Thiếu quy hoạch đồng bộ, dễ dãi trong cơ chế xin cho, doanh nghiệp (DN) không đúng chức năng cũng lao vào làm bất động sản… đó là những nguyên nhân cơ bản của thực trạng thừa nhà ở thương mại (NƠTM), thiếu hụt nhà ở xã hội (NƠXH) tại Hà Nội hiện nay.
Thiếu quy hoạch đồng bộ, dễ dãi trong cơ chế xin cho, doanh nghiệp (DN) không đúng chức năng cũng lao vào làm bất động sản… đó là những nguyên nhân cơ bản của thực trạng thừa nhà ở thương mại (NƠTM), thiếu hụt nhà ở xã hội (NƠXH) tại Hà Nội hiện nay.
Xây dựng những tòa nhà đa chức năng vẫn là xu hướng chung của các chủ đầu tư từ trước tới nay
Bất cập
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn có 370 dự án xây dựng khu đô thị và khu NƠTM đã và đang được thực hiện trên diện tích 17.765 ha. Theo đó, sẽ có khoảng 520.700 căn hộ, trong đó có 346.000 căn hộ chung cư và 174.000 căn hộ thấp tầng.
Trong khi, trên địa bàn chỉ có 14 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, với 13 ha để thực hiện các dự án. Quy mô khiêm tốn như vậy chỉ cung cấp được 15.412 căn hộ thì làm sao đáp ứng đủ nhu cầu của hàng chục vạn cán bộ công nhân viên đang thiếu nhà ở.
Thời gian qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành khảo sát và tổng hợp ở 118 đơn vị có cán bộ, công chức của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn và công chức, viên chức của TP. Hà Nội. Kết quả cho thấy, có 193.261 người có nhu cầu mua NƠXH và nhà ở cho người thu nhập thấp, trong đó có 157.153 người thuộc các cơ quan trung ương đăng ký. Số người thuộc quản lý của TP. Hà Nội có 36.108 người đăng ký.
Lý giải về sự mâu thuẫn giữa NƠTM và NƠXH, ông Nguyễn Phúc Long, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Thăng Long cho rằng, phải 5 - 10 năm nữa mới tiêu thụ hết lượng nhà ở hiện có. Đó là chưa nói tới hàng trăm dự án đã được phê duyệt. Nếu triển khai hết số các dự án này mà không điều chỉnh sang NƠXH thì 20 - 30 năm nữa mới tiêu thụ hết hàng.
Theo một chuyên gia của viện Quy hoạch TP. Hà Nội, diện tích đất để làm nhà theo quy hoạch đến năm 2050 đã “tiêu” hết trong thời gian qua. Sai lầm là ở chỗ, lẽ ra các cơ quan chức năng phải thực hiện cấp đất theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu thực tế, thì họ đã cấp tập cấp hết toàn bộ diện tích đất dự phòng. Đó là lý do nhiều DN được cấp đất để thực hiện nhiều dự án, nhưng lại thiếu tiền triển khai. Có tới hàng trăm ha đất bị bỏ hoang nhiều năm nay ngay giữa thủ đô gây bức xúc trong nhân dân.
Đây cũng là nguyên nhân các DN muốn xin mới dự án xây dựng NƠXH thì phải đi cách xa trung tâm thành phố gần 20 km mới may ra có đất. Lý giải về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, do thị trường bất động sản từ trước đến nay phát triển không theo kế hoạch và thiếu hẳn một quy hoạch đồng bộ. Hệ lụy này phải khắc phục cả hàng chục năm.
Tháo gỡ
Hai câu hỏi lớn đang làm đau đầu các nhà quản lý và các nhà DN là: Làm thế nào để sớm tan băng trên thị trường bất động sản? Và làm thế nào để sớm có nhiều NƠXH?
Tại Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng vừa tổ chức, các đại gia bất động sản đã tiên phong tìm biện pháp tháo gỡ, cụ thể: Theo đại diện của HUD thì khó khăn lớn nhất hiện nay là tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và thực hiện các ưu đãi khác theo luật định. Một tập đoàn lớn và có uy tín như HUD cũng gặp khó khăn thực sự trong việc tiếp cận vốn. Với cơ chế như hiện nay, thì rõ ràng việc tiếp cận vốn không dễ. Để tạo sự thông thoáng hơn, Bộ Xây dựng sớm phối hợp với các cơ quan liên quan để tạo điều kiện cho DN được thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để vay vốn, nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình với chúng tôi về giải pháp này và họ mong muốn như chúng tôi xem đây là một trong các giải pháp hữu hiệu nhất để cứu các DN bất động sản; quy định cụ thể tiền sử dụng đất đối với các diện tích hạ tầng công cộng; xem xét bổ sung quy định chi tiết về hỗ trợ đầu tư…
Lãnh đạo Vigracera kiến nghị trong mỗi dự án khu đô thị, nhà chung cư cần quy định trích một phần diện tích để xây dựng căn hộ loại nhỏ (25 - 45m2). Nếu làm sớm được điều này sẽ giải quyết kịp thời cho nhu cầu nóng về chỗ ở đối với những cá nhân, hộ gia đình có mức tích lũy còn khiêm tốn…
Đại diện của Vinaconex cho rằng, các dự án NƠTM phải dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH là không phù hợp với hoàn cảnh hiện nay thậm chí hoàn toàn bất cập. Thời gian qua nhiều DN triển khai các dự án biệt thự cao cấp, phải dành 20% diện tích để xây chung cư làm NƠXH. Thực tế rất hiếm những DN thực hiện được quy định này bởi nếu cắt dành 20% quỹ đất cho NƠXH thì quy hoạch tổng thể bị phá vỡ, cộc lệch. Từ ý kiến này, đại diện Vinaconex đề nghị bãi bỏ quy định dành 20% quỹ đất cho NƠXH trong dự án NƠTM. Việc phát triển các đô thị NƠXH phải theo kết cấu ngược lại mới tạo ra sự đồng bộ và xóa bỏ được sự cộc lệch. Cụ thể, trong các đô thị NƠXH, nên dành 20% quỹ đất để xây NƠTM. Như vậy tạo được điểm nhấn hấp dẫn trong hệ thống NƠXH.
Bức tranh bất động sản Hà Nội đang có quá nhiều khiếm khuyết, khi treo lên, nhìn từ xa thấy nhiều rối rắm, nhìn gần thì xô lệch, tối màu.
Thế Lữ
theo Thanh tra