Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin nông sản 8/6: Giá gạo tăng tại các trung tâm xuất khẩu nhờ nhu cầu mạnh

Xuất khẩu cao su trong tháng 5 tăng 28%; mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy tiếp tục phát huy hiệu quả cao; phát triển công nghiệp bảo quản chế biến nông sản: giải pháp tối ưu nâng giá trị sản phẩm… sẽ là những thông tin đáng chú ý có trong bản tin hôm nay.

Giá gạo tăng tại các trung tâm xuất khẩu nhờ nhu cầu mạnh

Theo Reuters, giá gạo đồ 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 420 - 425 USD/tấn vào tuần trước, tăng từ mức 415 - 420 USD của một tuần trước đó.

Giá gạo tăng cao nhất 3,5 tháng, xuất khẩu đi các thị trường chính dự báo  rất tích cực

"Các thương nhân đang tăng cường thu mua từ nông dân để chuẩn bị cho các hợp đồng sắp tới", một thương nhân cho biết.

Việt Nam đã xuất khẩu 2,86 triệu tấn gạo, trị giá 1,39 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 10,3% về lượng nhưng giảm 1% về giá trị so với một năm trước đó. 

Tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm báo đạt 355 - 360 USD/tấn, tăng từ mức 350 - 354 USD/tấn trong tuần cuối của tháng 5. 

“Người mua đang tìm tới Ấn Độ vì giá cả cạnh tranh hơn so với nguồn cung từ Thái Lan và Việt Nam”, một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này cho biết.

Theo các nguồn tin thương mại và chính phủ, Ấn Độ không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo vì quốc gia Nam Á có đủ dự trữ và tỷ giá nội địa thấp hơn giá hỗ trợ do nhà nước ấn định.

Các thị trường toàn cầu đang lo ngại rằng gạo có thể là mặt hàng tiếp theo trong chương trình nghị sự sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.

Không giống như các mặt hàng khác như dầu ăn và lúa mì, vốn ghi nhận giá tăng mạnh do nguồn cung bị gián đoạn sau khi Nga tấn công Ukraine, giá gạo nhìn chung vẫn ổn định nhờ sản lượng bội thu và lượng dự trữ khổng lồ, theo Economic Times.

Triển vọng mùa màng ở đất nước gần 1,4 tỷ dân lạc quan hơn sau khi Cục Khí tượng Ấn Độ dự báo những trận mưa gió mùa bình thường trong năm thứ 4 liên tiếp. Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9, tưới nước cho hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp của cả nước, cũng lấp đầy các hồ chứa nước để tưới cây vụ đông.

Xuất khẩu cao su trong tháng 5 tăng 28%

Xuất khẩu cao su dự báo một năm nhiều thuận lợi

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu cao su trong tháng 5 là 110.000 tấn, trị giá 181 triệu USD, tăng 40,4% về lượng và tăng 28% về trị giá so với tháng trước đó. So với tháng 5, xuất khẩu cao su tăng 33,1% về lượng và tăng 26,4% về trị giá.

Giá cao su xuất khẩu bình quân trong tháng 5 là 1.645 USD/tấn, giảm 9% so với tháng 4 và giảm 5% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su ở mức 595.000 tấn, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 8% về lượng và tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Các thị trường mua cao su của Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Pakistan, Tây Ban Nha và Anh.

Trong tháng 5, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số nơi giảm so với cuối tháng 4. Tại Bình Phước, mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 305-345 đồng/độ mủ, giảm 15 đồng/độ mủ so với cuối tháng 4. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 305-315 đồng/độ mủ, giảm 15 đồng/độ mủ.

4 tháng đầu năm, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, SVR3L, SVR10, Latex, RSS3, SVRCV60… Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 60% tổng lượng xuất khẩu của cả nước, với 291.000 tấn, trị giá 508 triệu USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Phát triển công nghiệp bảo quản chế biến nông sản

Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản thời kỳ hội nhập

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, tổn thất sau thu hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn còn rất lớn, chiếm 20-25%, ước tính thiệt hại khoảng 8,8 triệu tấn nông sản/năm (tương đương 3,9 tỷ USD).

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 40 tỷ USD các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, nhưng hệ thống bảo quản chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu nên chủ yếu vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, tươi sống… Đó là chưa kể đến những áp lực thị trường mỗi khi vào vụ thu hoạch.

Trong khi đó, cả nước hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, nhưng phần lớn quy mô vừa và nhỏ. Theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (Bộ NN& PTNT), hầu hết công nghệ của các doanh nghiệp chế biến nông sản đã qua 3-4 thế hệ, 73% nhà xưởng tạm bợ, chắp vá; 40% doanh nghiệp không có trình độ chuyên môn, tay nghề…; chỉ có 1-5% doanh nghiệp đăng ký chất lượng sản phẩm. 

Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực chế biến nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, các cấp, ngành cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai) Bùi Thị Hạnh Hiếu cho biết, để bảo đảm nguồn nông sản an toàn cung cấp cho thị trường, cùng với việc doanh nghiệp chủ động đầu tư hệ thống kho lạnh, chế biến nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch..., các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn, công nghệ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Đào Thế Anh, việc quy hoạch hệ thống kho lạnh cần phù hợp với từng vùng sản xuất, không thể tự phát như hiện nay; cần có kho lạnh cỡ nhỏ do hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý tại các vùng trồng cây ăn quả, như: Vải thiều, thanh long, nhãn… Còn tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cần đầu tư hệ thống kho lạnh phù hợp.

Mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy tiếp tục phát huy hiệu quả cao

Nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy - Hànộimới

Báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tại hội nghị cho thấy, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội hiện nay mới tập trung chủ yếu khâu làm đất (chiếm gần 100% diện tích) và khâu thu hoạch (chiếm trên 85% diện tích); với khâu gieo, cấy, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vẫn còn thấp, mới đạt trên 3% diện tích.

Trong khi đó, lực lượng lao động chính của nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác nên vào thời vụ gieo cấy lúa thường thiếu hụt lực lượng lao động, giá thuê nhân công cao gấp 1,5-2 lần so với lúc nông nhàn. Vì vậy, hiệu quả trong sản xuất lúa thấp, nhiều nơi nông dân không mặn mà với nghề trồng lúa, bỏ ruộng hoang để làm việc khác có thu nhập cao hơn.

Để khắc phục tình trạng trên, thành phố đang tập trung hỗ trợ, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, trong đó ưu tiên cơ giới hóa khâu gieo, cấy.

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển cơ giới hóa trong khâu gieo, cấy cùng với đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu vào sản xuất, mang lại hiệu quả rõ rệt cho người sản xuất.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung (trên 10ha/điểm mô hình trở lên) tại 7 xã thuộc 4 huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, quy mô 270ha, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp cấy truyền thống.

Ông Lê Lưu Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và liên kết sản xuất đã lan tỏa tại nhiều địa phương. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được hỗ trợ chi phí mạ khay, máy cấy; phân bón; phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất mạ khay phục vụ máy cấy; kỹ thuật chăm sóc lúa cấy bằng máy. Thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy rất thuận tiện cho việc chăm sóc; lúa ít bị sâu bệnh.

Qua nhiều năm triển khai, mô hình mạ khay cấy máy tiếp tục khẳng định ưu thế vượt trội so với phương pháp canh tác lúa truyền thống, do đó, trong vụ mùa tới đây, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình tại các địa phương, làm cơ sở để nhân rộng.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: