Những năm gần đây, giá trị và diện tích chè Shan tuyết cổ thụ của huyện Văn Chấn (Yên Bái) ngày một nâng lên. Chè Shan tuyết cổ thụ dần khẳng định vị thế, tiếp cận thị trường khó tính. Thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chính quyền huyện Văn Chấn đang vận động người dân chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp chè trong giai đoạn khó khăn.
Cùng với đó, mục tiêu của huyện Văn Chấn là tập trung bảo vệ và phát triển cây chè Shan tuyết an toàn, bền vững, canh tác hữu cơ; nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu chè Suối Giàng; gắn việc bảo vệ và phát triển vùng chè với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Vùng chè Văn Chấn nỗ lực vượt qua đại dịch
Huyện Văn Chấn là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh Yên Bái với trên 4.490 ha, tập trung tại: thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn, các xã Sơn Thịnh, Bình Thuận…, chủ yếu phục vụ sản xuất chè đen xuất khẩu; vùng chè Shan tại các xã Suối Giàng, Nậm Búng, Gia Hội phục vụ sản xuất chè xanh chất lượng cao.
Để nâng cao giá trị của cây chè, huyện tiếp tục vận động nhân dân tích cực đầu tư chăm sóc và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là trong chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm chè búp tươi.
Để ổn định sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn, huyện Văn Chấn đang vận động người dân chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhằm duy trì vùng nguyên liệu bền vững, chăm sóc tốt diện tích chè hiện có. Đồng thời, đẩy mạnh việc liên hệ với các khách hàng truyền thống, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác mới để thúc đẩy tiêu thụ.
Cùng với đó, địa phương cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn; xây dựng các phương án, giải pháp tiêu thụ sản phẩm chè trong giai đoạn hiện nay.
Những năm gần đây, giá trị và diện tích chè Shan tuyết cổ thụ của huyện Văn Chấn (Yên Bái) ngày một nâng lên. Chè Shan tuyết cổ thụ dần khẳng định vị thế, tiếp cận thị trường khó tính.
Hướng đi mới cho vùng chè Suối Giàng
Nằm ở phía Bắc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, xã Suối Giàng được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu mát mẻ của vùng núi cao trên 1.000m so với mực nước biển để trồng được loại cây có giá trị kinh tế cao, đó là chè Shan tuyết.
Hiện tại, xã có trên 674 ha chè, trong đó có 193 ha chè cổ thụ. Những năm gần đây, giá trị của cây chè Shan tuyết đã dần vươn xa, chinh phục được thị trường chè khó tính trên thế giới. Nhờ đó, thu nhập từ chè Shan đã mang lại đời sống ngày càng khấm khá cho người dân.
Với đồng bào Mông xã Suối Giàng, càng phấn khởi hơn khi các các sản phẩm chè của xã nhà đã đạt chuẩn OCOP 4 sao. Hơn nữa, trong xã có hợp tác xã liên kết cùng sản xuất, người dân được bao tiêu sản phẩm với giá trung bình 20.000 đồng/kg chè búp tươi; giá trị sản xuất đem lại cho người trồng chè khoảng gần 20 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, từ khi chè Suối Giàng được chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm Tuyết Sơn Trà, đến quần thể 400 cây chè Shan tuyết được công nhận Cây di sản Việt Nam và nay là chứng nhận nguồn gốc hữu cơ quốc tế, chứng nhận OCOP 4 sao, người dân nơi đây đã thay đổi nhận thức trong trồng, chăm sóc và thu hái chè. Từ chỗ bỏ hoang, nay đồng bào Mông đã biết bảo vệ, biết trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ và đặc biệt là thu hái đúng quy trình, kỹ thuật.
Chia sẻ với báo chí, ông Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Chấn, nhiệm kỳ 2021 - 2026 xác định: “Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch xanh, bản sắc, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện”. Suối Giàng nằm trong danh sách các địa điểm phát triển dịch vụ du lịch xanh, bản sắc của địa phương.
Theo hướng này, mục tiêu của huyện là tập trung bảo vệ và phát triển cây chè Shan tuyết an toàn, bền vững, canh tác hữu cơ; nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu chè Suối Giàng nhằm giúp các hộ trồng, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh chè làm giàu từ cây chè; gắn việc bảo vệ và phát triển vùng chè với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, tới đây, huyện sẽ tập trung bảo vệ nhãn hiệu, quảng bá và quản lý thương hiệu chè Suối Giàng trên thị trường trong và ngoài nước; đa dạng các hình thức kinh doanh, xúc tiến, quảng bá sản phẩm của địa phương. Đồng thời khuyến khích người dân khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm, các hoạt động quảng bá, phát triển dịch vụ du lịch xanh, bản sắc.
Trân trọng món quà mà thiên nhiên ban tặng, đồng bào Dao, đồng bào Mông ở Văn Chấn đã thay đổi tư duy trong sản xuất, không ngừng nỗ lực để mở rộng diện tích nâng cao giá trị cho cây chè Shan tuyết cổ thụ trên những núi cao nhằm biến nương chè thành điểm đến không thể thiếu trong tuor du lịch, vừa đầu tư sửa chữa nhà cửa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững.
Cùng với những chính sách của nhà nước, sự quan tâm của chính quyền các cấp đã đưa sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ của Văn Chấn vượt ra khỏi những thung sâu, núi cao để đến với khách hàng trong và ngoài nước, góp phần mang đến mùa xuân ấm no, đủ đầy cho người dân nơi đây.
Tạ Thành
Theo KTDU