Sự kiện hot
2 năm trước

Áp lực tăng lãi suất ngân hàng dồn về cuối năm

Áp lực lạm phát tiếp tục tác động lên mặt bằng lãi suất, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng thêm lãi suất cơ bản USD vào cuối tháng 9 tới. Dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay đảm bảo ở mức 14-15% là phù hợp; dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm nghiệp, thủy sản, đồng thời kiểm soát vốn vào lĩnh vực rủi ro.

Áp lực lạm phát đang tác động lên mặt bằng lãi suất huy động.

Lãi suất huy động khó dừng lại

Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng nửa đầu năm nay tăng 9,3%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ và tăng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Trong khi đó, các ngân hàng sắp phải thực hiện quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của Thông tư 08/2021/TT-NHNN. Trước lộ trình tăng tiếp lãi suất USD của Fed, buộc các nhà băng từng bước điều chỉnh tăng lãi suất huy động và dự báo còn tăng trong thời gian tới.

Lạm phát đã leo thang trong 2 năm qua. HSBC đưa ra dự báo, lạm phát năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức trung bình 3,5%, thấp hơn mức trần 4% đặt ra, song áp lực giá sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2022.

Dựa vào các dự báo, HSBC cho rằng, lạm phát có thể vượt qua mức 4% kể từ quý IV/2022 đến quý II/2023, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nền kinh tế có độ trễ, hiện nay giá cả đang tăng lên, xăng dầu cũng mới chỉ tác động vòng 1, còn vòng 2, vòng 3 sẽ là tác động vào lương thực, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng. Điều này đè nặng sức ép lạm phát những tháng cuối năm.

Thực tế cho thấy, áp lực lạm phát đang tác động lên mặt bằng lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng 0,1-0,7% trong nửa đầu năm nay và dự báo tiếp tục xu hướng tăng trong 6 tháng cuối năm 2022. Cùng với lạm phát, theo giới phân tích, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022 theo quy định của Thông tư 08/2021/TT-NHNN và kỳ vọng nới room tín dụng khiến lãi suất tăng. Các ngân hàng liên tục tăng tốc trên đường đua lãi suất huy động. Đến đầu tháng 8/2022, mức lãi suất trên 7,55% đã xuất hiện tại không ít ngân hàng.

Đáng chú ý, các ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV và Agribank cũng vào cuộc đua tăng 10 điểm cơ bản cho kỳ hạn trên 12 tháng. Hiện mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trên thị trường là 7,55% thuộc về SCB. Còn tại Nam A Bank, mức cao nhất là 7,4% thuộc về kỳ hạn tiền gửi từ 16 đến 36 tháng.

Áp lực lên lãi vay

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại lý giải việc lãi suất huy động tăng nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho vay ngay trong trường hợp NHNN nới room tín dụng vào cuối năm nay. Đồng thời, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,4%, nhưng tăng trưởng huy động vốn chỉ khoảng 4,51% - tốc độ huy động vốn khá thấp, nên lãi suất huy động đẩy lên để kích thích người gửi tiền, bảo đảm thanh khoản.

Mặc dù không quá lo ngại cuộc đua tăng lãi suất huy động quá nóng, nhưng áp lực điều chỉnh lãi suất cho vay là có. NHNN đặt mục tiêu phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất hoặc có thể giảm lãi vay 0,5-1%/năm, nhưng giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh hiện tại là rất khó.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, lạm phát tăng khó tránh được mặt bằng lãi suất đi lên, kể cả với lãi suất cho vay ra. Thậm chí, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1-1,5% từ nay đến cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát, đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%, hạn mức 40.000 tỷ đồng.

Còn theo ông Cấn Văn Lực, NHNN nên cân nhắc về việc nới room tín dụng sớm hơn, thay vì chờ đến quý IV/2022, nhằm đảm bảo triển khai chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ lãi suất 2%, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang tăng cao. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay đảm bảo ở mức 14-15% là phù hợp. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm nghiệp, thủy sản, đồng thời kiểm soát vốn vào lĩnh vực rủi ro.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay, việc xác định tăng trưởng tín dụng cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Đối với tăng trưởng tín dụng, thời gian tới, NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại; tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ để đạt những mục tiêu đề ra.

Theo ndh.vn

Từ khóa: