Sự kiện hot
7 năm trước

'Cần học theo Singapore, khu để xe phải tách biệt với khu ở để giảm nguy cơ cháy'

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác PCCC, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung quy định khu vực để xe phải tách biệt với khu ở để giảm thiểu nguy cơ cháy (tương tự quy định của Singapore).

Trong công văn đề xuất sửa đổi, bổ sung cấp bách một số điều luật để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, Hiệp hội Bất động sản (HoREA) kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam: Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng” (mới) và bổ sung quy định khu vực để xe phải tách biệt với khu ở để giảm thiểu nguy cơ cháy (tương tự quy định của Singapore); sửa đổi “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2010/BXD)” theo hướng nghiêm ngặt hơn, tính đến thực tế nhiều chung cư trên 30 tầng hiện nay.

Cũng liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhà chung cư, Hiệp hội đề nghị sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định hơn nữa trách nhiệm của chủ đầu tư (CĐT) trong công tác đảm bảo an toàn cháy nổ nhà chung cư; đồng thời phải công khai các chung cư không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) hoặc không mua bảo hiểm bắt buộc.

Về công tác PCCC, HoREA kiến nghị bổ sung quy định khu vực để xe phải tách biệt với khu ở để giảm thiểu nguy cơ cháy (tương tự quy định của Singapore). (Ảnh: Infonet)

Trong Luật Kinh doanh bất động sản cần bổ sung quy định CĐT sau khi nghiệm thu chung cư phải thông báo cho Sở Xây dựng kiểm tra, nếu đạt chuẩn thì Sở sẽ ban hành văn bản xác nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng mới được bàn giao nhà cho dân vào ở (thời gian làm thủ tục hành chính này không quá 10 ngày làm việc).

Về thẩm định thiết kế công trình theo Luật Xây dựng 2014, HoREA cho rằng Nghị định 59/2015/NĐ-CP đã có mặt hạn chế vì tách "Quy trình cấp giấy phép xây dựng" thành ba khâu riêng: (1) Quy trình cấp giấy phép xây dựng; (2) Quy trình thẩm định thiết kế cơ sở; (3) Quy trình thẩm định thiết kế kỹ thuật và chưa liên thông giữa Bộ Xây dựng, Bộ Công an (thẩm duyệt PCCC), Bộ Quốc phòng (thỏa thuận cao độ tĩnh không).

Do vậy, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi nội dung "Chính phủ quy định chi tiết các bước thiết kế xây dựng, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng" theo hướng giao quyền cho UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật) và cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn có chiều cao tối đa không quá 120m (khoảng 35 tầng) (trừ trường hợp UBND cấp tỉnh có yêu cầu).

Ngoài ra, HoREA tiếp tục nêu ý kiến về cách thu tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013: “Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần”; “UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần” và “UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể” nay không còn phù hợp với thực tiễn và định hướng giao quyền chủ động hơn cho cấp tỉnh. Cách tính tiền sử dụng đất dự án hiện nay đang không minh bạch, tạo cơ chế “xin - cho”, là gánh nặng mà người mua nhà phải gánh chịu.

Hiệp hội kiến nghị bỏ quy định “Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần” và sửa đổi để giao thẩm quyền cho cấp tỉnh ban hành “Bảng giá đất và giá đất cụ thể” được điều chỉnh bằng hệ số (K) hàng năm; kiến nghị bổ sung khoản 2 (mới) vào điều 107 Luật Đất đai như sau: “2. Thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, với mức thu bằng 15% (hoặc ...%) bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành”.

Đối với việc cải tạo lại chung cư cũ, quy định nhà chung cư phải được tất cả các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại trong Luật Nhà ở đang là trở ngại trong tổ chức thực hiện. Do vậy, HoREA kiến nghị sửa đổi theo hướng chỉ cần được tối thiểu 80% các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư; quyền lợi của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ để xây dựng lại được đảm bảo như nhau.

Còn với loại hình căn hộ khách sạn, nhà phố, biệt thự trong khu du lịch nghỉ dưỡng (condotel), Hiệp hội kiến nghị bổ sung "Đất sử dụng cho du lịch" vào Điều 153 Luật Đất đai; đất du lịch chỉ được sử dụng cho mục đích du lịch; kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai cho đất thương mại, dịch vụ, du lịch được sử dụng ổn định lâu dài, nộp tiền sử dụng đất tương tự như đất ở…

N.Lê
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: