Sự kiện hot
6 tháng trước

Yếu tố được kỳ vọng thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi

Vượt qua các “cơn gió ngược”, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn mang nhiều gam màu sáng khi nối tiếp đà hồi phục từ tháng 11/2023 và tiếp tục bứt phá về điểm số.

Yếu tố được kỳ vọng thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi  
Yếu tố được kỳ vọng thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi

Theo các chuyên gia tài chính, nhìn chung kinh tế trong nước hồi phục ngày càng rõ nét và tháng sau tốt hơn tháng trước. Cụ thể, tình hình kinh tế tháng 6 cho thấy nhiều tín hiệu khả quan hơn tháng 4 và tháng 5 khi các dữ liệu về hoạt động sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt hơn cũng như các yếu tố nền tảng vĩ mô như lãi suất liên ngân hàng, tỷ giá và giá vàng đều hạ nhiệt.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng so với tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm đáng chú ý là số đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh bất chấp giá bán tăng và áp lực chi phí đầu vào.

Nhu cầu lao động tăng trở lại hứa hẹn tạo sức tiêu dùng tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Trong nhu cầu hàng hóa từ các nước xuất khẩu chính đã tăng trở lại khi nền kinh tế tại các nước xuất khẩu chủ lực đang hồi phục tốt hơn. Điểm tích cực là xuất siêu đã quay trở lại trong tháng 6 sau khi nhập siêu trong tháng 5, điều này sẽ hỗ trợ thêm có vấn đề tỷ giá đang dần hạ nhiệt.

Hoạt động đầu tư vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, trong khi vốn đăng ký và giải ngân FDI tháng 6 tăng trưởng mạnh mẽ trở lại thì hoạt động đầu tư công vẫn đang được đốc thúc mạnh mẽ. Ngoài ra, tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp mới và số vốn đăng ký đều tăng trưởng so với tháng 5 và cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, sản xuất, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu... phục hồi tích cực, các yếu tố chính sách và luật pháp được thể chế hóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mang tới kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, thanh khoản thị trường dần được cải thiện, khối ngoại giảm dần đà bán ròng...

Chưa kể, thị trường vàng cũng được bình ổn khi giá vàng miếng SJC đã "đứng yên" xuyên suốt cả tháng 6 qua và được kỳ vọng sẽ tiếp tục ở mức này trong tháng 7. Đây là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế khi dòng tiền sẽ không còn chảy vào tích trữ vàng mà sẽ được lưu thông, đóng góp cho tăng trưởng chung.

Hơn nữa, theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, trong tháng 6, nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực lượng nòng cốt khi mở mới 106.417 tài khoản và các tổ chức mở mới 163 tài khoản. Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước đạt xấp xỉ 8 triệu tài khoản. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử gần 24 năm của thị trường chứng khoán trong nước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 7,98 triệu tài khoản, tương đương 8% dân số.

"Dự báo tháng 7 là thời điểm thị trường hấp thụ tốt yếu tố tiêu cực và tạo ra vùng đi ngang tích lũy với biên độ giá lớn từ 1.300 đến 1.180, chuẩn bị cho nhịp sóng tăng của nửa cuối năm 2024. Về trung hạn, chúng tôi vẫn duy trì kỳ vọng đối với VN-Index tăng trưởng lên vùng 1.350-1.370-1.395 điểm theo báo cáo đầu năm. Mốc xác nhận nhịp tăng mới của thị trường khi giá đóng cửa tuần giao dịch tuần vượt kháng cự 1 ở 1.315 điểm", Chứng khoán ABS nhận định.

Yếu tố được kỳ vọng thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi - Ảnh 1

Về chiến lược đầu tư, Chứng khoán ABS khuyến nghị, sau các nhịp điều chỉnh với biên độ giá quanh 60-100 điểm sẽ luôn có hồi phục kỹ thuật nhanh với những phiên tăng điểm nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn. Đối với nhà đầu tư ưa thích giao dịch nhanh, cần căn cứ vào mốc hỗ trợ - kháng cự của thị trường và biên độ tăng giảm đặc thù cổ phiếu. Với nhà đầu tư trung dài hạn, nhịp điều chỉnh tích lũy này của thị trường sẽ là cơ hội tham gia với những mã cổ phiếu tạo ra điểm mua trung hạn- dài hạn.

ABS chỉ ra các nhóm ngành ưu tiên bao gồm: Bảo hiểm, Năng lượng, Bất động sản (BĐS) khu công nghiệp, BĐS nhà ở, Phân bón, Dệt may, Hàng không, Ngân hàng... Bên cạnh đó là các cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực, hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô, có mô hình tích lũy phù hợp về khối lượng và thời gian, còn dư địa tăng giá.

MBS Research cũng đưa ra một số nhóm ngành có triển vọng trong nửa cuối năm.

Với nhóm ngân hàng, nhóm phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận sẽ cải thiện từ mức nền thấp năm trước. Tín dụng sẽ tập trung vào các ngân hàng có khả năng "hy sinh" NIM nhiều hơn so với ngành hoặc chất lượng tài sản vững chắc hơn. Trong khi đó, chất lượng tài sản dự kiến suy giảm vào cuối năm nay so với quý I. Lợi nhuận của các ngân hàng trong danh sách theo dõi dự báo tăng 15,3%. Về định giá, MBS Research cũng nhìn nhận định giá của các ngân hàng hiện đang ở mức rất hấp dẫn, P/B hiện thấp hơn mức trung bình 1 năm, 3 năm và mức đỉnh thiết lập trong năm 2021.

Nhóm BĐS dân cư được nhìn nhận có nhiều tín hiệu hồi phục tích cực khi nguồn cung hồi phục, lãi suất về mức hấp dẫn để kích thích phát triển thị trường. Việc hoàn thiện về hệ thống pháp lý sẽ giúp thị trường BĐS phát triển bền vững ở nguồn cung lẫn nhu cầu. Bên cạnh đó, các hoạt động tái cấu trúc nguồn vốn và M&A dự án BĐS sẽ sôi động trong phần còn lại của năm 2024.

Về phía nhóm BĐS khu công nghiệp, MBS đánh giá có nhiều lợi thế nhưng đi kèm với thách thức trong nửa cuối năm 2024.

Nhóm thép được nhận định sẽ bước vào "chu kỳ tăng trưởng mới". Nhóm bán lẻ cũng được kỳ vọng nhờ sự phục hồi tiêu dùng. Ngoài ra, một số ngành như điện, dầu khí, ngành mới liên quan đến trung tâm dữ liệu và bán dẫn, logistics cũng sẽ "sáng cửa" trong nửa cuối năm 2024.

Với triển vọng KQKD quý 2/2024, triển vọng tăng trưởng tích cực được ghi nhận ở nhiều mã Ngân hàng lớn, nhóm Thép, nhóm Tiêu dùng thiết yếu và Tiêu dùng không thiết yếu, nhóm Cảng & Vận tải biển. Mặc dù giai đoạn một số nhóm cổ phiếu lên mạnh vừa qua có thể đã phản ánh phần lớn triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này, SSI Research vẫn tin rằng tăng trưởng KQKD tích cực thay phiên nhau giữa các nhóm ngành và cổ phiếu vẫn sẽ tiếp tục là động lực của thị trường.

Tiến Hoàng/KTĐU

Từ khóa: