Sự kiện hot
2 năm trước

Bản tin bất động sản 18/3: Sẽ quy hoạch Cam Lâm thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế

Khu đô thị du lịch Liên Nghĩa rộng 335 ha, tỉnh Lâm Đồng chưa chấp nhận việc tài trợ khảo sát và lập quy hoạch; Chuyển 30,8ha đất trồng lúa làm dự án đô thị;… là những điểm nổi bật đáng chú ý trong bản tin.

Chính phủ đồng ý quy hoạch huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) thành đô thị sân bay

Mục tiêu của việc lập quy hoạch là phát triển huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Từ đây sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì tổ chức lập nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm song song với việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Đáng chú ý đến năm 2030, đất thương mại dịch vụ ở huyện Cam Lâm tăng mạnh, từ 623 ha lên 1.815 ha (tăng 1.192 ha); đất ở nông thôn tăng gần 600 ha; đất vui chơi giải trí công cộng tăng hơn 400 ha; đất phát triển hạ tầng cũng tăng gần 1.400 ha trong đó đất giao thông tăng hơn 1.155 ha.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lâm Đồng chưa chấp thuận việc tài trợ khảo sát, lập quy hoạch khu đô thị du lịch Liên Nghĩa 335 ha

Theo Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nam Miền Trung Lâm Đồng, việc tài trợ lập đồ án quy hoạch là nhằm cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung được duyệt, làm cơ sở để cơ quan quản lý xây dựng đô thị tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư, góp phần phát triển khu vực một cách đồng bộ và hiệu quả. Tuy nhiên, đề xuất trên vấp phải một số ý kiến của các cơ quan chức năng tỉnh này. Trong đó có ý kiến cho rằng “không phù hợp” từ UBND huyện Đức Trọng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa

Cụ thể, sau khi xem xét Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3855/QĐ-UBND ngày 28/12/2006 đã cho thấy, khu vực đề xuất được xác định phần lớn là đất nông nghiệp hiện hữu giữ lại (khu vực trồng lúa cao sản) và một phần nhỏ đất nhà ở mật độ trung bình.

Mặt khác theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014, thì khu vực Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nam Miền Trung Lâm Đồng đề xuất được xác định phần lớn là đất công viên, một phần đất nông nghiệp và đất ở mới mật độ cao.

Phú Thọ: Chuyển 30,8ha đất trồng lúa làm dự án khu đô thị

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại văn bản số 254/TTg-NN, ngày 17/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chấp thuận UBND tỉnh Phú Thọ quyết định chuyển mục đích sử dụng 30,86 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Khu đô thị mới Thanh Minh.

UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định thực hiện dự án và việc tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đất đai;

Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện dự án bảo đảm đúng thẩm quyền, thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật đất đai cũng như quy định của pháp luật khác liên quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trên theo đúng quy định của  pháp luật.

Huế có thể là điểm nóng bất động sản tại thị trường miền Trung

Vào giữa năm 2021, dù đang chịu tác động của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng giá đất ở các vùng ven TP Huế ghi nhận tăng đột biến từ 30 - 40% so với thời điểm đầu năm này. Cá biệt, có khu vực tăng gấp đôi. Sở dĩ có tình trạng này là do Trung ương thông qua điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính TP Huế.

Việc mở rộng địa giới TP Huế đã tác động lớn đến thị trường BĐS địa phương. Nguồn ảnh: Internet 
Việc mở rộng địa giới TP Huế đã tác động lớn đến thị trường BĐS địa phương. Nguồn ảnh: Internet 

Theo tìm hiểu vào thời điểm trên, tại Thừa Thiên Huế hình thành một số điểm nóng về giá đất. Đơn cử như cuộc đấu giá những lô đất thuộc khu quy hoạch (mở rộng địa giới TP Huế) thôn Phước Linh, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang vào ngày 27/3/2021. Giá khởi điểm các lô thuộc vị trí 1 được đấu từ 6 triệu đồng/m2, sau đó tăng vọt lên hơn 18 triệu đồng/m2.

Hay cuộc đấu giá đất tạo “sốt” ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà vào hồi tháng 5/2021 cũng khiến nhiều người choáng. Khu đất vốn là đất ruộng được chính quyền thu hồi, chuyển mục đích sử dụng thành đất ở rồi cho đấu giá ở thôn Thuận Hòa, ban đầu chỉ hơn 1 triệu đồng/m2 nhưng kết thúc đấu giá, lô nhỏ nhất với diện tích khoảng 160m2 hơn 1 tỷ đồng.

Cũng trong cơn “sốt đất” thời điểm đầu năm 2021, đất ở khu vực trung tâm TP Huế ghi nhận tăng giá từ 10 - 15% so với thời điểm cuối năm 2020. Trước những diễn biến phức tạp trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào cuộc chấn chỉnh thị trường, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng sốt đất, sốt giá và bong bóng BĐS. 

Vĩnh Phúc: tập trung thực hiện các dự án trọng điểm

Cho ý kiến vào tiến độ thực hiện dự án Bệnh viện Sản - Nhi và dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu đến 30/3/2022, phải hoàn thành dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo mốc thời gian gia hạn của UBND tỉnh.

vinh phuc tap trung thuc hien cac du an trong diem
Dự án Bệnh viện Sản – Nhi Vĩnh Phúc đến hết quý II/2022 phải thực hiện xong các thủ tục đầu tư và hoàn thành, bàn giao.

Về tiến độ triển khai thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA gồm: Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, Dự án cầu Đầm Vạc và Dự án chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động một cách khoa học, tránh chồng chéo; báo cáo kịp thời về việc triển khai các dự án, đề xuất hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc và có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các địa phương.Đối với dự án Bệnh viện Sản – Nhi Vĩnh Phúc, đến hết quý II/2022 phải thực hiện xong các thủ tục đầu tư và hoàn thành, bàn giao dự án. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh làm việc với Bộ Xây dựng để có hướng dẫn cụ thể các hợp phần dự án; sắp xếp lịch nghiệm thu các dự án; phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán đối với 2 dự án trong năm 2022.

Đối với tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm đã có chủ trương nghiên cứu, gồm các dự án: Cầu Kim Ngọc, cầu Nguyễn Tất Thành, Trung tâm triển lãm và giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Thư viện tỉnh, Trường THPT Trần Phú, Khu liên hợp thể thao, các dự án xây dựng trường THCS chất lượng cao của các huyện, trụ sở Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh, Trường chuyên biệt dành cho trẻ em khuyết tật, dự án cải tạo, chỉnh trang và kè hồ Đầm Vạc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, các dự án này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo từ năm 2020. Đồng chí đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét lựa chọn phương án kiến trúc cầu Kim Ngọc và chậm nhất trong quý III/2022 khởi công xây dựng cầu Nguyễn Tất Thành.

Tiến Hoàng (tổng hợp)
KTDU

Từ khóa: