Chi hàng trăm triệu đồng cho một tiệc cưới nhà hàng nhưng nhiều người lại bị đánh tráo, “rút ruột” món ăn... đó là thực trạng tại rất nhiều nhà hàng hiện nay.
Chi hàng trăm triệu đồng cho một tiệc cưới nhà hàng nhưng nhiều người lại bị đánh tráo, “rút ruột” món ăn... đó là thực trạng tại rất nhiều nhà hàng hiện nay.
Theo chân cậu em trai hiện đang làm bếp trưởng tại khách sạn T.L (quận Tây Hồ, Hà Nội), chúng tôi đã thâm nhập vào hậu trường nhà bếp từ 5h sáng để tham gia nhập nguyên liệu đầu vào cho tiệc cưới diễn ra trong buổi trưa ngày hôm đó. Và quá bất ngờ khi nhiều chiêu đánh tráo, “rút ruột” món ăn diễn ra công khai, dưới sự chỉ đạo của chính nhà hàng.
|
Nhiều thực phẩm bị phù phép
|
Phù phép, đánh tráo nguyên liệu chế biến
Đến bếp nhà hàng, tôi cầm một hộp nhựa, bên trong chứa một ít thịt màu trắng đục, lổn nhổn một số chỗ đã ngả màu. Đọc lướt qua trên bao bì là dòng chữ lem nhem ghi “thịt cua bể gỡ”, đặc biệt dù có lật đi lật lại cũng không thấy hạn sử dụng. Cậu bé giao hàng cho biết: “Loại này dùng để chế biến nhân các món nem hải sản cua bể hoặc dùng để chế biến các món súp hải sản”.
Theo đó, giá của mỗi hộp cua bể gỡ khoảng 0,4 kg là 120.000 đồng/ hộp. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên bởi mức giá trên quá mềm trong khi 1 kg cua bể hiện bán trên thị trường có giá không dưới 350.000/kg, cậu bé người giao hàng lấy cớ: “Em chỉ biết đi đưa, còn muốn tìm hiểu gì anh chị trao đổi trực tiếp với bà chủ”. Liền sau đó, cậu giao hàng nhanh chóng chuồn lẹ. Một cậu phụ bếp thấy tôi ngạc nhiên thì tỏ ra hiểu biết, bật mí thêm: “Làm gì có thịt cua bể 100% nào lại có giá hời thế. Đây thực chất là thịt ghẹ đông lạnh trộn với thịt cá trôi, cá trắm. Tỉ lệ thịt ghẹ cũng chỉ được khoảng 30% cho có mùi thơm của hải sản khi chế biến thôi”.
Anh Tú, một đầu bếp có nhiều kinh nghiệm tại khách sạn này cho biết: “Dùng loại thịt cua bể gỡ này để chế biến các món súp hải sản, theo đó thường cho thêm các loại phụ gia, hương vị nên hầu như khách hàng không thể nhận biết được. Với món nem hải sản, nếu tinh ý, người dùng sẽ nhận biết được ngay bởi thịt cua bể xịn sẽ có vị ngọt, thơm còn nếu “độn” quá nhiều ăn sẽ bở và nhạt”.
Cũng với các chiêu gian dối đó, bên phía nhà hàng sẽ bắt tay với nhà cung cấp nhằm hạ giá thành nguồn nguyên liệu đầu, tức là “treo đầu dê, bán thịt chó”. Mục sở thị thực đơn tiệc cưới khách đặt ngày hôm đó có món cá quả chiên xù. Anh Tú nói: “Để chế biến món này buộc phải lọc phi-lê, cắt lát chứ không để nguyên con nên nhà hàng sẽ “phù phép” bằng cách chỉ nhận đủ khung xương cá quả còn thịt cá lọc thì lại được đổi bằng loại rẻ hơn như cá trắm, cá trôi. Những món ăn kiểu này còn được ngụy trang bằng lớp bột chiên xù bắt mắt để đánh lừa khách hàng”.
Theo chỉ dẫn của anh Tú, chúng tôi tìm tới tận nơi các nhà cung cấp các loại thịt bò, thịt lợn, hải sản… với số lượng lớn cho các nhà hàng, khách sạn tại phố Thịnh Liệt (Hà Nội). Vào vai người mua hàng đang đi tìm nguồn thực phẩm cho nhà hàng sắp khai trương, chúng tôi được bà chủ tên Nga chào đón với mức giá khá mềm dành cho những mối hàng lớn. So với mức giá ngoài chợ thì các loại thịt bò, thịt lợn ở đây rẻ hơn khoảng 3.000 – 5.000 đồng/kg. Đặc biệt, bà Nga còn thì thầm với chúng tôi: “Các nhà hàng lớn khi chế biến món bò thường dùng thịt lợn sề để làm. Nếu chế biến khéo thì người ăn sẽ không biết mà lại cắt giảm được một khoản chi phí khá lớn”.
Trao đổi với anh Tú, chúng tôi mới biết, hiện trên thị trường có loại sô-đa ướp bò và một số loại gia vị tẩm ướp tạo mùi thơm giả xuất xứ từ Trung Quốc đang bán rất chạy. Thịt lợn sề vốn có màu hơi thẫm hơn thịt lợn thường nên chỉ cần một gói nhỏ giá vài ngàn đồng dùng để tạo màu và tạo mùi, khi chế biến sẽ cho thành phẩm “giả bò” tới 80%. Tuy nhiên, nếu người ăn tinh ý sẽ thấy thịt vẫn bị dai, lại có mùi hoi, chứ không ngọt như thịt bò.
