Trong một văn bản gửi cho bà Huỳnh Tuyết Hằng, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC02, Công an TP.HCM) xác định Vũ Phương Thảo tự làm giả hồ sơ giấy tờ để thực hiện hành vi lừa đảo và điều này “không liên quan gì tới OCB”. Vậy Vũ Phương Thảo là ai mà làm được điều ấy?
Như Tạp chí Tòa án nhân dân đã thông tin, từ tháng 9/2011, bà Huỳnh Tuyết Hằng đến Hội sở của OCB để thực hiện các giao dịch tiền gửi. Đến tháng 1/2019, bà Hằng đứng tên 1 sổ tiết kiệm với số tiền 4,7 tỉ đồng. Và chồng bà Hằng đứng tên một sổ tiết kiệm khác với số tiền 1 tỷ đồng.
Thế nhưng ngay sau đó, hai sổ tiết kiệm này được OCB trả lời là sổ giả và đổ hết trách nhiệm cho người có tên Vũ Phương Thảo. Việc đổ trách nhiệm đó được thể hiện qua văn bản số 398A/2020/CV-OCB ngày 30/3/2020 do OCB ban hành.
Theo nội dung văn bản, việc đầu tiên OCB thông báo có nhận đơn tố cáo của bà Hằng vào ngày 23 và 25/3/2020, và thông báo thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo không thuộc Ngân hàng này và đề nghị bà Hằng gửi đơn đến PC02 (Công an TP.HCM).
“Bà Vũ Phương Thảo đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố về hành vi lừa đảo và chiếp đạt (viết đúng là “chiếm đoạt” – PV) tài sản và CA TP.HCM (PC – 02 Đội 8) đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định. Trên cơ sở xác minh và điều tra của CA TP.HCM, Bà Thảo tự làm giả các hồ sơ, giấy tờ để thực hiện hành vi lừa đảo, không liên quan đến Ngân hàng Phương Đông”, trích văn bản của OCB gửi bà Huỳnh Tuyết Hằng.
Như vậy, văn bản 398A đã thể hiện rõ ý chí của OCB rằng mọi trách nhiệm đều thuộc về cá nhân Vũ Phương Thảo, OCB không liên quan gì tới việc 5,7 tỉ đồng của khách hàng Huỳnh Tuyết Hằng.
Tuy nhiên, như đã nói ở bài trước, bà Huỳnh Tuyết Hằng đến Hội sở của OCB giao dịch trực tiếp và công khai. Việc OCB khẳng định “không liên quan đến Ngân hàng Phương Đông” và khước từ mọi trách nhiệm với khách hàng liệu đã đủ thuyết phục?
Theo thông tin PV có được, Vũ Phương Thảo có mã nhân viên tại OCB là OCB07426, bị chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 14/5/2018. Vũ Phương Thảo từng giữ chức Trưởng Bộ phận – Trung tâm xử lý giao dịch tín dụng tại OCB.
Thử hỏi, giao dịch tại Hội sở Ngân hàng, được một người có chức vụ tại Ngân hàng trực tiếp tiếp nhận giao dịch, như thế không tin thì người dân còn biết tin ai? Hay từ giờ, giao dịch tại OCB cần phải đích thân Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng Giám đốc phải đứng ra tiếp nhận?
Câu hỏi này, Tạp chí Tòa án nhân dân đề nghị câu trả lời từ Hội đồng Quản trị OCB và cá nhân Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn, hoặc từ Ban điều hành Ngân hàng và cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tùng. Bởi, để có thông tin hai chiều, khách quan, PV đã liên hệ OCB nhưng bộ phận cấp dưới hẹn gặp và đề nghị được trao đổi thông tin theo hướng “không chính thống”. Lý do được bộ phận cấp dưới đưa ra là “không có ủy quyền phát ngôn từ lãnh đạo Ngân hàng”.
“OCB nói riêng, hệ thống Ngân hàng nói chung đều có những rủi ro trong quá trình kinh doanh. Nhưng, nếu rủi ro ấy xuất phát từ nhân viên của Ngân hàng thì Ngân hàng nên có trách nhiệm xử lý. Khước từ trách nhiệm đồng nghĩa khước từ luôn uy tín”, một bạn đọc chia sẻ.
Thế Mỹ
Theo Tạp chí Tòa án nhân dân