. Giao dịch tức thời, liên tục và tốc độ là yêu cầu сơ bản, ngân hàng sẽ phát triển những hình thức tương tác mới có khả năng hòa nhập với cuộc sống của khách hàng.

Chín là, cấu trúc dịch vụ được định hình lại. Quản lý IT theo giải pháp 4 lớp kiến trúc gồm: (i) Lớp hiển thị: khách hàng tương tác trên các giao diện đơn giản; (ii) Lớp ứng dụng: Thông tin ở lớp hiển thị được tích hợp vào các quy trình quản lý kinh doanh với khả năng quản lý tình huống, cảnh báo, báo cáo; (iii) Lớp phân tích, sử dụng công nghệ AI để phát hiện sự khác thường; (iv) Lớp then chốt: tập hợp các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau.

Mười là, phương thức chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức. Việc chuyển giao công nghệ và tri thức sẽ được thực hiện qua những tổ chức mới gia nhập thị trường, đối tác bên thứ ba và các trung gian hơn là thông qua các định chế ngân hàng xuyên quốc gia.

Giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái

Bối cảnh chính trị, kinh tế xã hội trên thế giới đang thay đổi nhanh chóng, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn trên 200%. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các quốc gia để đón nhận cơ hội phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ để đi đến thịnh vượng, trong đó đặc biệt là ngành công nghiệp ngân hàng sẽ có những đột phá mạnh mẽ về phát triển dịch vụ ngân hàng số. Chuyển đổi số tiến tới sáng tạo số đối với dịch vụ ngân hàng số hay là mất đi vị thế, thậm chí phá sản là câu chuyện nóng với các ngân hàng.

Các ngân hàng cần thành lập nhóm nghiên cứu chuyên biệt về ứng dụng công nghệ 4.0 trong sáng tạo và phát triển sản phẩm dịch vụ mới hướng tới khách hàng, thực sự lấy khách hàng làm trung tâm (ảnh minh hoạ)

Vì vậy, chúng tôi có một số khuyến nghị với các NHTM Việt Nam như sau:

Thứ nhất, ưu tiên đầu tư cho công nghệ số thông qua việc sớm tìm các cổ đông chiến lược nước ngoài, mạnh về vốn, tiềm lực công nghệ cao, năng lực quản trị hiện đại đối với phát triển ngân hàng số để tận dụng kinh nghiệm lợi thế của đối tác này vượt lên trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số. Hoặc với số lượng trên 30 NHTM cổ phần, đa số quy mô nhỏ lợi thế chuyển đổi số nhanh nhưng mỏng về tiềm lực vốn thì nên chủ động tiến hành hợp nhất, sáp nhập với nhau để cấu trúc lại về thị trường, khách hàng và có điều kiện gọi thêm vốn đầu tư cho công nghệ nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

Thứ hai, thành lập nhóm nghiên cứu chuyên biệt về ứng dụng công nghệ 4.0 trong sáng tạo và phát triển sản phẩm dịch vụ mới hướng tới khách hàng, thực sự lấy khách hàng làm trung tâm, từng bước cá thể hóa sản phẩm theo nhu cầu, sở thích của khách hàng và tiến hành chiến lược maketing tới từng khách hàng qua các kênh mạng xã hội nhằm tận dụng lợi ích tối đa của công nghệ số.

Thứ ba, chủ động kết nối với các đối tác, khách hàng lớn tạo lập và dẫn dắt hệ sinh thái cung ứng dịch vụ tài chính gắn liến với hàng hóa, dịch vụ giải trí, du lịch, khách sạn, mua sắm hàng hóa, trọn gói tích hợp “all in one”.

Thứ tư, đổi mới chính sách về nhân sự, chính sách tiền lương có tính chuyên biệt, theo hướng ưu tiên tuyển dụng lực lượng kỹ sư IT đủ lớn có chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ số cùng các chuyên viên nghiệp vụ cao có khả năng nghiên cứu nhằm tạo lập ra các nhóm nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 để sáng tạo sản phẩm ngân hàng số tiện lợi đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Thứ năm, để chuyển đổi số thành công trước hết các tổ chức tín dụng cần sắp xếp cơ cấu lại mô hình tổ chức theo hướng lấy khách hàng là trung tâm, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, ngay cả lề lối làm việc phong cách làm việc rất cần thay đổi không nên có khoảng cách giữa sếp và nhân viên để mọi ý tưởng sáng tạo đều đưa ra thảo luận trong một thế giới phẳng nhằm biến các ý tưởng thành sản phẩm dịch vụ phục vụ khách hàng.

 PHẠM XUÂN HOÈ - Nguyên Phó viện trưởng viện Chiến lược, NHNN
Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Từ khóa: