Sự kiện hot
12 năm trước

Báo động về nạn mạo danh thất nghiệp nhận tiền trợ cấp

Hai tháng gần đây, hiện tượng người đi đăng ký thất nghiệp (BHTN) để nhận tiền trợ cấp tại TPHCM tăng một cách đột biến.

Hai tháng gần đây, hiện tượng người đi đăng ký thất nghiệp (BHTN) để nhận tiền trợ cấp tại TPHCM tăng một cách đột biến.

Cùng với đó các hiện tượng gian dối nhằm trục lợi quỹ này cũng như công tác quản lý và hệ thống pháp luật về BHTN cũng đang dần lộ rõ những bất cập.

Người đăng ký thất nghiệp tăng đột biến những tháng đầu năm 2012.

Số người thất nghiệp tăng đột biến!

Có mặt tại điểm đăng ký thất nghiệp thuộc Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM từ rất sớm khi còn chưa đến “giờ công”, nhưng bãi giữ xe của trung tâm đã không còn chỗ để nhận xe nữa. Bên trong khu vực đăng ký thất nghiệp người đã được nêm kín, họ chen lấn, la ó, ai cũng muốn mau chóng cho xong việc.

Phía bên ngoài lượng người cũng đứng tràn dọc con đường kéo dài đến hàng trăm mét. Các dịch vụ ăn uống lưu động như bán nước, cà phê, thuốc lá, ăn sáng cũng được mở ra hoạt động nhộn nhịp như một cái chợ cóc – điều mà trước đây chưa từng có.

Anh Đặng Bá Lộc – công nhân tại Xí nghiệp toa xe Sài Gòn cho biết, vừa bị công ty cho nghỉ việc, lớn tuổi rồi đi tìm việc làm cũng khó khăn. Anh Lộc phân trần là thủ tục hồ sơ sao mà rắc rối, đây là lần thứ hai anh quay lại Trung tâm để bổ túc giấy tờ mà cũng chưa biết có suôn sẻ không nữa. Chị Nguyễn Thị Bình – công nhân công ty TNHH TM và DV Xuyên Thái Bình ở quận Bình Thạnh thì cho biết: "Bị mất việc làm đã khổ rồi, đến đây đăng ký hưởng trợ cấp lại còn thấy cực hơn nữa, người đăng ký thì đông mà sao họ bố ít nhân viên để tiếp nhận vậy".

Ông Nguyễn Cao Thắng – Trưởng phòng đăng ký thất nghiệp thuộc TTGTVL TP HCM cho hay, tháng 4 và 5 vừa qua, lượng DN ngừng hoạt động và cắt giảm lao động quá nhiều, dẫn đến công nhân mất việc làm, một ngày mà có đến vài ngàn người đến đăng ký nên việc tiếp nhận gặp nhiều khó khăn.

Sáu tháng nay đã có đến gần 100.000 người đăng ký hưởng BHTN, riêng hai tháng gần đây lượng người đăng ký kỷ lục lên đến khoảng 20.000 người mỗi tháng. Còn tại Bình Dương, ông Bùi Hữu Phong – giám đốc BHXH tỉnh này cũng cho hay, tính từ đầu năm đến nay trên toàn địa bàn cũng có khoảng 100.000 lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng kỷ lục so với nhiều năm gần đây.

Theo BHXH TP.HCM, chỉ 5 tháng đầu năm 2012 cơ quan BHXH đã chi trợ cấp cho khoảng 30.000 người với tổng số tiền gần 200 tỉ đồng. Trong đó riêng tháng 4 đã chi số tiền kỷ lục gần 54 tỉ đồng.

Xuất hiện gian dối, trục lợi

Nếu như trong năm 2011 tại TP. HCM chỉ có 6 trường hợp bị thu hồi quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì tính đến hết tháng 5/2012 có 105 trường hợp bị thu hồi do không đủ điều kiện hưởng. Lý do thu hồi tiền trợ cấp là do đã có việc làm trước thời điểm hưởng thất nghiệp, có nghĩa, mặc dù sau 15 ngày tìm kiếm việc làm, người lao động đã giao kết hợp đồng lao động mới nhưng lại kê khai chưa có việc làm và tiếp tục đi nhận trợ cấp thất nghiệp. Trên thực tế đây chỉ là những trường hợp bị phát hiện, khi Trung tâm giới thiệu việc làm yêu cầu họ xuất trình Hợp đồng lao động.

Mới đây tại Công ty TNHH Dệt may Thái Dương, quận Thủ Đức, TPHCM các nhân viên Đỗ Trung Hiếu, Trần Thị Kim Lan, Dương Thị Thùy Trang, Phạm Thị Nỡ được công ty thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động ( HĐLĐ) để đăng ký thất nghiệp. Mỗi nhân viên này sau đó đã nhận được gần chục triệu đồng.

Đáng nói, vừa chấm dứt HĐLĐ được ít ngày thì các nhân viên đã  quay trở lại làm việc bình thường, công ty cũng đăng ký và khai báo tăng lao động, đóng các chế độ BHXH, BHYT trên cùng một sổ cũ. Do xác định đây là vụ có dấu hiệu “bắt tay” giữa DN và NLĐ nhằm trục lợi chế độ BHTN, nên cơ quan BHXH đã làm văn bản đề nghị giám đốc Sở LĐTBXH ra quyết định thu hồi số tiền trợ cấp thất nghiệp của các đối tượng, đồng thời tiến hành thanh tra Công ty Thái Dương. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, đây có thể không phải chỉ là vụ cá biệt.

Hoàn thiện pháp luật

Theo Luật gia Lê Trúc Phương, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, mất việc làm, thất nghiệp là vấn đề bình thường trong quá trình vận động của đời sống, nó có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào. Tại những nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Thụy Sỹ… các vấn đề về BHTN hay trợ cấp cho người mất việc làm đã được đặt ra từ rất lâu. Tại Việt Nam, đây là vấn đề mới và nhiều người chưa nhận thức đầy đủ, chính xác vai trò và mục đích an sinh xã hội của Nhà nước. Vì thế luật pháp về BHTN phải cần hoàn thiện hơn nữa cho phù hợp thực tiễn.

Hiện nay công tác thực hiện và pháp luật về vấn đề này cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Ví dụ trường hợp người lao động hàng tháng có đóng BHTN cho công ty, nhưng công ty lại không đóng cho cơ quan BHXH. Khi người lao động mất việc làm đi đăng ký thất nghiệp sẽ không được chấp nhận vì không có sổ BHXH. Đây là vấn đề gây thiệt thòi lớn cho người lao động và mất đi bản chất của việc trợ giúp khi khó khăn. Đặc biệt là vấn đề dù không mất việc làm, thất nghiệp nhưng người lao động và doanh nghiệp lại vẫn thỏa thuận với nhau để đăng ký và nhận trợ cấp. Hiện các Trung tâm giới thiệu việc làm chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm tra tình trạng này.

Cơ chế xử lý vấn đề này cũng đang bị bỏ lửng, dù đã có vi phạm xảy ra, nhưng trên thực tế chưa có trường hợp nào bị xử lý. Hành vi khai báo không đúng tình trạng việc làm của người đăng ký thất nghiệp được xử lý theo Điều 24 Nghị định 86/2010/NĐ – CP. Hiện nay, Sở lao động thương binh và xã hội TP.HCM chỉ ra quyết định thu hồi số tiền người vi phạm đã hưởng mà chưa có quyết định xử phạt. Như vậy, người chiếm dụng sẽ không “sợ” và thực hiện nghĩa vụ hoàn trả nếu không có lợi trước mắt cho họ. Vì thế trong tổng số 105 trường hợp bị thu hồi tiền trợ cấp vì gian trá chỉ mới có 33 trường hợp hoàn trả.

Như vậy, theo các chuyên gia pháp luật, ngoài việc phải tạo thêm các điều kiện để người thất nghiệp được hỗ trợ một cách thuận lợi nhất trong lúc khó khăn, thì các cơ quan thực hiện chính sách và hệ thống pháp luật phải cần hoàn thiện hơn nữa để xử lý và hạn chế các trường hợp gian dối, lợi dụng kẻ hở để lấy tiền.

Theo Pháp Luật Việt Nam

Từ khóa: