Những thông tin đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Chính phủ thông tin số liệu mới nhất về dư nợ tín dụng và trái phiếu bất động sản; Lời giải nào cho ‘cơn khát’ nhà ở xã hội tại TP.HCM?...
Chính phủ thông tin số liệu mới nhất về dư nợ tín dụng và trái phiếu bất động sản
Chính phủ đã có báo cáo đến Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Theo báo cáo, trong những năm qua, dư nợ tín dụng BĐS luôn có sự tăng trưởng nhưng mức tăng đã giảm (từ 26,76% năm 2018 xuống 15,37% năm 2021); tỷ trọng khoảng 19-20% tổng dư nợ nền kinh tế. Đồng thời, tỷ trọng dư nợ tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng BĐS cao hơn mục đích kinh doanh BĐS.
Theo Chính phủ, dư nợ tín dụng đối với phân khúc nhà ở luôn chiếm tỷ trọng cao nhất (trên 60% dư nợ tín dụng BĐS) cho thấy ngành Ngân hàng tập trung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu thiết yếu về nhà ở của người dân.
Cụ thể, đến thời điểm 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2.240.166 tỷ đồng, tăng 7,87% so với 31/12/2021, chiếm tỷ trọng 20,23% tổng dư nợ tín dụng chung; trong đó, dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 7,75%, chiếm tỷ trọng 65,01% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS; dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS tăng 8,1%, chiếm tỷ trọng 34,99%.
Về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đến cuối tháng 3/2022, tổng số dư đầu tư TPDN là 326,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,0% so với cuối năm 2021 (chiếm tỷ trọng 2,95% tổng dư nợ tín dụng). Trong đó, đầu tư TPDN với mục đích xây dựng, kinh doanh BĐS là 124,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,15% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 38,2% trong tổng số dư đầu tư TPDN.
Tổng số dư đầu tư TPDN với mục đích tăng quy mô vốn của doanh nghiệp phát hành đến cuối tháng 3/2022 là 101,5 nghìn tỷ đồng (tăng 7,18% so với cuối tháng 12/2021), chiếm 31,6% trong tổng số dư đầu tư TPDN của toàn hệ thống.
Trong thời gian tới, về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trên cơ sở thực tiễn hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư trái phiếu tại các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của TCTD khi tham gia vào thị trường TPDN nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thị trường TPDN phát triển bền vững.
Lời giải nào cho ‘cơn khát’ nhà ở xã hội tại TP.HCM?
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong hơn 10 năm qua, thị trường bất động sản TP.HCM đan xen “thăng trầm”, trải qua các giai đoạn tăng trưởng nóng dẫn đến “bong bóng” bất động sản, khủng hoảng đóng băng rồi lại phục hồi và tăng trưởng mạnh.
Trong đó, giai đoạn 2018 - 2020, thị trường gặp khó khăn do quy mô thị trường bất động sản bị sụt giảm, thiếu dự án và rất thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là nhà có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Đặc biệt là từ năm 2020, “cơn khát” căn hộ bình dân tiếp tục kéo dài khi chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở đưa ra thị trường.
Đến năm 2021, trong tổng số 14.443 căn nhà đã không còn căn hộ bình dân (0%). Có đến 10.404 căn nhà cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm 73,98%, nhà ở trung cấp, chiếm 26,02% tại thị trường TP.HCM.
Giai đoạn 2015-2020, cả nước đã thực hiện 248 dự án nhà ở xã hội với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch; TP.HCM thực hiện được 15.000 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020.
“Cơ cấu sản phẩm nhà ở như trên là biểu hiện rõ nét của tình trạng lệch pha cung - cầu, thị trường bất động sản phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững, rất thiếu loại nhà ở vừa túi tiền và thừa cung nhà ở cao cấp”, Chủ tịch HoREA cảnh báo.
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM đề ra trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ phát triển 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, tương đương 35.000 căn nhà ở xã hội (nhà lưu trú cho công nhân và ký túc xá sinh viên).
Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trong danh mục là 47 dự án, trong đó, 10 dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất ở 20%. Còn 37 dự án có nguồn gốc do doanh nghiệp tự đền bù, thực hiện lựa chọn chủ đầu tư và công nhận chủ đầu tư theo quy định.
Mặc dù kế hoạch đề ra là thế nhưng theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, để thực hiện được mục tiêu này là một vấn đề nan giải, bởi vẫn còn rất nhiều bất cập tồn đọng trong thời gian qua chưa thể giải quyết.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung - cầu do thị trường đang rất thiếu hụt nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với thu nhập và nhà ở xã hội.
Do vậy, trong năm nay cần xây dựng đồng bộ cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển mạnh mẽ nhà ở có giá phù hợp với thu nhập và nhà ở xã hội để cân bằng thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Cần sửa đổi nghị định để tránh phân lô, bán nền
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, kiến nghị sửa đổi quy định dưới luật về tách thửa đất ở, tránh tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để phân lô, bán nền tràn lan.
Theo HoREA, các quy định tại điều 43d và điều 75a, Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã dẫn đến tình trạng các địa phương thực hiện tách thửa đối với từng loại đất, trong đó có tách thửa đối với đất nông nghiệp hoặc các loại đất khác không phải là đất ở, đã dẫn đến tình trạng đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp "bất lương" lợi dụng để phân lô, bán nền tràn lan, gây ra các cơn sốt ảo giá đất, tác động xấu đến thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Bamboo Capital (BCG) sắp triển khai dự án 16,94ha tại Đắk Nông
Công ty Cổ phần Bamboo Capital (HoSE: BCG) vừa công bố thông tin Nghị quyết của HĐQT số 54/2022/NQ-HĐQT-BCG về việc hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần BCG Land (thành viên của Bamboo Capital) để phát triển dự án khu dân cư tổ 5, phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Dự án có diện tích 16,94ha với tổng mức đầu tư dự kiến 2.623 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong 36 tháng. Giá trị hợp tác góp vốn từ BCG Land dự kiến 800 tỷ đồng.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2022, BCG ghi nhận đạt 1.263 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 522 tỷ đồng, lần lượt tăng 98% và 221% so với cùng kỳ. Tại thời điểm 31/03/2022, tổng tài sản của BCG ghi nhận tăng 10% so với đầu năm, đạt 41.504 tỷ đồng nhờ tăng trưởng tài sản cố định.
Năm 2022, BCG đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 7.250 tỷ đồng, tăng trưởng 280% so với thực hiện 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 220%. BCG dự kiến tăng vốn bằng cách phát hành hơn 266 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1, giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tại ĐHCĐ diễn ra mới đây, phương án phát hành cổ phiếu theo hình thức bán đấu giá 250 triệu cổ phần ra công chúng cũng được thông qua. Giá chào bán khởi điểm được xác định bằng tối thiểu 70% giá tham chiếu bình quân của 60 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán của cổ phiếu BCG tính đến ngày công ty ra nghị quyết chào bán.
Cổ tức năm 2021 được chi BCG chi trả theo tỷ lệ 10%, gồm 5% tiền mặt và 5% cổ phiếu. Nếu tính cả 25,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức và 5 triệu cổ phiếu ESOP, tổng giá trị cổ phần BCG dự kiến phát hành trong năm nay tính theo mệnh giá là 5.183 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất các đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của Bamboo Capital sẽ tăng gấp đôi từ 5.033 tỷ đồng lên khoảng 10.500 tỷ đồng.
Tiến Hoàng/KTDU