Anh Tú nói thêm, những chiêu trò này thường diễn ra tại các nhà hàng nhỏ, làm ăn theo lối chụp giật. Còn tại các khách sạn lớn thì không thấy có hiện tượng này. Để tránh cho khách hàng khỏi rơi vào bẫy, anh Tú tư vấn thêm: “Đối với các món cá, tôm nên lựa chọn những món được chế biến còn nguyên con, hạn chế các món phi-lê cắt miếng, bởi đây là những món mà một số nhà hàng có thể trà trộn những loại cá khác kém chất lượng”.
Một số thực khách khi đi ăn tiệc cưới thường muốn ăn những món như tôm chiên cốm, chiên dừa Hong Kong, tôm Hoàng bào… bởi tâm lý ngại bóc vỏ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của anh Trần Tường, người phụ trách đặt tiệc của Trung tâm phụ nữ và phát triển (Thụy Khuê, Hà Nội), người dùng nên tránh các món tôm được "mặc áo", bởi “lớp áo” được bao ngoài tôm như bột hay dừa, cốm…nếu được tẩm quá nhiều sẽ khiến bạn khó kiểm soát được chất lượng tôm có thực sự tươi ngon hay không.
Đồ ăn cũng bị... “rút ruột”
Ngoài những chiêu “phù phép” đồ ăn của nhà hàng, khách sạn, chúng tôi còn được một đầu bếp tên H. tiết lộ về chiêu “rút ruột” đồ ăn. Thông thường, một đĩa gà sẽ là nửa con xếp ngay ngắn. Tuy nhiên, đầu bếp nhà hàng dùng dao thật sắc, chặt vát miếng gà thật mỏng, sau đó khéo léo bỏ bớt số lượng thịt trên đĩa mà khách hàng không thể phát hiện thiếu. Số thịt gà được “rút” này sẽ là nguyên liệu chế biến món khác. “Phần đùi gà là dễ rút bớt thịt nhất. Những đầu bếp trong nghề sẽ láng và lấy được 2 miếng/đùi mà đĩa trông vẫn đầy đặn” - đầu bếp H. tiết lộ.
Theo anh H., món thịt bò sốt tiêu đen thì sẽ độn thêm hành tây, ớt xanh phía dưới và giảm lượng thịt. Khi vào cửa hàng hải sản, khách hàng sẽ được tận mắt nhìn nhân viên cân tôm nhưng không ai đếm từng con. Lúc chế biến, đầu bếp sẽ rút bớt chừng 1 lạng, khách hàng vẫn nghiễm nhiên cho rằng số lượng tôm còn nguyên vẹn. Với món chân giò hầm, ngoài việc bỏ bớt số lượng thịt chân giò, các đầu bếp sẽ rút bớt một số vị thuốc đi kèm như hạt sen, ý dĩ. Canh bồ câu thơm ngon với giá “cắt cổ” được ghi trên thực đơn, thực chất cũng đã bị đánh tráo thành phần thành canh chim cút để giảm chi phí nguyên liệu đầu vào.
“Trong các nhà hàng, khách sạn, món súp là món lãi cao ngất ngưởng. Bên trong những tên gọi sang trọng như súp măng tây thả cua, súp hải sản Thái, súp hải sâm chỉ là nước dùng và bột đao. Người trong nghề chúng tôi gọi vui là súp “hải sản chạy qua”. Đôi khi, chính người trong nghề cũng khó mà phát hiện súp thật, súp giả” - đầu bếp H. kể.
Cũng theo đầu bếp này, mỗi một món ăn lại có những cách “rút ruột” khác nhau. Tài tình của các đầu bếp ở chỗ, dù có rút ruột, đánh tráo nguyên liệu thì thực khách vẫn không phát hiện ra. Cách bày trí món ăn lạ, đẹp mắt cùng với các hương liệu đã đánh lừa vị giác và thị giác người dùng. Ngoài ra, với những đồ ăn đông lạnh ôi thiu như tôm, cá, phía nhà hàng sẽ dùng nước gio Tàu ngâm cho cứng và hết mùi thum thủm. Một lít nước gio Tàu có giá chỉ 20 - 25.000 đồng. Anh H. cũng tiết lộ, 70% đồ ăn ở nhà hàng là hàng đông lạnh.
Chiều 22/4, anh Lê Xuân Tiệp (Bình Dương) tổ chức đám cưới của mình và đãi 28 bàn tiệc (giá trọn gói hơn 40 triệu đồng) tại nhà hàng Minh Khang (Thị xã Dĩ An, Bình Dương). Khi đãi món thịt gà, khách dùng nhăn mặt khó chịu vì bốc mùi hôi khó chịu. Sau đó, các nhân viên phục vụ đưa lên món lẩu thập cẩm thì khách dùng đồng loạt đứng lên vì không thể chịu được khi thịt heo trong đĩa bốc mùi hôi kinh khủng. Quản lý nhà hàng đã thừa nhận có sử dụng thịt thối chế biến món ăn.
|
Theo Người Đưa Tin