Khách hàng chờ đợi bất động sản tiếp tục xuống giá. Thị trường không có giao dịch. Vốn tự có không nhiều, ngân hàng vẫn thờ ơ, chỉ khách hàng mới “cứu” được chủ đầu tư lúc này.
Khách hàng chờ đợi bất động sản tiếp tục xuống giá. Thị trường không có giao dịch. Vốn tự có không nhiều, ngân hàng vẫn thờ ơ, chỉ khách hàng mới “cứu” được chủ đầu tư lúc này.
Ngân hàng phát tín hiệu hạ lãi suất, nới lỏng tín dụng đối với mảng bất động sản. Nhiều người hi vọng thị trường sẽ bắt đầu khởi sắc. Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Người tiêu dùng vẫn còn nghe ngóng, chờ đợi giá bất động sản tiếp tục đi xuống.
Tích cóp được khoảng 400 triệu đồng, anh Phạm Huy Hoàng bàn tính với vợ sẽ vay mượn thêm tiền để mua căn hộ khoảng một tỷ đồng vì nghĩ thời điểm này là thời cơ “ngàn năm có một” để hiện thực hóa giấc mơ “an cư lạc nghiệp”. Với mức giá đó, các dự án căn hộ ở Xa La (Hà Đông, Hà Nội) cho nhiều lựa chọn.
Nhưng bình tâm lại tính toán giữa tiền vay mượn ngân hàng và phỏng đoán giá nhà đất sẽ còn đi xuống. Thế là vợ chồng anh quyết định hoãn giấc mơ nhà ở, chờ một thời gian nữa để giá xuống tiếp mới mua.
Nhiều đôi vợ chồng trẻ đang có nhu cầu thực về nhà ở cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Có sẵn ít vốn liếng, cộng thêm việc bất động sản “tụt dốc”, nhiều bạn trẻ đã tính chuyện mua vào. Nhưng phần vì chưa đủ tiền, vay mượn cũng khó khăn nên cái đích cuối cùng vẫn chưa đạt được.
“Để đủ tiền mua căn hộ vợ chồng tôi phải vay ngân hàng ít nhất là 300 triệu đồng. Giả sử vay được thì mỗi năm cũng phải chịu lãi dăm chục triệu đồng. Nếu sau này giá nhà đất tiếp tục đi xuống thì sẽ thiệt đơn thiệt kép. Nhiều khả năng giá sẽ còn đi xuống, nên vợ chồng tôi tiếp tục chờ đợi” – chị Mỹ Lan (ở Nam Trực, Nam Định) chia sẻ.
Vũ Quang Tuấn – giám đốc một sàn giao dịch trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết, khoảng hơn một tháng nay, khi mức lãi suất cho vay giảm, thị trường bất động sản đã sôi động hơn trước. Nhiều khách hàng đã gọi điện đặt vấn đề mua căn hộ. Chủ yếu là những cặp vợ chồng trẻ có nhu cầu ở thực. Loại căn hộ trên dưới một tỷ được nhiều người quan tâm nhất.
“Nếu như trước đó cả tháng trời chẳng có khách thì gần đây mỗi ngày tôi phải đưa vài khách đi xem căn hộ. Nhưng lượng giao dịch thành công không nhiều. Khách hàng vẫn dè chừng, chưa quyết định xuống tiền mua” – anh Tuấn cho biết.
Thị trường bất động sản hạ giá nhưng vẫn tâm lý chờ đợi giá giảm tiếp tục.
Thị trường dù đã được kích thích nhưng không có giao dịch. Người “ăn không ngon, ngủ không yên” lúc này vẫn là giới chủ đầu tư. Họ quan niệm khi thị trường minh bạch, bất động sản không còn là sân chơi của giới đầu cơ. Thị trường đóng băng hay sôi động trở lại phụ thuộc vào người có nhu cầu thực về nhà ở.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) phân tích, khi mảng nhà ở cho công nhân, sinh viên thu hồi vốn lâu thì phát triển các loại hình nhà chung cư cao tầng vẫn là lựa chọn của chủ đầu tư.
Theo ông Tuấn, bài toán vốn hiện nay vẫn trở thành vấn đề hóc búa nhất của mỗi công trình. Đơn cử như mảng nhà ở xã hội, dù đã hoàn thiện được 70%, nhưng vẫn không thể hoàn thiện và đưa vào sử dụng được vì thiếu vốn. Hay khu nhà cho sinh viên ở Mỹ Đình với sức chứa 8.000 sinh viên, dù đã bố trí được 900 tỷ đồng, nhưng dự án vẫn vướng vì còn thiếu khoảng 500 tỷ đồng.
Nhà ở xã hội là vấn đề quan trọng được Hà Nội triển khai khá quyết liệt trong thời gian qua. Nhưng ông Tuấn cho rằng nếu không bố trí vốn đầu tư tập trung cho từng công trình thì mảng nhà ở sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nhưng vị chủ tịch một tập đoàn lớn trên địa bàn thủ đô này cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là mảng nhà ở thương mại. Nhiều dự án bình dân, bán bằng hoặc dưới giá thành nhưng thị trường vẫn ảm đạm. Người có nhu cầu thực vẫn còn tâm lý giá bất động sản còn tiếp tục đi xuống nên chưa vội mua vào.
“Ngành xây dựng cần có một đơn vị nhận định đánh giá thị trường, để thông tin tới người dân lúc này là thời điểm mua căn hộ phù hợp nhất cho những người có nhu cầu thực. Người dân quyết định mua căn hộ cũng góp phần giúp doanh nghiệp tháo gỡ bớt khó khăn” – ông Tuấn nói.
Trong lúc các ngân hàng còn đang lo thu hồi nợ xấu, không mặn mà với việc cho vay bất động sản, các chủ đầu tư càng khó có thể trông chờ vào kênh ngân hàng. Trong khi nguồn vốn tự có của doanh nghiệp không đáng kể, tiếp cận vốn ngân hàng vô cùng khó khăn, nhân vật có thể cứu thị trường bất động sản cũng như chủ đầu tư lúc này chính là phía khách hàng đang có nhu cầu thực về nhà ở thì họ vẫn kiên nhẫn chờ...
Theo Infonet