Nhiều công nhân tiếc nuối vì bán lại vàng với giá thấp hơn giá mua trước đó. Ảnh chụp chiều 5-7 tại tiệm Kim Sơn
Chiều 5-7, Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng Công an huyện Tân Uyên, cho hay công an đã lần tìm ra những công nhân đầu tiên đến tiệm vàng Kim Sơn bán vàng vào chiều 3-7 sau khi nghe tin đồn vàng của tiệm này là giả.
Tuy nhiên, những công nhân này cũng không xác định được tin vàng giả đầu tiên xuất phát từ ai.
Về nhận định riêng, Trung tá Tùng nghiêng về khả năng tin vàng giả do đối thủ cạnh tranh của tiệm vàng Kim Sơn tung ra. Khu vực tiệm vàng Kim Sơn hoạt động có hơn 8.000 công nhân làm việc gần đó. Sau các đợt lãnh lương, rất nhiều công nhân mua vàng nên các tiệm vàng ở đây cạnh tranh nhau để thu hút công nhân.
Bất chấp khẳng định từ cơ quan chức năng rằng vàng ở tiệm Kim Sơn là vàng thật, chiều 5-7, nhiều công nhân vẫn ghé tiệm này để bán lại vàng.
Một nữ công nhân vừa bán xong 1 chỉ vàng cho tiệm Kim Sơn với giá 3.980.000 đồng bước ra với khuôn mặt buồn so vì lỗ hơn 200.000 đồng so với thời điểm mua vào. Chị cho biết một chỉ vàng này chị phải để dành từ 3 lần lãnh lương mới mua được, dự định đợi khi nào vàng tăng sẽ bán để lấy tiền tổ chức đám cưới.
Sau khi tin đồn tung ra, đến nay đã có gần 1.000 người tới tiệm vàng Kim Sơn bán vàng. Ông Nguyễn Minh Sơn, người trực tiếp quản lý tiệm vàng này, cho biết ba ngày qua, ông liên tục mang vàng lên một công ty ở TPHCM để bán lại, lấy tiền đưa cho công nhân.
Ông Sơn không tiết lộ tổng số vàng đã bán lại là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo giấy tờ ông Sơn trưng cho phóng viên, chỉ tính riêng chiều 5-7, ông đã bán lại hơn 85 chỉ vàng.
“Buôn bán thì phải có lời nhưng tiệm tôi mua vàng vào đúng giá thị trường chứ không ép giá khách” - ông Sơn khẳng định. Ông Sơn không nói rõ số tiền lời đã thu được từ việc mua vàng của hàng trăm công nhân rồi bán lại hưởng tiền chênh lệch. Dù vui vì thu nhập 3 ngày qua của tiệm vàng mình tăng nhưng ông Sơn lo ngại về lâu dài, tiệm sẽ ế ẩm vì vắng khách do tin đồn vàng giả.